Mới đây, Hội nghị trực tuyến "Chuyển đổi số trong nông nghiệp và phát triển nông thôn" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì, kết nối với 63 tỉnh thành trên cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết các doanh nghiệp công nghệ đã sẵn sàng hoàn thiện các sàn thương mại điện tử cho nông dân. Cùng đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đã có đủ hạ tầng, khả năng để đưa nông sản đến từng hộ gia đình trong cả nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với chuyển đổi số, những nơi đi sau thường sẽ về trước. Chính vì thế, chuyển đổi số có thể giúp chúng ta thay đổi vị thế và thứ hạng. Chuyển đổi số thì ai đi trước người đó có nhiều cơ hội hơn. Với chuyển đổi số, chỗ nào, nơi nào, việc nào nhiều khó khăn nhất và khó khăn kéo dài thì chỗ đó, nơi đó, việc đó sẽ hiệu quả nhất, dễ thành công nhất.
Chuyển đổi số giải quyết việc lớn dễ hơn giải quyết việc nhỏ, giải quyết việc khó thì dễ hơn giải quyết việc dễ. Lực cản chuyển đổi số của một tổ chức chủ yếu ở người đứng đầu chứ không phải ở nhân viên, vì nhân viên và đối tượng phục vụ của tổ chức đó luôn được hưởng lợi từ chuyển đổi số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận thấy rất nhiều khó khăn với người nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Khó khăn của người nông dân là không bán được sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng và vì thế mà giá nông sản đã thấp nhưng người nông dân thu về còn thấp hơn.
Khó khăn của người nông dân là bán quả chuối trong vườn nhà mình không khác gì quả chuối ở bất kỳ đâu, tức là quả chuối không xuất xứ và không thương hiệu, và vì thế giá rất thấp.
Khó khăn của người nông dân là đã nghèo nhưng mua con giống, mua phân bón không biết có đúng giá, đúng chất lượng không.
Khó khăn của người nông dân là quả chuối ngàn đời vẫn là quả chuối và do vậy mà giá không tăng được, nhưng những sản phẩm khác thì đổi mới không ngừng với những chất lượng mới và do vậy mà giá tăng lên.
Từ đó, ông cho rằng: Sàn thương mại điện tử có thể giải quyết được những khó khăn cho nông dân nhưng sàn phải kết nối được nông dân với người tiêu dùng.
Sàn thương mại điện tử cũng sẽ kết nối nông dân với các nhà cung cấp những hàng hóa đầu vào cho người nông dân đảm bảo chất lượng, xuất xứ, không bị làm giả, giá cả cạnh tranh. Các công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã sẵn sàng hoàn thiện một sàn thương mại điện tử như vậy cho bà con nông dân.
Các doanh nghiệp bưu chính nước nhà cũng đã có đủ hạ tầng, công nghệ và khả năng để đưa sản phẩm nông sản đến từng hộ gia đình trên toàn quốc, dù có là một gia đình ở nơi xa nhất thì cũng không quá 2 ngày, và do vậy mà vẫn đảm bảo chất lượng, nông sản vẫn còn tươi.
Cụ thể hơn, chính trong mùa vải năm nay, sàn thương mại điện tử Postmart và Vỏ Sò đã kết nối hàng triệu hộ gia đình và hàng trăm ngàn hộ gia đình đã mua được quả vải tươi.
Nhiều người ở Cà Mau, ở Đà Lạt cả đời chưa được ăn quả vải Bắc Giang vì chưa bao giờ nghĩ rằng có thể đặt hàng để quả vải tươi về đến nhà mình. Năm nay thì đã khác, trên 25 triệu hộ gia đình Việt Nam, dù ở bất kỳ đâu trên mảnh đất này, đều có thể mua cân vải và nhận quả vải tươi sau nhiều nhất là 48 tiếng.
Trước đây, chỉ vua chúa mới có được may mắn này. Dự kiến năm nay, trên 8.000 tấn vải sẽ được tiêu thụ trên các sàn này để đến tận tay người tiêu dùng. 8.000 tấn thì mới 4-5% sản lượng vải nhưng những năm trước chưa từng có.
Một khởi đầu như vậy đã tạo ra một niềm tin về sàn thương mại điện tử cho bà con nông dân, và sau quả vải này sẽ là hàng trăm, hàng ngàn nông sản khác. Từ hàng triệu hộ gia đình lên sàn mua bán thì chỉ cuối năm nay sẽ là hàng chục triệu.
Tuy nhiên, bà con nông dân hiện nay vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận thông tin khi không có sóng di động, không có phương tiện truy nhập Internet.
Bộ TT-TT cũng đã chỉ đạo một chương trình để đến hết năm nay, mỗi hộ nông dân ít nhất có một điện thoại thông minh để truy cập internet. Bộ cũng đã có giải pháp đẩy nhanh việc mỗi hộ nông dân có một đường cáp quang internet; trước đây mục tiêu đến 2030, nay mục tiêu đã rút lại trước 2025, nếu Bộ NN-PTNT cùng vào cuộc thì có thể xong trước 2023.
Làm được những việc này thì hạ tầng viễn thông cho nông thôn Việt Nam sẽ vào loại hàng đầu của thế giới. Muốn chuyển đổi số nông nghiệp thì đây là điều kiện đầu tiên.
Trong hội nghị trực tuyến, Bộ TT-TT đã đưa ra danh sách một số ứng dụng chuyển đổi số nông nghiệp mà các nước đã làm thành công, một số ứng dụng Việt Nam đã bước đầu đưa vào áp dụng thành công cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Khẳng định chuyển đổi số là quá trình học hỏi không ngừng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Có một cách làm chuyển đổi số hiệu quả là xem các nước khác đã áp dụng cái gì và thế nào một cách thành công rồi từ đó áp dụng cho Việt Nam.
Trong một thế giới đang thay đổi nhanh, phức tạp và khó đoán định thì sẽ không ai dám nhận mình là người giỏi nhất. Nhưng người biết ai giỏi nhất cái gì lại sẽ là người giỏi nhất. Đó là người học hỏi. Người học hỏi giỏi nhất là người vừa biết và vừa không biết. Tức là người biết nhưng sẵn sàng nhận thức lại cái mình đã biết.
Bộ NN-PTNT cùng với Bộ TT-TT sẽ hợp tác thành một cặp vừa biết vừa không biết để trở thành xuất sắc trong chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Đặc biệt trong thế giới công nghệ số thì càng ứng dụng nhiều công nghệ sẽ càng thông minh, càng nhiều người dùng thì giá càng rẻ. Vậy làm cho công nghệ số thông minh lên và giá rẻ đi là do nhiều người ứng dụng. Với 60-70% dân số Việt Nam là nông dân thì chính họ mới là người quyết định thắng lợi của công cuộc chuyển đổi số Việt Nam.
Tiếp đó, Bộ trưởng đặt câu hỏi, câu chuyện công nghệ số, chuyển đổi số có phải là câu chuyện nông thôn bao vây thành thị không? Tức là chuyển đổi số nông thôn trước. Vì nơi đây có nhiều nỗi đau hơn, nhiều nỗi đau lớn. Vì nơi đây chuyển đổi số mang lại những lợi ích thiết thực hơn. Vì nơi đây chỉ cần áp dụng những gì cơ bản đã có hơn là phát triển mới.
Và còn vì nơi đây là tình yêu, là cội nguồn của mỗi chúng ta, nơi đây là ông bà, bố mẹ mình, là nơi mỗi khi khó khăn nhất ta lại tìm về. Khó khăn thì tìm, vậy tại sao lúc ta không khó khăn, lúc ta có điều kiện thì lại không đầu tư cho nơi ấy, không làm gì cho nơi ấy?
Nông thôn mà có nhiều nỗi đau hơn, nhiều nỗi đau lớn trước hơn, nhanh hơn, thành công hơn thì sau đó có kích thích thành thị có nhiều nỗi đau hơn, nhiều nỗi đau lớn không?
Nếu nhìn lại lịch sử Việt Nam thì thành công luôn đến từ nông thôn bao vây thành thị. Chiến tranh chống ngoại xâm là như vậy. Mất nước rồi giành lại nước cũng là như vậy. Đổi mới cũng là như vậy. Nông nghiệp đã đổi mới thành công trước và gây cảm hứng cho cả đất nước đổi mới.
Vậy thì Bộ NN-PTNT hãy cầm lấy ngọn cờ chuyển đổi số quốc gia. Những việc mà các đồng chí thấy khó trong công cuộc này, thí dụ như công nghệ gì, nền tảng nào, ứng dụng gì, ai làm tốt thì hãy đừng làm mà chuyển sang cho Bộ TT-TT. Những việc gì các đồng chí thấy dễ làm, thí dụ như đặt ra các vấn đề, khó khăn, bài toán, phổ cập những gì tốt cho bà con biết để sử dụng thì lại là những việc khó nhất không ai làm được ngoài các đồng chí./.