Tập trung khai thác tốt du lịch nông nghiệp, nông thôn
Việt Nam đang triển khai các phương thức du lịch mới và bền vững như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, để khai thác được “mỏ vàng” này, cần nhiều chính sách đồng bộ hơn nữa.
Tốc độ tăng trưởng sẽ đạt mức 10 - 30%
Du lịch nông nghiệp, nông thôn, hay còn gọi là “Nông - Du lịch”, theo thuật ngữ tiếng Anh: “Agritourism”, là xu thế ngày càng được ưa chuộng, theo nhận định của nhiều chuyên gia.
Tại Việt Nam, tiềm năng phát triển du lịch sinh thái nông thôn rất lớn, với tài nguyên thiên nhiên phong phú, văn hóa truyền thống đặc sắc. Hiện, cả nước có khoảng 1.300 điểm du lịch, khu du lịch do các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% các điểm, khu du lịch ở các khu vực nông thôn.
Ông Nguyễn Anh Phong, Chuyên gia của Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), dẫn thông tin từ Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) dự báo đến năm 2030, số lượng khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái trên toàn cầu sẽ chiếm 10% trong tổng du khách, doanh thu khoảng 30 tỷ USD, tăng trưởng hàng năm từ 10 - 30%, trong khi du lịch truyền thống (nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí, hội họp) chỉ tăng trung bình 4%/năm.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khẳng định: “Phát triển du lịch nông thôn được xác định là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân; đồng thời nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch nông nghiệp, nông thôn”.
Qua thống kê sơ bộ, hiện nay cả nước có khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động, trải dài từ miền núi phía Bắc đến Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long… Nhiều mô hình phát huy hiệu quả, thu hút sự quan tâm của du khách.
Giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn không đơn thuần mang lại thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác. Đó là định vị hình ảnh nền nông nghiệp Việt Nam sinh thái bốn mùa hoa trái, thông qua đó có thể tiếp thị, quảng bá nông sản ngay tại nông trại, ruộng vườn.
Nhiều mô hình có hiệu quả
Hà Giang là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước phát triển du lịch nông thôn với mục tiêu kép là nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% làng văn hóa du lịch có điện lưới quốc gia, đường ô-tô vào đến trung tâm; 272 hộ dân làm homestay được tỉnh hỗ trợ tổng cộng hơn 16 tỷ đồng để xây mới công trình vệ sinh không gây ô nhiễm môi trường, mua sắm trang thiết bị, cải tạo cảnh quan, thiết kế kiến trúc nhà truyền thống...
Ông Sìn Dỉ Gai, Trưởng thôn Lô Lô Chải cho biết, thôn hiện có 32 hộ làm dịch vụ homestay, lượng khách lưu trú trung bình hằng tháng đạt khoảng 1.000 lượt. Qua dịch vụ lưu trú, các hộ có nguồn thu từ 10 triệu đến 30 triệu đồng/tháng. Thôn cũng hình thành các nhóm hộ làm dịch vụ phụ trợ như: nhóm trồng rau, nhóm nuôi lợn đen, gà bản, nhóm trồng hoa tam giác mạch...
Khai thác lợi thế sẵn có để phát triển du lịch ở địa phương thông qua các giá trị văn hóa, tập quán của người dân đang được nhiều địa phương tập trung triển khai hiệu quả.
Tiêu biểu cho lĩnh vực này có thể kể đến tỉnh Thừa Thiên Huế với các mô hình trồng hoa và nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch, đồng thời cung ứng sản phẩm sạch cho thị trường và hình thành nên những điểm vui chơi giải trí cho người dân, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân; mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch trải nghiệm tại phường Hương An đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, mua sản phẩm tại vườn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, theo đánh giá tổng quan của các chuyên gia, du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn khó khăn, hạn chế. Nhiều địa phương chưa nhìn thấy những tiềm năng từ loại hình du lịch này. Vì chưa hình dung hết, nên còn thiếu quan tâm, tạo điều kiện chăm chút, hoàn thiện dần. Không ít mô hình còn mang tính tự phát, sao chép lẫn nhau, thiếu khác biệt, thiếu gắn kết.
Không ít điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau, chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Hoạt động quảng bá, kết nối, tư vấn chưa được định hướng. Cơ chế chính sách hỗ trợ chưa trở thành động lực để phát triển một ngành du lịch vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa mang giá trị xã hội.
Thay đổi tư duy về làm du lịch nông nghiệp, sinh thái
Đây là thời điểm quan trọng để thay đổi tư duy về tầm quan trọng, giá trị tích hợp của du lịch nông nghiệp, nông thôn, một phân ngành của kinh tế du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xem xét chính thức đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn vào Chương trình Du lịch quốc gia để quảng bá và kích hoạt, góp phần làm phong phú hơn tài nguyên du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Sớm đưa quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn trong tổng thể Quy hoạch hệ thống du lịch quốc gia. Quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn cần dựa trên tài nguyên nông nghiệp, nông thôn, giá trị cảnh quan, các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công, văn hóa các dân tộc,... Đây là tiền đề rất quan trọng để tổ chức bài bản loại hình du lịch giàu tiềm năng này.
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững, bao trùm, đa giá trị. Sử dụng hiệu quả, phát huy các giá trị truyền thống, tập quán sản xuất, canh tác, các hoạt động nông nghiệp và môi trường sinh thái đặc trưng, gắn với chuyển đổi số.
Tăng cường sự kết nối trong du lịch nông nghiệp, nông thôn, hình thành các tour, tuyến chất lượng, đa dạng. Đẩy mạnh hỗ trợ các cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp, nông thôn, thông qua các doanh nghiệp du lịch, lữ hành. Hình thành các “điểm đến vệ tinh” với các trung tâm du lịch lớn, nhằm giới thiệu, lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế.
Ngoài ra, tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách, để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, đặc biệt là chính sách đất đai, thu hút đầu tư vào du lịch. Các chính sách hỗ trợ về phát triển hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, văn hóa, môi trường… cũng cần được xem xét, lồng ghép phù hợp. Các địa phương quan tâm, tạo điều kiện bằng các nghị quyết, đề án, kế hoạch để phát triển loại hình du lịch còn nhiều tiềm năng này.