Dấu ấn Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc

Xuân Tuấn| 04/04/2020 10:55
Theo dõi ICTVietnam trên

Từ ngày 01/01/2020, Việt Nam chính thức đảm nhiệm cương vị ủy viên không thường trực HĐBA Liên Hợp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020 - 2021 và giữ vai trò Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020.

Tháng Chủ tịch thành công của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) đã để lại dấu ấn và thông điệp mạnh mẽ về Việt Nam, một thành viên có trách nhiệm và tích cực trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn mong muốn đóng góp cho công việc của LHQ, tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và vai trò trung tâm của LHQ trong việc duy trì hoà bình, an ninh quốc tế và phát triển trên thế giới.

Việt Nam đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm

Trong cương vị Chủ tịch, Việt Nam đã điều hành các công việc định kỳ và đột xuất, trong đó có xây dựng và thông qua chương trình làm việc của tháng, chủ trì các cuộc họp chính thức và tham vấn kín của HĐBA, thúc đẩy thương lượng và chủ trì thông qua các quyết định của HĐBA.

Bên cạnh việc điều hành các cuộc họp, Việt Nam đã chủ trì buổi làm việc giữa các nước thành viên HĐBA với Tổng Thư ký (TTK) LHQ, duy trì quan hệ phối hợp thường xuyên với báo chí sở tại và quốc tế, thay mặt HĐBA thông tin cho báo chí sau các cuộc họp, duyệt ký và cho lưu hành các tài liệu, văn bản quan trọng của HĐBA trên cương vị Chủ tịch.

Dấu ấn Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an LHQ, tháng 1/2020. (Ảnh: baoquocte.vn)

Việt Nam đã tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm, bày tỏ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề được HĐBA xem xét, thảo luận, thể hiện rõ lập trường của Việt Nam ủng hộ tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; nỗ lực thúc đẩy ngăn ngừa xung đột, giảm căng thẳng, tìm giải pháp thỏa đáng cho các tranh chấp, xung đột; ủng hộ vai trò của LHQ, các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ và các tổ chức khu vực.

Đối với một số vấn đề phức tạp, có khác biệt quan điểm giữa các nước, Việt Nam đã chủ động nhấn mạnh HĐBA cần nỗ lực tham vấn để có đồng thuận, qua đó các nước thấy được sự tham gia thiện chí, tích cực, xây dựng của nước ta.

Dấu ấn Việt Nam tại HĐBA

Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức hai sự kiện quan trọng của HĐBA, tạo dấu ấn Việt Nam tại HĐBA, gồm:

Thảo luận mở của HĐBA với chủ đề "Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế" do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì với sự tham gia và phát biểu của tổng cộng 111 diễn giả (trong đó có đại diện của 106 quốc gia) - là số diễn giả cao nhất từ trước đến nay trong các cuộc thảo luận mở của HĐBA.

Tại phiên thảo luận này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu khẳng định: Việt Nam luôn coi việc tuân thủ Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế là phương thức quan trọng hàng đầu vun đắp hòa bình bền vững. 

Bài phát biểu cũng nhấn mạnh, HĐBA và các nước thành viên HĐBA cần đi đầu trong việc tuân thủ và thực hiện Hiến chương, đồng thời đề nghị các nước thành viên LHQ tăng cường đối thoại, đề cao chủ nghĩa đa phương, phát huy tối đa các công cụ Hiến chương đã đề ra; tăng cường hiệu quả và vai trò của các tổ chức khu vực, đặc biệt trong phối hợp với LHQ và HĐBA.

Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, lần đầu tiên HĐBA thông qua Tuyên bố Chủ tịch về Hiến chương LHQ khẳng định giá trị bền vững của Hiến chương trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển luật pháp quốc tế và điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia; tái khẳng định cam kết của HĐBA đối với tôn chỉ, mục đích của Hiến chương; nhấn mạnh tất cả các nước, các cơ quan LHQ, các tổ chức khu vực... cần luôn hành động phù hợp với Hiến chương LHQ, bảo đảm xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế phù hợp với Hiến chương.

Trong phát biểu, TTK LHQ Antonio Guterres và các nước đều đánh giá cao các thành tựu của ASEAN trong hội nhập, phát triển kinh tế, giữ gìn hòa bình, ổn định ở khu vực và đóng góp ngày càng nhiều vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là đối với hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Đồng thời, mong muốn ASEAN tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt trong việc giải quyết các thách thức và duy trì hòa bình, an ninh ở khu vực và thế giới.

Nga, Tunisia (là Thành viên của các tổ chức khu vực khác như Tổ chức hợp tác Thượng Hải, Liên minh châu Phi) đã chia sẻ kinh nghiệm thành công và đề xuất các biện pháp tăng cường hợp tác với ASEAN.

Về vấn đề Rakhine, các nước đều hoan nghênh và ghi nhận vai trò của ASEAN, Trung tâm hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA) trong việc giải quyết vấn đề hồi hương ở bang Rakhine…

Việt Nam phát biểu với tư cách quốc gia nhấn mạnh vai trò và đóng góp của ASEAN trong hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, tăng cường hợp tác với các đối tác thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, thúc đẩy văn hóa hòa bình, tham vấn và đối thoại; nhấn mạnh ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống đa phương toàn cầu, tăng cường hợp tác ASEAN-LHQ, trong đó có lĩnh vực an ninh hàng hải; đồng thời nêu các ưu tiên mà Việt Nam dự kiến thúc đẩy giữa LHQ và ASEAN.

Các nước ủng hộ cách làm và các sáng kiến, nội dung Việt Nam thúc đẩy

Sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam đều được các nước đánh giá cao. Các nước đều thể hiện tôn trọng vai trò, sự tham gia của Việt Nam; ủng hộ cách làm và các sáng kiến, nội dung Việt Nam thúc đẩy.

Dấu ấn Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - Ảnh 2.

Một phiên bỏ phiếu của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. (Ảnh: baoquocte.vn)

Pháp đánh giá Việt Nam đã điều hành khéo léo và hiệu quả, giúp giảm căng thẳng các cuộc thảo luận về Trung Đông, Libya. Indonesia chúc mừng Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tháng Chủ tịch và tin tưởng sự hiện diện của hai nước ASEAN cùng trong HĐBA sẽ mang lại nhiều giá trị hơn nữa cho cả nhóm.

Bỉ bày tỏ ấn tượng với thành công của thảo luận mở về 75 năm Hiến chương LHQ và sẽ phải cố gắng giữ nhịp khi đảm nhiệm chức Chủ tịch tháng 2/2020. Nga, Trung Quốc chia sẻ với Việt Nam về lập trường, quan điểm trên nhiều vấn đề.

Ấn Độ và Myanmar cảm ơn Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ trong việc hạn chế những thảo luận về các vấn đề liên quan đến nước họ trong chương trình của HĐBA.

Bên cạnh đó, dư luận báo chí quốc tế cũng đánh giá tích cực vai trò của Việt Nam trong tháng Chủ tịch HĐBA. Tạp chí Geopolitical Monitor (Canada) đánh giá Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của toàn cầu với vị trí, uy tín và trách nhiệm kép là Chủ tịch-ASEAN 2020 và Chủ tịch HĐBA tháng 01/2020. 

Hãng tin Tân Hoa Xã (Trung Quốc), Hãng Thông tấn Pháp (AFP) đưa tin về việc Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên Thảo luận mở đã thu hút sự quan tâm kỷ lục của các nước thành viên LHQ…

Như vậy, với những nỗ lực cao nhất và những chuẩn bị công phu từ sớm, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công trọng trách Chủ tịch HĐBA và các mục tiêu đề ra trong tháng 1/2020. HĐBA hoạt động suôn sẻ, có hiệu quả. 

Nổi bật và để lại ấn tượng nhất là 2 sáng kiến của Việt Nam về tổ chức phiên thảo luận mở về tuân thủ Hiến chương LHQ để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế cho tháng mở đầu kỷ niệm 75 năm ra đời LHQ (1945-2020) và phiên họp về tăng cường hợp tác giữa LHQ và Hiệp Hội các nước Đông Nam Á (ASEAN).

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO