Đề nghị sửa đổi Luật Tần số Vô tuyến điện

Mic.gov.vn| 09/10/2020 13:06
Theo dõi ICTVietnam trên

Luật Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 23/11/2009 và Chủ tịch nước công bố theo Lệnh số 19/2009/L-CTN ngày 04/12/2009 có ý nghĩa to lớn trong việc quản lý hoạt động và phát triển ngành VTĐ.

Đề nghị sửa đổi luật tần số vô tuyến điện - Ảnh 1.

Luật Tần số VTĐ đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế pháp lý trong lĩnh vực tần số VTĐ, kịp thời có chế tài quản lý phù hợp để đáp ứng với sự phát triển bùng nổ của thông tin VTĐi, quốc phòng, an ninh, đặc biệt trong các lĩnh vực thông tin di động, vệ tinh, phát thanh, truyền hình, dẫn đường hàng không, hàng hải… Sau gần 10 năm tổ chức thực hiện Luật Tần số VTĐ, bên cạnh những hiệu quả đạt được, việc thực hiện Luật cũng phát sinh một số bất cập, tồn tại và cần được xem xét sửa đổi, bổ sung. Bộ TT&TT đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Luật Tần số VTĐ được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Các yêu cầu về minh bạch hoá các chính sách quản lý, cấp phép tài nguyên tần số VTĐ; quy định rõ trách nhiệm và mối quan hệ pháp lý giữa các đối tượng chịu sự quản lý với nhau, cũng như yêu cầu về xác định trách nhiệm phối hợp tần số quốc tế đối với doanh nghiệp (DN) viễn thông để bảo vệ chủ quyền Việt Nam đã được đặt ra khi xây dựng luật. Lĩnh vực quốc phòng, an ninh là hai lĩnh vực sử dụng một lượng lớn phổ tần số VTĐ. Tuy nhiên, Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông vẫn còn chưa được quy định chặt chẽ, nên quá trình quản lý, phối hợp sử dụng tần số VTĐ giữa các Bộ, ngành còn gặp khó khăn.

Nhng mc tiêu, chính sách quan trng được quy định Lut Tn s vô tuyến đin

Luật Tần số VTĐ đã khắc phục được những hạn chế của các quy phạm trước đây, kế thừa và pháp điển hoá các quy định còn phù hợp với thực tiễn, đồng thời bổ sung một số nội dung mới để giải quyết những bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý và đáp ứng yêu cầu hiện tại và xu hướng phát triển trong tương lai.

1. Luật Tần số VTĐ phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, Cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc quản lý tần số VTĐ; xác định vị trí của Thanh tra chuyên ngành tần số VTĐ nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tần số VTĐ và phù hợp với cam kết của Việt Nam gia nhập WTO về việc minh bạch chính sách quản lý và thành lập cơ quan quản lý chuyên ngành.

Đồng thời Luật cũng quy định việc quản lý tần số trong an ninh, quốc phòng thông qua cơ quan chuyên trách thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhằm thống nhất quản lý việc sử dụng tần số của hai Bộ và tạo thuận lợi cho việc phối hợp giữa các Bộ ngành.

2. Thúc đẩy sự phát triển của thông tin VTĐ, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số.

Các quy định mới về quy hoạch tần số của Luật nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho việc ứng dụng các công nghệ vô tuyến mới có hiệu quả sử dụng tần số cao hơn, dành băng tần cho các công nghệ và dịch vụ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội nhiều hơn cho cộng đồng, đồng thời cũng sẽ hạn chế việc sử dụng băng tần quý hiếm cho các công nghệ lạc hậu kéo dài gây lãng phí nguồn tài nguyên tần số.

3. Thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến.

Luật bổ sung hình thức cấp phép theo cơ chế thị trường thông qua việc thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng tần số, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng trong trường hợp cấp phép bằng phương thức đấu giá. Những quy định mới này nhằm mục đích lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực thực sự, cung cấp dịch vụ tốt nhất, sử dụng hiệu quả tài nguyên phổ tần số VTĐ, góp phần làm cho thị trường dịch vụ thông tin VTĐ có tính cạnh tranh thực sự.

4. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản thủ tục

Để đẩy mạnh cải cách hành chính, những quy định của Luật về phương thức cấp phép, điều kiện được cấp phép hoặc cho phép cho thuê, cho mượn thiết bị trong một số trường hợp đã tạo điều kiện linh hoạt cho việc sử dụng tần số của người sử dụng, mở rộng các băng tần sử dụng chung không cần cấp phép nhưng vẫn đảm bảo mục đích hiệu quả, an toàn trong việc sử dụng phổ tần.

5. Tăng cường bảo vệ chủ quyền, quyền lợi quốc gia về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh.

Các quy định về đăng ký, phối hợp quốc tế, trách nhiệm của tổ chức, DN, của cơ quan quản lý tần số chuyên ngành trong công tác phối hợp, đăng ký quốc tế về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh để bảo vệ tốt hơn chủ quyền, quyền lợi của Việt Nam về tần số và quỹ đạo vệ tinh.

