Truyền thông

Đào tạo nhân lực truyền thông doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số

Trường Thanh 08/03/2025 08:05

Hiện nay, nhu cầu nhân lực truyền thông doanh nhiệp đang rất lớn và có xu hướng tăng lên. Việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực truyền thông doanh nghiệp cần được thực hiện bởi đa dạng các giải pháp ở nhiều chủ thể khác nhau.

Truyền thông doanh nghiệp (DN) là quá trình sáng tạo nội dung, truyền tải thông điệp về quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ do DN sản xuất ra, đồng thời cũng là quá trình thu thông tin phản hồi giúp nâng cao năng lực hoạt động kinh tế của DN. Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của DN, đặc biệt là trong nền kinh tế số.

Trong những năm gần đây, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực truyền thông được chú trọng trong hệ thống đào tạo. Tuy nhiên, thực tiễn công tác đào tạo nhân lực truyền thông hiện nay chủ yếu tập trung đào tạo nghiệp vụ truyền thông, chưa chú trọng phát triển kiến thức chuyên môn kinh tế cho nhân lực truyền thông.

Vì vậy, việc định hướng, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực truyền thông kinh tế đáp ứng tốt yêu cầu nhân lực truyền thông ở DN có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của DN.

Truyền thông DN đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của DN

Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Khuyên, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Truyền thông nói chung và truyền thông DN đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của tổ chức, cá nhân và DN. Để triển khai truyền thông, mọi DN cần có đội ngũ nhân lực truyền thông được đào tạo bài bản.

Truyền thông DN được chia làm hai bộ phận là nội bộ và bên ngoài. Truyền thông nội bộ DN là quá trình truyền tải thông tin giữa các chủ thể trong nội bộ DN. Truyền thông nội bộ DN là chất keo kết dính các cá nhân, đơn vị trong DN, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện các mục tiêu mà DN đề ra.

Truyền thông bên ngoài DN là quá trình truyền tải thông tin từ trong DN ra ngoài DN và từ ngoài DN vào trong DN. Số lượng và chất lượng thông tin quản lý từ ngoài DN vào trong DN là chất liệu quan trọng để phối hợp với các thông tin nội bộ DN giúp chủ thể quản lý DN xây dựng chiến lược, mục tiêu, kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho DN.

Thông tin từ DN ra công chúng, ra xã hội thường là thông tin về hàng hóa, dịch vụ mà DN sản xuất cung ứng cho xã hội; thông tin về kết quả sản xuất, kinh doanh (SXKD) của DN. Thông tin về hàng hóa dịch vụ giúp khách hàng hiểu biết về sản phẩm dịch vụ để mua và tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ do DN sản xuất ra, giúp các nhà cung cấp tìm đối tác, giúp DN tăng doanh số, tăng lợi nhuận. Thông tin chiến lược, kế hoạch và kết quả SXKD của DN giúp thu hút nhà đầu tư, người lao động và các nguồn lực khác cho sự phát triển của DN.

1.jpg

Nhu cầu nhân lực truyền thông kinh tế ở DN

Theo TS. Nguyễn Thị Khuyên, dưới sự phát triển mạnh mẽ của phân công lao động, truyền thông trở thành một mảng công việc độc lập và đòi hỏi nhân lực có năng lực chuyên môn truyền thông, kiến thức kinh tế tốt đảm nhiệm.

Qua quan sát thực tiễn, các DN có nhu cầu rất lớn về nhân lực truyền thông. Tùy theo quy mô của DN, những DN lớn truyền thông trở thành một bộ phận chức năng động lập, được thực hiện bởi một tổ chức nhân sự được đào tạo và có phân công chuyên môn rõ ràng. Với các DN nhỏ, bộ phận truyền thông được lồng vào các chức năng quản lý khác, chức năng chuyên môn nào đảm nhiệm truyền thông nhiệm vụ đó.

Các chủ DN cho biết, hầu hết nhân lực truyền thông được lựa chọn từ lao động chuyên môn, đội ngũ này nắm rất thực tế nội dung thông tin, tuy nhiên thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm truyền thông. Thực trạng đó dẫn đến việc tổ chức truyền thông gặp những khó khăn rất lớn.

Số rất ít DN có nhân lực truyền thông được đào tạo bài bản về truyền thông. Lực lượng này có năng lực tốt trong việc xây dựng thông điệp, tổ chức truyền tải thông tin. Tuy nhiên, họ lại hạn chế trong kiến thức kinh tế, kiến thức về chuyên môn, về thực tiễn sản xuất kinh doanh.

“Thực tiễn các DN đang cần một đội ngũ nhân lực truyền thông chuyên nghiệp, mạnh về kiến thức kinh tế, am tường về hàng hóa dịch vụ, về thị trường, về các quy luật và phạm trù kinh tế. Đồng thời, phải vững vàng về kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm truyền thông, đặc biệt là truyền thông đa phương tiện, truyền thông số”.

TS. Nguyễn Thị Khuyên cũng cho biết, hiện nay đào tạo nhân lực truyền thông được thực hiện ở một số cơ sở bao gồm: Trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH FPT; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông; ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU- SIS); Trường ĐH RMIT; Cao đẳng Phát thanh truyền hình.

So sánh về số cơ sở giáo dục đào tạo ĐH ở Việt Nam hiện là hơn 200 trường ĐH và Học viện. Vậy, số lượng trường ĐH, cao đẳng có đào tạo nhân lực ngành truyền thông chiếm tỷ lệ rất nhỏ, trong khi nhu cầu của xã hội nói chung và nhu cầu của DN đang tăng lên rất nhanh.

“Hiện nay, nhu cầu nhân lực truyền thông DN đang rất lớn và có xu hướng tăng lên. Công tác đào tạo nhân lực truyền thông DN đã có một số thành tựu quan trọng, nhưng vẫn tồn tại không ít hạn chế. Việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực truyền thông DN cần được thực hiện bởi đa dạng các giải pháp ở nhiều chủ thể khác nhau”, TS. Nguyễn Thị Khuyên chia sẻ.

dsc_9764.jpg
Truyền thông nói chung và truyền thông DN đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển của tổ chức, cá nhân và DN.

Giải pháp đào tạo nhân lực truyền thông DN trong bối cảnh chuyển đổi số

Từ thực tế nói trên, TS. Nguyễn Thị Khuyên nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, để thúc đẩy đào tạo nhân lực truyền thông DN, cần mở rộng liên kết đào tạo giữa cơ sở đào tạo với DN trong đào tạo nhân lực ngành truyền thông DN.

Đồng thời, mở rộng quy mô đào tạo cho các cơ sở đào tạo. Với xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, nhu cầu nhân lực truyền thông ngày một lớn, đòi hỏi phải tăng cường mở rộng chỉ tiêu đào tạo, giao nhiệm vụ đào tạo cho những cơ sở đào tạo khác có đủ điều kiện mở ngành.

Cùng với đó, hoàn thiện chương trình đào tạo ngành truyền thông theo hướng tăng cường kiến thức gắn với từng lĩnh vực truyền thông như kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…

Đặc biệt, đẩy mạnh phát triển đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy truyền thông; Cập nhật kiến thức và kỹ năng truyền thông chuyên biệt mảng kinh tế, DN; Phát triển năng lực nghiên cứu giảng dạy truyền thông đa phương tiện, truyền thông số để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đào tạo nhân lực hiện nay.

Ngoài ra, cần đổi mới hình thức và phương pháp đào tạo nhân lực truyền thông. Bên cạnh đào tạo dài hạn nhân lực truyền thông, có thể mở những khóa bồi dưỡng ngắn hạn về nghiệp vụ truyền thông cho các cử nhân kinh tế và và bồi dưỡng nghiệp vụ kinh tế, quản lý kinh tế cho cử nhân truyền thông. Thông qua các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, phát triển được lực lượng nhân lực hiện có nhằm đáp ứng tốt nhu cầu nhân lực truyền thông cho DN.

Để thực hiện tốt các giải pháp nhằm đào tạo nhân lực truyền thông DN, TS. Nguyễn Thị Khuyên cũng khuyến nghị với các tổ chức và cá nhân liên quan:

Với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), rà soát đánh giá, đưa ra dự báo về nhu cầu của xã hội đối với nhân lực ngành truyền thông DN; Xây dựng kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu, giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo nhân lực truyền thông nói chung và truyền thông DN nói riêng.

Đồng thời, khảo sát đánh giá yêu cầu về kiến thức và kỹ năng cần thiết của lao động truyền thông DN, định hướng các cơ sở đào tạo rà soát điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo, hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học cho phù hợp; Hỗ trợ, định hướng với các cơ sở đào tạo phát triển các chương trình bồi dưỡng nhân lực ngành truyền thông DN; Định hướng tăng cường đào tạo đội ngũ các nhà nghiên cứu, giảng dạy về truyền thông nói chung và truyền thông DN nói riêng.

Với các cơ sở đào tạo ngành truyền thông, chủ động rà soát đổi mới nội dung chương trình nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng tăng cường kiến thức, kỹ năng truyền thông và kinh tế cho các cử nhân truyền thông DN tương lai.

Bên cạnh đó, tích cực đổi mới hình thức, phương pháp dạy học để thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số và yêu cầu của đào tạo hiện nay; Chủ động xây dựng đề án về phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên tại đơn vị; Chủ động xây dưng đề án các chương trình bồi dưỡng nhân lực ngành truyền thông DN; Trình Bộ GD&ĐT và các bộ ngành phối hợp triển khai thực hiện.

Với DN, cần chủ động đánh giá nhu cầu và kế hoạch xây dựng, phát triển nhân lực truyền thông của đơn vị; Phối hợp với các đơn vị đào tạo, vừa thực hiện trách nhiệm xã hội với công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, vừa có được nguồn nhân lực truyền thông chất lượng, hiệu quả phục vụ hoạt động của DN.

Với sinh viên, học viên, cần hiểu rõ truyền thông kinh tế đang là một lĩnh vực quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều chủ thể khác nhau. Mỗi sinh viên, học viên cần chủ động phát triển, bồi đắp để giàu có về kiến thức, thành thục về kỹ năng, chủ động, sáng tạo trong triển khai nhiệm vụ truyền thông.

Nếu là sinh viên ngành truyền thông, cần chủ động tìm hiểu học thêm về kinh tế và quản trị. Nếu là sinh viên ngành kinh tế cần chú ý tự học tập và bồi dưỡng các kiến thức và kỹ năng truyền thông, chủ động tìm kiếm công việc, cơ hội học tập tại bộ phận truyền thông tại DN./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nhân lực truyền thông doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO