Để chuyển đổi số thành công, cần xây dựng các khung năng lực khác nhau

Cao Kim Anh| 26/10/2021 14:28
Theo dõi ICTVietnam trên

Xây dựng khung năng lực số được xem là điều kiện tiên quyết, có thể định hướng cho việc dạy, học, nghiên cứu trong chuyển đổi giáo dục.

Xây dựng dựa trên kinh nghiệm các nước đi đầu

"Để chuyển đổi số thành công, việc xây dựng các khung năng lực số cho một vài đối tượng khác nhau, cả tập thể và cá nhân, cho tất cả mọi người trong xã hội được xem là điều kiện tiên quyết, có thể định hướng cho việc dạy, học, nghiên cứu.

Thông qua đó dùng để đánh giá thế nào là có đủ năng lực số, xây dựng chính sách phù hợp dựa vào bằng chứng, theo các chuẩn mực thống nhất, trên cơ sở đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số". Đây là nhấn mạnh của ông Lê Trung Nghĩa, kỹ sư Công nghệ thông tin, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam tại hội thảo khoa học quốc gia: “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học” được tổ chức vào ngày 22/10 vừa qua bằng hình thức trực tuyến.

Tại hội thảo, ông Lê Trung Nghĩa đã có bài tham luận, chia sẻ tầm quan trọng của của việc xây dựng khung năng lực số trong chuyển đổi giáo dục, đặc biệt là khung năng lực số của Liên minh châu Âu.

Theo chuyên gia Lê Trung Nghĩa, việc xây dựng các kế hoạch hành động giáo dục số cũng là cần thiết để đưa các khung đó vào thực tế cuộc sống. Việt Nam có thể xây dựng các khung năng lực số và kế hoạch hành động giáo dục số dựa vào kinh nghiệm của nước ngoài, ví dụ như của Liên minh châu Âu, sau đó tùy chỉnh phù hợp với điều kiện của mình, chứ không nên xây dựng từ đầu.

“Chương trình chuyển đổi số quốc gia với mục đích để xây dựng chính phủ số, nền kinh tế và xã hội số. Để đạt được các mục đích này, chắc chắn cần các công dân số hay nói cho chính xác hơn, các công dân có đầy đủ các năng lực số cần thiết để sống, làm việc và học tập một cách thịnh vượng và an toàn trong kỷ nguyên số.

Giáo dục không chỉ là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên, mà còn là lĩnh vực quan trọng nhất trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, vì không có bất kỳ lĩnh vực nào khác ngoài giáo dục mang trong mình trọng trách, bổn phận giáo dục, đào tạo ra các công dân, những con người có đủ năng lực số cần thiết để hướng tới mục tiêu xây dựng được chính phủ số, nền kinh tế số, và xã hội số cho Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khi ở Việt Nam có lẽ không có bất kỳ nghiên cứu nào nhằm xây dựng các khung năng lực số cho tới thời điểm chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg. Trong khi đó, Liên minh châu Âu đã và đang triển khai nhiều nghiên cứu về tác động của các công nghệ số lên cuộc sống, công việc, học tập hàng ngày của công dân và mọi người trong xã hội. Kết quả của các nghiên cứu đó là cho tới nay, nhiều khung năng lực số cho các đối tượng khác nhau đã liên tục được ban hành và cập nhật, cùng với hàng trăm tài liệu liên quan khác”, ông Nghĩa nhận định.

Trong bài tham luận của mình tại hội thảo, kỹ sư Lê Trung Nghĩa đã liệt kê và tóm lược vài ý chính của một số khung năng lực số của Liên minh châu Âu được cho là rất quan trọng và không thể bỏ qua mà Việt Nam có thể dựa vào đó để tham khảo, tùy biến thích nghi cho phù hợp với bối cảnh của mình.

Khung năng lực số cho các tổ chức giáo dục (DigCompOrg)

Để chuyển đổi số thành công, cần xây dựng các khung năng lực khác nhau - Ảnh 1.

Một vài khung năng lực số đã được áp dụng tại Liên minh châu Âu được nêu trong tham luận. (Ảnh chụp màn hình)

Khái niệm tổ chức giáo dục ở đây tham chiếu tới các trường tiểu học, trung học, dạy nghề (VET) cũng như các cơ sở giáo dục đại học như các trường đại học, các trường cao đẳng và các trường bách khoa.

Khuyến khích tự suy ngẫm và tự đánh giá trong các tổ chức giáo dục khi họ chủ động tích cực nhúng sâu sự tham gia của họ vào việc học tập và các sư phạm số; xúc tác cho những người làm chính sách để thiết kế, triển khai và đánh giá các can thiệp chính sách để tích hợp và sử dụng hiệu quả các công nghệ học tập số.

Khung năng lực số cho các nhà giáo dục (DigCompEdu)

Trong ngữ cảnh của DigCompEdu, khái niệm “nhà giáo dục” được sử dụng thường để tham chiếu tới bất kỳ người nào có liên quan trong quá trình giảng dạy hoặc truyền đạt kiến thức. Đặc biệt, nó tham chiếu tới các giảng viên ở tất cả các mức giáo dục chính quy, trải từ giáo dục trước tiểu học, tiểu học, trung học, sau trung học và giáo dục đại học, tới giáo dục nghề và người lớn, và bao gồm phát triển nghề nghiệp liên tục và đào tạo nghề từ đầu.

Nó có thể sử dụng để mô tả những người có liên quan trong việc cung cấp đào tạo ở các cơ sở chính quy và phi chính quy, như các nhân viên xã hội, các nhân viên thư viện, các phụ huynh dạy học ở nhà, .v.v.

Mục đích của DigCompEdu là để trang bị một tập hợp các năng lực số đặc thù cho nghề nghiệp của các nhà giáo dục để giúp họ có khả năng nắm bắt được tiềm năng các công nghệ số để cải thiện và đổi mới sáng tạo giáo dục.

Khung năng lực số cho các công dân (DigComp)

Để chuyển đổi số thành công, cần xây dựng các khung năng lực khác nhau - Ảnh 2.

Một vài khung năng lực số đã được áp dụng tại Liên minh châu Âu được nêu trong tham luận. (Ảnh chụp màn hình)

Công dân là cá nhân, con người cụ thể có năng lực pháp lý và năng lực hành vi, có các quyền và nghĩa vụ theo các quy định pháp luật của một quốc gia. Căn cứ pháp lý để xác định công dân của một quốc gia nhất định là quốc tịch của người đó. Khung năng lực số này được xây dựng cho các công dân của tất cả các quốc gia thành viên thuộc Liên minh châu Âu. Có tranh cãi về chuyển ngữ giữa từ công dân số (digital citizen) và quyền công dân số (digital citizenship). Quyền công dân số là tập hợp các giá trị, kỹ năng, thái độ, kiến thức và hiểu biết có phản biện của công dân cần có trong kỷ nguyên số. Một công dân số biết cách sử dụng các công nghệ và có khả năng tham gia có năng lực và tích cực với chúng.

Mục đích của DigComp là chào công cụ để cải thiện năng lực số của công dân, để mọi người dân có cơ hội được tuyển dụng làm việc, có công ăn việc làm tươm tất, hoặc khởi nghiệp thành công trong kỷ nguyên số.

Khung năng lực số cho người tiêu dùng (DigCompConsumer)

Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và/hoặc tổ chức.

Nhằm cải thiện sự tự tin của người tiêu dùng trong mua và bán có sử dụng kỹ thuật số, và cho phép người tiêu dùng đóng vai trò tích cực và quả quyết trong thị trường số.

Kế hoạch hành động giáo dục số mới

Theo chuyên gia Lê Trung Nghĩa, đại dịch COVID-19 xảy ra dẫn tới việc sử dụng đột ngột trên phạm vi rộng các thực hành học tập số, ảnh hưởng tới toàn bộ các khu vực giáo dục.

Trong bối cảnh đó, châu Âu, dựa vào Kế hoạch hành động giáo dục số 2018, điều chỉnh nó phù hợp với các diễn biến mới trên thực tế nhằm đối phó với các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên giáo dục, đào tạo. Theo đó, Kế hoạch hành động giáo dục số mới cho một giai đoạn dài 2021-2027 được đưa ra, phù hợp với chu kỳ kế hoạch tài chính 7 năm của Liên minh châu Âu.

Kế hoạch mới đã không còn chỉ nhằm vào giáo dục chính quy như trong kế hoạch hành động năm 2018 nữa, mà còn cho cả giáo dục phi chính quy và không chính quy, cho tất cả mọi người, tất cả mọi thành phần trong xã hội.

Kế hoạch này có 13 hành động trong 2 lĩnh vực ưu tiên, gồm:

Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái giáo dục số hiệu năng cao. Các hành động cụ thể gồm: Xúc tác cho các yếu tố giáo dục số thành công; Học tập từ xa và trên trực tuyến cho giáo dục tiểu và trung học; Khung Nội dung Giáo dục Số châu Âu và Nền tảng Trao đổi châu Âu; Hỗ trợ kết nối và trang bị số cho giáo dục; Các kế hoạch chuyển đổi số và sư phạm và sự tinh thông số; Các hướng dẫn đạo đức về trí tuệ nhân tạo cho các nhà giáo dục;

Cải thiện các kỹ năng và năng lực số cho chuyển đổi số. Cụ thể là: Xử lý thông tin sai lệch và thúc đẩy sáng số qua giáo dục và đào tạo; Cập nhật Khung Năng lực Số; Chứng thực các Kỹ năng Số của châu Âu; Cải thiện việc cung ứng các kỹ năng số trong giáo dục và đào tạo; Điểm chuẩn về năng lực số; Chương trình phát triển các kỹ năng cho các cơ hội số; Tham gia của phụ nữ vào STEM.

Chuyên gia Lê Trung Nghĩa cho rằng: “Tiếp cận chuyển đổi số và các khung năng lực số của châu Âu là toàn diện, với tới được tất cả mọi người, mọi tầng lớp xã hội theo phương châm ‘không để ai bị tụt lại phía sau’ như được nêu trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, điều Việt Nam có thể học hỏi.

Kế hoạch hành động giáo dục số, cả cho giai đoạn 2018-2020 và 2021-2027 của châu Âu đều rất quý để tham khảo khi xây dựng kế hoạch hành động giáo dục số cho Việt Nam, vì chúng không chỉ được xây dựng để triển khai các khung năng lực số vào thực tế cuộc sống, mà còn nhằm đáp ứng các nhu cầu thực tiễn mới phát sinh trong đối phó và khắc phục các tình huống bất thường do đại dịch COVID-19 đặt ra, với việc chuyển trọng tâm của các kế hoạch giáo dục số đó từ giáo dục chính quy sang bao gồm cả giáo dục phi chính quy và không chính quy, và học tập suốt đời”.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Để chuyển đổi số thành công, cần xây dựng các khung năng lực khác nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO