Tăng cường trang thiết bị dạy học hiện đại
Hiện nay, đối với học sinh ở các vùng đồng bằng, các thành phố - nơi điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, việc tiếp cận với kiến thức thông qua công nghệ thông tin khá hiệu quả. Đặc biệt, trong bối cảnh thích ứng với dịch Covid 19, việc học tập online càng cho thấy những hiệu quả của việc áp dụng công nghệ thông tin trong công tác học tập của thầy và trò.
Tuy nhiên, ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bảo DTTS, đời sống còn gặp nhiều khó khan. Thậm chí ở nhiều nơi, cơ sở vật chất vẫn còn vô cùng thiếu thốn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giáo dục tại các địa phương.
Hiểu rằng ứng dụng công nghệ sẽ là giải pháp thiết thực và hữu ích của giáo viên trong thời đại số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hiện nay, ở các trường vùng cao, các nhà trường và giáo viên cũng đã cởi mở trong việc thay đổi trong tư duy, khắc phục những thiếu thốn, bất cập và đổi mới cách thức dạy học ứng dụng theo công nghệ để tạo ra hiệu quả.
Để giải bài toán về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cho học sinh DTTS, hiện nhiều địa phương đã tăng cường trang bị thiết bị dạy học hiện đại như phần mềm dạy học, máy tính, máy chiếu, bảng tương tác... để nâng cao chất lượng dạy, học. Đây đã và đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của các trường học, cơ sở đào tạo.
Tại Sìn Hồ - Lai Châu, với sự hỗ trợ của ngành, giáo dục thời gian qua đã có hàng nghìn giáo viên của các đơn vị trường học đầu tư máy tính, thiết bị CNTT phục vụ chuyên môn. Các nhà trường có đầy đủ hệ thống kết nối mạng nội bộ, mạng Internet và Website đã giúp việc quản lý thông tin, khai thác dữ liệu, tài liệu trở nên thuận tiện.
Bên cạnh đó, để tạo bước đột phá trong ứng dụng CNTT trong các nhà trường, phát huy hiệu quả hệ thống trang thiết bị đã được đầu tư, những năm qua, Phòng giáo dục Đào tạo Huyện Sìn Hồ đã cử gần 3 nghìn lượt cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các đợt tập huấn về ứng dụng các phần mềm trong quản lý, dạy học.
Hiện nay, đội ngũ giáo viên đều thuần thục, có kỹ năng khai thác, sử dụng và ứng dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu công việc của từng vị trí việc làm. Trong năm học 2020-2021, các đơn vị trường học đã khai thác hiệu quả kho bài giảng E – Learning, trang mạng trường học kết nối để nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn. Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên qua hệ thống phòng học Zoom, Google.Meet…
"Làm mới" giờ học, tạo hứng thú cho học sinh
Trường PTDTBTTH&THCS xã Xín Chải là một trường học thuộc xã vùng biên thuộc Huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, có có 12 lớp, 243 học sinh.
Hiện nay, trường có 29 cán bộ, giáo viên đang áp dụng ứng dụng CNTT vào thiết kế bài giảng, tìm kiếm, chọn lọc các tài liệu trên mạng internet để phục vụ công tác giảng dạy. Việc đầu tư máy tính, máy chiếu hiện đại và bảng tương tác giúp thuận tiện cho quá trình giảng dạy.
Với việc ứng dụng vào soạn thảo bài giảng, giáo viên đã xây dựng được các nội dung sinh động, tăng khả năng khám phá, hứng thú học tập. Từ đó, gia tăng sự tương tác của học sinh trong tiết học, với các trải nghiệm trực quan, các em sẽ tích cực phát biểu xây dựng bài.
Còn tại Trường PTDTBTTH xã Thuận Hòa, Cô giáo Trần Thị Hương, Hiệu trường nhà trường đánh giá việc áp dụng ứng dụng CNTT giúp quản lý dễ dàng hơn trong theo dõi các hoạt động chuyên môn, kết quả học tập của học sinh. Cô Hương cho biết: "Ứng dụng CNTT giúp giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, giúp giáo viên có nhiều thời gian quan tâm tới học sinh; đổi mới phương thức giảng dạy. Công tác sử dụng chữ ký số luôn được áp dụng vào công việc quản lý thường ngày của chủ đơn vị, giải quyết công việc trên môi trường điện tử hiện đại, nhanh gọn, chính xác, tiết kiệm chi phí văn phòng cho đơn vị".
