Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, bệnh viện

Hạ Chi| 26/03/2022 21:44
Theo dõi ICTVietnam trên

Thanh toán không dùng tiền mặt có tính công khai minh bạch cao, đặt ra vấn đề các cơ sở giáo dục, y tế có sẵn sàng chấp nhận thực hiện cam kết công khai minh bạch hay không, đó là rào cản lớn nhất làm nhiều trường chưa tiếp cận rộng rãi thanh toán không d

Những tín hiệu vui

Những năm gần đây trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã không còn hình ảnh sinh viên xếp hàng dài để nộp học phí mỗi lần đến hạn, bởi giờ đây 100% các khoản thu của sinh viên đều được nộp qua tài khoản và trường không thu trực tiếp. GS.TS. Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân vui mừng cho biết, trường đã triển khai mạnh mẽ hình thức này trong nhiều năm nay, nhờ đó phụ huynh có thể đóng học cho con em mình, tránh được những rủi ro như nhầm lẫn, mất mát, còn nhà trường cũng dễ dàng kiểm soát được các khoản thu, tạo ra sự công khai, minh bạch.

Không chỉ riêng Đại học kinh tế Quốc dân, nhiều cơ sở giáo dục khác cũng đã “nói không” với thanh toán bằng tiền mặt từ lâu. Tại trường Đại học Thương mại, ngoài thu 100% học phí của sinh viên qua tài khoản ngân hàng, các hoạt động khác trong trường đều đã thực hiện thanh toán trực tuyến.

Về phía mình, các NHTM cũng rất tích cực triển khai nhiều giải pháp thanh toán hiện đại tới các nhà trường. Như từ năm 2020, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh và Vietcombank đã ký hợp đồng hợp tác phát hành thẻ đồng thương hiệu đem lại nhiều tiện ích cho sinh viên và người lao động trong nhà trường. VietinBank kết nối với các đơn vị, cung cấp dịch vụ thanh toán học phí trực tuyến trên website của nhà trường cho phép sinh viên, phụ huynh chủ động thanh toán học phí vào bất cứ thời điểm nào; hay Sacombank hiện đang sở hữu hệ thống gồm tám kênh chấp nhận thanh toán học phí với mức phí giao dịch bằng 0.

Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, bệnh viện - Ảnh 1.

Cần gỡ rào cản đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, bệnh viện

Trong lĩnh vực y tế, ghi nhận trong thực tế cho thấy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) cũng đã ngày càng trở nên phổ biến tại nhiều cơ sở y tế trong cả nước. Đơn cử, tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, người bệnh chỉ cần quét mã QR trên phiếu viện phí bằng ứng dụng của các ngân hàng liên kết với bệnh viện và ngay lập tức có kết quả phản hồi mà không cần phải xếp hàng đợi thanh toán viện phí. Tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bãi Cháy - Quảng Ninh… cũng đã triển khai tốt thẻ khám bệnh thông minh kết hợp cùng VietinBank. Thống kê cho thấy, đến nay VietinBank đã cung cấp giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại gần 200 bệnh viện, cơ sở y tế trên toàn quốc, với các hình thức thanh toán đa dạng, năm 2021 đạt khoảng bốn triệu giao dịch.

Các nhà băng khác cũng đang tích cực đưa giải pháp thanh toán hiện đại đến với bệnh viện như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và MSB triển khai hình thức TTKDTM bằng Thẻ bảo lãnh viện phí; BIDV và Bệnh viện Nhân dân Gia Định kết hợp triển khai các hình thức thanh toán viện phí đa dạng như Thẻ y tế thông minh, thanh toán viện phí qua Smart POS, mã QR hay thanh toán qua Kios… Tất cả những gì bệnh nhân cần khi tới khám chỉ gói gọn trong một chiếc thẻ thông minh này từ xếp hàng chờ tới lượt khám bệnh đến việc thanh toán rất thuận tiện, giảm thiểu rủi ro mất, nhầm lẫn so với dùng tiền mặt và quy trình khám chữa bệnh thuận tiện và giảm thời gian bệnh nhân phải chờ đợi đi khá nhiều.

