Sự phát triển của internet đem lại lợi ích rộng mở cho người dân và cũng góp phần quan trọng thúc đẩy xã hội phát triển. Với tốc độ phát triển nhanh chóng, mạng xã hội đã tạo nên sức hấp dẫn lớn, lôi cuốn hàng tỷ người sử dụng trên thế giới và hơn 60 triệu người dùng tại Việt Nam, tạo ra sức lan tỏa thông tin nhanh chóng.
Hiện nay, bên cạnh hệ thống báo chí đã có, trên internet xuất hiện ngày càng nhiều các mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm. Chúng phát triển nhanh, rộng, lan tỏa và có sức ảnh hưởng khắp toàn cầu, điển hình là Facebook, Google, Youtube, Zalo, Viber...
Ngoài Facebook, Google và Youtube cũng là hai ứng dụng được nhiều người ưu tiên lựa chọn cài đặt về máy. Đây là lý do chính giúp những mạng xã hội này thống trị về mặt thị phần người sử dụng ở Việt Nam và ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Facebook công bố số lượng người dùng Facebook và Google hằng tháng ở Việt Nam vào khoảng 60-65 triệu. Con số này là khoảng 30 triệu đối với số lượng người dùng Youtube hằng tháng. Dự báo, số người dùng mạng xã hội ở Việt Nam còn tiếp tục gia tăng trong những năm tới.
Các mạng xã hội và công cụ nhắn tin qua mạng xã hội, trong đó có Facebook được nhiều người quan tâm, sử dụng. “Nghiện” smartphone và mạng xã hội đã trở thành phổ biến của hàng triệu người, nhất là giới trẻ. Giới trí thức, doanh nhân, công chức, viên chức không ít người nằm ngoài xu thế trên.
Mặc dù mục đích, cách thức, mức độ tham gia các trang mạng xã hội của mỗi người khác nhau nhưng có một điểm chung, đó là đều xem nó như là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhiều người. Do đó, nếu sử dụng internet cũng như các mạng xã hội đúng mục đích và phù hợp sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần quan trọng phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với mỗi người dân.
Tuy vậy, mặt trái của mạng xã hội là vấn đề vô cùng nan giải. khác với thế giới thực, những thông tin mà người ta có được trên thế giới ảo khó kiểm chứng. Điều này dẫn đến việc kẻ xấu có thể lợi dụng internet, mạng xã hội vì những mục tiêu không tốt, như: Đưa thông tin giật gân, câu view, câu like; đưa thông tin về đời tư do hẹp hòi, ích kỷ, định kiến cá nhân... Trên lĩnh vực chính trị, những phần tử cơ hội đã lợi dụng internet, mạng xã hội nhằm mục đích chống phá, hòng lật đổ chính quyền nhân dân, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, như: Xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; xuyên tạc lịch sử cách mạng Việt Nam; bôi nhọ chính quyền các cấp… kêu gọi người dân biểu tình, gây rối…
Mạng xã hội là “con dao hai lưỡi”, nếu không được quản lý tốt thì đây chính là nơi tiềm ẩn nhiều yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường xã hội, lợi ích cộng đồng, thậm chí cả an ninh quốc gia. “Do đó, việc bảo vệ Đảng, Nhà nước trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài của cả hệ thống chính trị; là yếu tố then chốt hình thành không gian mạng quốc gia an toàn, ổn định, tạo bước đột phá trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.
Việc quản lý hiệu quả mạng xã hội, ngăn chặn những mặt trái của nó là một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay ở nước ta, nhằm bảo đảm sự trong sạch, an toàn của không gian mạng, nhất là môi trường mạng xã hội ở Việt Nam.