Ở ngôi trường còn nhiều khó khăn của tỉnh Bắc Kạn, công nghệ 4.0 trong giáo dục cũng đã đến với giáo viên, học sinh. Theo cô giáo Ma Thị Chuyên, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Mẫu (Ba Bể - Bắc Cạn): "Ngay từ đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT vào giảng dạy và đưa vào tiêu chí thi đua của cán bộ, giáo viên. Qua một thời gian ứng dụng CNTT vào dạy học đã giúp giáo viên nâng cao tính sáng tạo và trở nên linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy.
Cô Chuyên cũng cho rằng, giáo án điện tử và CNTT đã góp phần "làm mới" tiết học, tạo hứng thú, giúp HS tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt. Chẳng hạn ở môn Sinh học, khi biểu thị quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể người, mô hình minh họa trên máy chiếu kết hợp với hiệu ứng âm thanh sẽ giúp chúng em dễ hình dung hơn so với việc chỉ mô tả bằng ngôn ngữ nói. Ngoài ra, sự tương tác giữa thầy, thầy cô và học trò cũng được cải thiện đáng kể, HS có nhiều cơ hội thể hiện quan điểm của mình.
Xác định đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của việc đổi mới chương trình GDPT sắp tới, các thầy cô giáo vùng cao cũng rất nỗ lực tiếp cận với CNTT phục vụ quá trình dạy học. Cô La Hoàng Oanh - Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường Tiểu học Thượng Giáo (Bắc Kạn) cho biết: Với giáo viên vùng cao, những năm trước khó khăn nhất là khi áp dụng CNTT vào dạy học. Năm nay, đa phần các thầy cô bắt đầu biết ứng dụng CNTT vào bài giảng, nhiều cô còn soạn giảng trên trình chiếu PowerPoint.
Với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, nhiều phương tiện hỗ trợ dạy học ra đời, mang lại hiệu quả, giúp giáo viên có thể định hướng học sinh tiếp cận nguồn tri thức phong phú, dễ hiểu nhất. Từ việc lên lớp bằng giáo án điện tử, dạy học bằng trình chiếu trên màn hình (PowerPoint), những năm gần đây còn xuất hiện thêm những thiết bị công nghệ dạy học hiện đại như: Bảng điện tử thông minh, sách giáo khoa điện tử, phần mềm thiết kế bài giảng E-Learning...
Tại Diễn đàn "Áp dụng công nghệ đổi mới việc dạy và học cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn" nằm trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô", cô giáo Lương Thị Tuyết - giáo viên Trường PTDTBT THCS Thắng Mố (tỉnh Hà Giang) cho biết, ngôi trường cô giảng dạy có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, nhận thức còn chậm, đồ dùng học tập thiếu thốn. Vì vậy, cô luôn trăn trở làm thế nào để các em chăm chỉ đến trường, yêu thích việc học.
"Tôi đã tìm kiếm, tham khảo các phương pháp học trên Internet, đọc sách, học hỏi từ các đồng nghiệp và tự rút kinh nghiệm qua các năm. Tôi có sáng kiến "Khai thác và sử dụng kênh hình trong dạy học môn Địa lí" và thiết kế bài giảng Elearning, bồi dưỡng nhiều học sinh giỏi môn Địa lí.
Có thể nhận thấy, hầu hết các môn học đều có thể ứng dụng CNTT để tăng độ hấp dẫn của các bài giảng. Việc chủ động ứng dụng CNTT trong dạy và học giúp học lực của học sinh vùng biên tăng lên rõ rệt.
Ứng dụng CNTT chính là biện pháp tốt nhất để nâng cao chất lượng quản lý và giảng dạy trong nhà trường; giúp các em học sinh hứng thú hơn khi đến trường và đây cũng là xu thế trong thời đại công nghiệp 4.0. Là khâu đột phá trong công tác quản lý và giảng dạy, những năm qua, ngành giáo dục tại các địa phương vùng cao đã đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm mang lại nhiều hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.