Vẫn còn những nút thắt

Hiện thẻ khám bệnh thông minh là giải pháp tối ưu khắc phục những nhược điểm của phương thức thanh toán truyền thống. Dù vậy, số thẻ được phát hành và sử dụng còn hạn chế. Minh chứng là dù triển khai được nhiều năm, nhưng số lượng bệnh viện cũng như giao dịch giải pháp thẻ khám bệnh thông minh vẫn còn khá khiêm tốn. Giải pháp Thẻ thông minh thanh toán viện phí của VietinBank đã triển khai tại 30 bệnh viện với số lượng giao dịch phát sinh năm 2021 chỉ khoảng 700 nghìn giao dịch, nếu so với số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện thì chiếm tỷ lệ quá nhỏ.

Theo lý giải của các chuyên gia, do chi phí triển khai các giải pháp thanh toán có hàm lượng công nghệ cao, cần kết nối trực tiếp hệ thống thanh toán giữa ngân hàng và phần mềm HIS của bệnh viện là khá lớn. Nên hiện tại giải pháp thanh toán hiện đại như thẻ khám bệnh thông minh đang chủ yếu áp dụng tại các bệnh viện lớn trên toàn quốc.

Để giải quyết bài toán này, các ngân hàng cũng đang nỗ lực triển khai nhiều dịch vụ thanh toán đa dạng hơn nữa, có tính phù hợp với nhiều đối tượng, kể ra với các cơ sở y tế nhỏ, chưa có nhiều điều kiện đầu tư về công nghệ, cơ sở hạ tầng.

“Bên cạnh nỗ lực từ phía ngân hàng, cần có một giải pháp quyết liệt từ Bộ Y tế, tích hợp thẻ thông minh gắn với thẻ BHXH và CCCD, để người dân chỉ dùng một thẻ có thể khám chữa bệnh tại các tuyến, theo dõi được hồ sơ sức khỏe trên toàn quốc”, lãnh đạo một ngân hàng đề xuất.

Ngoài rào cản về hạ tầng, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, việc thúc đẩy TTKDTM trong lĩnh vực dịch vụ công, nhất là trong trường học còn gặp phải rào cản về tâm lý. Thực tế cho thấy, những trường học chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo yếu tố công khai minh bạch thì việc kết nối với ngân hàng đều rất nhanh chóng, tốt. Vì vậy, việc triển khai TTKDTM trong trường học hiện nay chủ yếu phụ thuộc phần lớn vào mong muốn chủ quan của các cơ sở giáo dục, sẵn sàng chấp nhận thay đổi, đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường, thay đổi phương thức quản trị cũ.

TTKDTM có tính công khai minh bạch cao, đặt ra vấn đề các cơ sở giáo dục, y tế có sẵn sàng chấp nhận thực hiện cam kết công khai minh bạch hay không, đó là rào cản lớn nhất làm nhiều trường chưa tiếp cận rộng rãi TTKDTM, hơn là vướng mắc về công nghệ, người dùng.

Đây là các nút thắt cần tháo gỡ trong thời gian tới để có thể thúc đẩy TTKDTM trong lĩnh vực y tế, giáo dục cũng như tạo tác động lan toả ra toàn xã hội, tiến gần hơn tới xã hội không tiền mặt theo đúng mục tiêu Chính phủ đề ra.

Ngày 15/3, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã ký Quyết định số 27 ban hành kế hoạch hoạt động năm 2022. Trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy toàn diện tất cả các phương thức thanh toán số. Cụ thể giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương phối hợp thúc đẩy triển khai thanh toán số, TTKDTM. Mục tiêu đến hết năm 2022 tỷ trọng thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt đạt tối thiểu 50%.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, bệnh viện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO