Kinh tế

Để dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam

Hồng Nhung 08/12/2024 14:38

Từ đầu năm 2024, Việt Nam đã áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu. Việc áp dụng này đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh các chính sách ưu đãi trong thu hút FDI.

Khi đòn bẩy thuế trở thành áp lực cạnh tranh

Trên thực tế việc rà soát tổng thể và sửa đổi chính sách khuyến khích đầu tư là cần thiết do chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng tại một số quốc gia bắt đầu từ năm 2024.

Bên cạnh đó còn rất nhiều các vấn đề liên quan, bối cảnh thế giới thay đổi nhanh, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng mạnh. Nhiều quốc gia cũng đã ban hành các chính sách ưu đãi, trợ cấp về đất đai, điện nước, vốn đầu tư và thuế… nhằm đưa dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở về về nước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các quốc gia cũng đang có kế hoạch ban hành các chính sách ứng phó với thuế tối thiểu tòa cầu, qua đó tạo nên một cuộc đua mới về các chính sách ưu đãi hậu thuế tối thiểu toàn cầu. Ưu đãi đầu tư bằng cách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã giúp không chỉ Việt Nam, mà cả các quốc gia đang phát triển khác thu hút được một lượng không nhỏ vốn đầu tư nước ngoài.

Chính phủ phải có giải pháp ưu đãi đầu tư phù hợp, làm rõ chế độ ưu đãi thuế với các nhà đầu tư mới sẽ vào Việt Nam thong thời gian tới.

Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt. Theo đó, ở mức cao nhất, một dự án có thể chỉ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 5% trong 37 năm, trong khi mức thuế suất phổ thông là 20%. Tuy nhiên, khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, tất cả các chính sách ưu đãi về thuế này bị vô hiệu hóa. Đấy chính là lúc cần các đề xuất về việc phải rà soát lại và nghiên cứu đưa ra các chính sách ưu đãi đầu tư mới, phù hợp hơn.

Sáng 29/11/2023, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu). Theo nghị quyết này, Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024. Thuế suất áp dụng là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất.

Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam. Theo ước tính của cơ quan thuế, ngân sách ước tính sẽ thu được hơn 14.600 tỷ đồng khi 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nộp thuế này.

Thực tế cho thấy, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Khi ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp nước ngoài không còn tác dụng sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Chính vì vậy Chính phủ phải nhanh chóng có giải pháp ưu đãi đầu tư phù hợp, làm rõ chế độ ưu đãi thuế với các nhà đầu tư mới sẽ vào Việt Nam trong thời gian tới.

Điều chỉnh chính sách ưu đãi trong giai đoạn mới

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Luật sửa 4 luật) vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025 được kỳ vọng sẽ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đầu tư, cụ thể là thu hút FDI. Trong Luật cũng đã có những quy định về những ưu đãi mới đối với nhà đầu tư nước ngoài, điển hình là việc áp dụng thủ tục đặc biệt (luồng xanh) và thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư.

Đối với vấn đề thủ tục đầu tư đặc biệt, theo quy định của Luật, trừ các dự án đầu tư quy định tại Điều 30 của Luật này, nhà đầu tư được quyền lựa chọn đăng ký đầu tư theo quy định đối với các dự án tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế trong các lĩnh vực sau đây: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); Đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, vật liệu bán dẫn; Đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển, sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tại Tờ trình số 675/TTr-CP ngày 18/10/2024, Chính phủ đã nêu rõ thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy thường mất nhiều thời gian. Vì thế, việc xây dựng, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục đầu tư đặc biệt sẽ rút ngắn được đáng kể thời gian thực hiện thủ tục đối với các dự án nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng việc đưa ra quy định này là rất cần thiết trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, dòng vốn đầu tư nước ngoài trên toàn thế giới giảm mạnh, xu hướng bảo hộ gia tăng.

Luật sửa 4 luật quy định, Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư.

Để đưa Luật mới vào cuộc sống, hàng loạt biện pháp hỗ trợ đầu tư hấp dẫn đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất trong Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, đang được đưa ra lấy ý kiến công luận. Khi Nghị định được thông qua, nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư mạnh sẽ được Việt Nam áp dụng, bao gồm cả việc hỗ trợ bằng tiền cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định và chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội; Hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Hỗ trợ chi phí R&D… Các nhà đầu tư có thể được hỗ trợ tối đa 50% chi phí thực tế đã chi trong năm cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực; Hỗ trợ tối đa lên tới 1,5% giá trị gia tăng của sản phẩm công nghệ cao có giá thành từ 4 triệu đồng trở lên…/.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tăng cường hợp tác số với ASEAN và các nước đối thoại
    Từ ngày 16-17/01/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Số ASEAN lần thứ 5 (ADGMIN-5) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
  • Tết còn, còn cơ hội cho sách Tết
    Trong cuốn “Sách mùa xuân xem tết” do NXB Nhật Nam thư quán Dược Phòng xuất bản năm 1933, ở bài mở đầu với tiêu đề “Văn chương với mùa xuân” có viết về thú chơi tết của người Việt như sau: “Coi đó biết chơi xuân là thói quen của người mình, làm người không biết chơi xuân người ta cho là thiệt thòi nhiều lắm”.
  • Chống lại các cuộc tấn công AI bằng phòng thủ AI
    Những kẻ tấn công mạng đang sử dụng AI ngày càng nhiều để tiến hành các cuộc tấn công mạng nhanh hơn, diện rộng hơn và hiệu quả hơn. Do đó, điều quan trọng là các tổ chức phải phản ứng tương tự bằng cách khai thác AI trong các chiến lược phòng thủ an ninh mạng của họ.
  • Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
    Xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược.
  • Hội chợ sách xuân Ất Tỵ: Tết tri thức-sum vầy
    Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) và đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo và Công ty Cổ phần Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education tổ chức chương trình Hội chợ sách xuân 2025 với chủ đề "Tết tri thức - sum vầy".
Đừng bỏ lỡ
Để dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO