Đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm
Để phát triển loại hình du lịch trải nghiệm thì cần sự chung tay của nhiều ngành và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng cùng các sản phẩm du lịch.
Những năm gần đây, một hình thức du lịch mới được biết đến nhiều hơn bên cạnh loại hình du lịch truyền thống: du lịch trải nghiệm. Hình thức này giúp du khách có thể hòa mình vào đời sống của người dân địa phương và đang trở thành “xu hướng” du lịch được ưa thích tìm tòi, khám phá, đặc biệt là các bạn trẻ.
Đến với du lịch trải nghiệm, du khách sẽ được khám phá những vùng đất bằng cách trực tiếp hòa mình vào đời sống địa phương, cùng người dân bản địa làm những công việc hàng ngày và nấu những bữa ăn mang đậm bản sắc của vùng đất đó. Qua những hoạt động như vậy, du khách còn được biết thêm các kiến thức về văn hoá, xã hội, thiên nhiên theo cách rất gần gũi và thực tiễn.
Một điều thú vị là, nơi du khách nghỉ ngơi trong những chuyến du lịch trải nghiệm lại không phải khách sạn hạng sang hay resort cao cấp, mà là ngủ nghỉ ngay tại nhà của người dân ở đây.
Hình thức này mới hơn rất nhiều so với du lịch truyền thống, do vậy cần đầu tư hơn rất nhiều về sức khoẻ và thời gian cho những chuyến đi này. Vì đặc thù như vậy, xu hướng du lịch trải nghiệm đã và đang thu hút rất nhiều các bạn trẻ thích khám phá những điều thú vị, mới mẻ.
Đa dạng các loại hình du lịch trải nghiệm ở Việt Nam
Việt Nam ngoài những khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp thì mỗi vùng miền còn có vô số trải nghiệm "đặc sản", thể hiện rõ nét văn hoá khiến du khách thêm yêu Việt Nam và muốn quay lại nhiều lần.
Trong hành trình khám phá bản đồ du lịch Việt Nam, du lịch trải nghiệm nổi lên với các xu hướng như: Du lịch trải nghiệm cho học sinh; Du lịch trải nghiệm nông nghiệp; Du lịch khám phá thiên nhiên…
Du lịch trải nghiệm dành cho học sinh hiện nay là các tour được nhà trường hoặc các trung tâm ngoại ngữ phối hợp cùng công ty du lịch tổ chức. Tour du lịch này thường phân chia dựa theo độ tuổi, từ mẫu giáo, tiểu học đến trung học. Tùy vào từng lứa tuổi mà sẽ có những hoạt động trải nghiệm, khám phá, phát triển thể lực khác nhau.
Một số hoạt động phổ biến trong chuyến du lịch trải nghiệm dành cho học sinh như: trải nghiệm cuộc sống của các bác nông dân, thử sức với các trò chơi dân gian và các hoạt động thể thao, tham quan di tích, bảo tàng, tham gia các khóa hè… Các tour trải nghiệm này giúp các em được tiếp xúc với những kiến thức vô cùng thực tế về cuộc sống hàng ngày, điều mà khó kiếm được trong thời đại công nghệ số.
Du lịch nông nghiệp cũng là một xu hướng trải nghiệm khá “hot” thời gian gần đây. Du lịch nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế tại các vùng nông thôn.
Đến với loại hình du lịch này, du khách sẽ được tìm hiểu về các loại động - thực vật, tham quan các trang trại nông sản, tự tay trồng trọt, thu hoạch rau củ, trái cây và thưởng thức những thành quả ngọt ngào. Ngoài ra,du khách còn được tham gia vào các sự kiện nhộn nhịp ở các trang trại như lễ hội hoa hướng dương, lễ hội thu hoạch rau, cuộc thi câu cá, cuộc thi hái chè…
Du lịch khám phá thiên nhiên và thách thức giới hạn của bản thân là một loại hình du lịch khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy mới phát triển nhưng Việt Nam có đủ điều kiện để thực hiện bởi vì địa hình đa dạng, thảm thực vật phong phú do thiên nhiên ban tặng. Khác với những loại du lịch thông thường, phương tiện di chuyển duy nhất là đôi chân của du khách đến những nơi núi rừng xa xôi, hiểm trở.
Đây là một loại hình tương đối mạo hiểm và nó càng trở nên thách thức, hấp dẫn hơn đối với những ai thích khám phá thiên nhiên và bứt phá những giới hạn của bản thân. Sau chuyến hành trình, là những bài học trải nghiệm thú vị cho những ai ưa mạo hiểm.
Cần chung tay để phát triển du lịch
Đề án Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, đa dạng, đồng bộ, chất lượng cao, giá trị gia tăng cao. Thu hút thêm nhiều thị trường khách du lịch và thu hút đầu tư nhiều vào du lịch.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, các địa phương đã tập trung huy động và sử dụng tốt nguồn lực từ doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và đóng góp của nhân dân. Làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ mục tiêu phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm giới thiệu hình ảnh của địa phương mình đến với du khách trong và ngoài nước.
Thực hiện tốt quy hoạch không gian, quy hoạch phát triển du lịch của từng địa phương trên cơ sở gắn kết các vùng, điểm du lịch, tuyến du lịch vùng miền. Liên kết các công ty lữ hành lớn, có uy tín khảo sát xây dựng các tour, tuyến du lịch trên từng địa bàn. Bên cạnh đó đã tăng cường kêu gọi, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, tích cực mở rộng, phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm và loại hình du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước.
Để mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề phát triển hơn, trước hết, các cơ quan chức năng phải xây dựng quy hoạch du lịch tiềm năng trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó là tiếp tục nhân rộng một số mô hình điểm. Quá trình xây dựng mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp, làng nghề, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ chế, chính sách; đồng thời cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ngành.
Cùng với đó, Hội Nông dân các địa phương từng bước hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp gắn với khai thác mô hình du lịch trang trại, nghỉ dưỡng cuối tuần. Các doanh nghiệp tận dụng lao động nông nghiệp gắn với đào tạo nghề tại chỗ. Đồng thời, gắn thực hiện quy hoạch với đầu tư hạ tầng, xây dựng mô hình nông nghiệp sạch. Có như vậy, sẽ vừa tạo ra chuyển biến trong phát triển kinh tế vùng, vừa tạo thêm thu nhập cho hội viên nông dân, vừa thu hút khách du lịch…