6. Tăng cường bảo đảm an toàn bức xạ VTĐ.

Luật Tần số VTĐ đưa ra các quy định về việc tuân thủ các quy chuẩn an toàn bức xạ VTĐ và yêu cầu phải kiểm định các công trình phát sóng VTĐ trước khi đưa vào sử dụng nhằm bảo đảm mức độ an toàn về bức xạ điện từ cần đạt được. Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, trách nhiệm của người sử dụng trong vấn đề đảm bảo an toàn bức xạ điện từ.

Xây dng văn bn quy phm pháp lut hướng dn thi hành Lut

Luật Tần số vô tuyến điện là một trong những Luật xây dựng theo hướng quy định tương đối cụ thể, không cần Nghị định hướng dẫn. Rất nhiều điều khoản quy định trong Luật, có thể áp dụng trực tiếp. Đối với những nội dung mới, hoặc những nội dung quy định về quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, quy chuẩn…, thì Luật giao cho Thủ tướng Chính phủ hoặc các bộ ngành có liên quan quy định. Vì vậy, có thể nói rằng, Luật Tần số VTĐ đã đi vào cuộc sống rất sớm, ngay sau khi được Quốc hội thông qua.

Triển khai thực hiện Luật, Bộ TT&TT đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo việc xây dựng các văn bản ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đến nay, hầu hết các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành gồm: 03 Nghị định, 8 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 57 Thông tư, Quyết định cấp Bộ trưởng. Trong đó, có một số văn bản quan trọng góp phần cụ thể hóa các nội dung, quy định của Luật, là công cụ thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả phổ tần, cụ thể như sau:

- Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2013 và đã được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 02/2017/QĐ-TTg ngày 17/01/2017, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc phát triển các dịch vụ VTĐ mới ở Việt Nam, đặc biệt trong việc phát triển hệ thống thông tin di động thế hệ mới 5G. Quy hoạch đã phân chia bổ sung các băng tần để phát triển hệ thống thăm dò Trái đất qua vệ tinh, hệ thống thông tin vô tuyến ứng dụng trong hàng không dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, phát triển ngày các mạnh mẽ của các hệ thống này. Quy hoạch cũng xác lập các băng tần dùng ổn định, lâu dài cho ngành phát thanh, truyền hình trong bối cảnh chuyển đổi sang công nghệ số. Đây là cơ sở để các Bộ, ngành, các tổ chức và cá nhân định hướng trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản xuất, nhập khẩu, lắp đặt và khai thác các thiết bị VTĐ trên lãnh thổ Việt Nam.

Cùng với Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về phân chia băng tần Dân sự - An ninh - Quốc phòng dải tần trên 470 MHz. Việc phân bổ này thể hiện rõ sự phân cấp quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực tần số VTĐ đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, nâng cao hiệu quả sử dụng tần số, không những đảm bảo nhu cầu sử dụng tài nguyên tần số quốc gia cho an ninh, quốc phòng, đồng thời còn làm giảm khả năng gây nhiễu có hại giữa các hệ thống thông tin phục vụ các mục đích kinh tế - xã hội với an ninh, quốc phòng. Quy hoạch lần này đã đưa ra được hướng giải quyết để xử lý nhiễu giữa hệ thống vô tuyến quân sự với hệ thống thông tin di động; định hướng trang thiết bị VTĐ phục vụ mục đích an ninh trong băng 800/900 MHz nhằm hài hoà giữa lợi ích kinh tế xã hội với việc bảo đảm an ninh và phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới.

- Quy hoạch băng tần cho phép DN triển khai thông tin di động băng rộng IMT (3G, 4G) trên băng tần 800/900/1800/2100 MHz đã giúp DN nhanh chóng mở rộng vùng phủ sóng mạng 3G/4G với giá thành rẻ hơn tới vùng nông thôn, miền núi và tạo tiền đề để triển khai công nghệ 5G tại vùng đô thị đông dân cư.

- Quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình mặt đất băng tần UHF 470 - 806 MHz đến năm 2020 cho phép phân bổ tần số và sắp xếp lại một cách cơ bản, hiệu quả hạ tầng truyền dẫn cho các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình (PTTH). Số hóa truyền dẫn PTTH UHF đã giải phóng một lượng phổ tần 700 MHz quan trọng để phát triển cho thông tin di động băng rộng tại Việt Nam.

Các văn bản hướng dẫn về cấp giấy phép tần số, cho thuê, cho mượn thiết bị, sử dụng chung tần số, miễn cấp phép được xây dựng theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm đáng kể các giấy tờ yêu cầu công chứng, chứng thực, đơn giản hóa về trình tự, cách thức, hồ sơ khai báo, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục. Việc quản lý tần số chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm đồng thời nâng cao trách nhiệm của người sử dụng trong việc kê khai hồ sơ để được cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ. Điều này đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tần số VTĐ, vừa tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động của DN và các cá nhân sử dụng.

Thông tư quy định về danh mục thiết bị VTĐ được miễn cấp phép, sử dụng có điều kiện đã giảm bớt thủ tục hành chính đồng thời đáp ứng được các nhu cầu ngày càng tăng trong việc sử dụng các thiết bị vô tuyến điện công suất thấp, hoạt động ở cự ly ngắn của Việt Nam, phù hợp với xu hướng phát triển, sử dụng các thiết bị này của các nước trong khu vực, trên thế giới.

Thông tư quy định tần số cấp cứu, an toàn, tìm kiếm cứu nạn trên biển và hàng không dân dụng và Thông tư liên tịch về phối hợp xử lý can nhiễu giữa các đài thông tin VTĐ phục vụ mục đích kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh đã góp phần tăng cường hiệu quả công tác phối hợp, quản lý sử dụng tần số giữa ba khối: dân sự - an ninh - quốc phòng, tạo thuận lợi cho việc phối hợp giải quyết can nhiễu giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ TT&TT.

Thông tư về lệ phí cấp giấy phép sử dụng và phí sử dụng tần số VTĐ đã hiện thực hoá các chính sách của Nhà nước về tần số VTĐ được quy định trong Luật. Theo đó, việc sử dụng tần số vô tuyến điện ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đã được ưu tiên, hỗ trợ về mức thu để đưa thông tin đến đông đảo người dân; thông qua các quy định về mức thu mới để khuyến khích ứng dụng công nghệ mới, nâng cao hiệu quả sử dụng phổ tần; đồng thời đơn giản hoá các quy định, các mức thu về phí, lệ phí tần số VTĐ, bảo đảm dễ triển khai áp dụng trong thực tế.

Để quản lý thông tin liên lạc phục vụ mục đích an ninh, Bộ Công an đang triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển thông tin liên lạc, CNTT, cơ yếu trong lực lượng công an nhân dân đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu chính của Quy hoạch nhằm từng bước xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, CNTT, cơ yếu dùng riêng của ngành công an tiên tiến, đồng bộ, phù hợp với sự phát triển về kỹ thuật tại Việt Nam và thế giới; xây dựng cơ chế phối hợp, điều hành giữa các đơn vị an ninh, cảnh sát, tình báo… với các đơn vị làm công tác thông tin liên lạc trong từng cấp từ cơ quan Bộ đến Công an quận, huyện; xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu trong từng lĩnh vực. Một trong những nội dung chính của quy hoạch là định hướng phát triển hạ tầng thông tin liên lạc - tin học - cơ yếu và các giải pháp trong việc phát triển đầu tư, ứng dụng giai đoạn 2015 đến 2030.

Các chính sách quy hoạch tần số mà Bộ đã xây dựng, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng hoặc tham mưu cho Nhà nước thực sự có tác dụng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ các loại hình thông tin vô tuyến trong những năm qua (trong đó nổi bật là sự phát triển mạnh mẽ của thông tin di động và phát thanh truyền hình, mở đường và thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ băng thông rộng, Internet tốc độ cao, tạo tiền đề cho sự phát triển xã hội thông tin, Chính phủ điện tử di động trong tương lai), đồng thời cũng cho phép quản lý hiệu quả các dịch vụ thông tin vô tuyến, là yếu tố quan trọng để ngành thông tin, viễn thông đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Tác động ca Quy hoch tn s VTĐđến s phát trin ca thông tin vô tuyến đin

Công tác quy hoạch tần số VTĐ là nền tảng để đảm bảo thiết lập trật tự sử dụng tần số, sử dụng hiệu quả phổ tần cũng như thúc đẩy sự phát triển của CNTT VTĐ. Luật Tần số VTĐ đã luật hoá các quy định về quy hoạch. Nguyên tắc khi xây dựng, phê duyệt các quy hoạch tần số phải bảo đảm "phù hợp với xu hướng phát triển các nghiệp vụ vô tuyến điện trên thế giới" đã thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ vô tuyến mới trong mọi lĩnh vực: thông tin di động băng thông rộng, số hoá trong lĩnh vực truyền hình, hàng không, hàng hải,... đều đã được triển khai ở Việt Nam.

Hàng năm, số lượng bộ đàm thông tin vô tuyến điện dùng ở các sân bay, taxi, bảo vệ, xây dựng, siêu thị, nhà hàng đều tăng, trung bình từ 15 - 20%/năm.

Về hàng không, toàn quốc đã có 22 cảng hàng không nội địa và quốc tế được trang bị hệ thống thiết bị vô tuyến điện hạ cánh chính xác ILS với gần 200 đài vô tuyến dẫn đường hàng không để bảo đảm an toàn cho các chuyến bay.

Về hàng hải, 1880 đài tàu biển đã được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc bảo đảm an toàn hàng hải toàn cầu, 10.873 tàu cá xa bờ đã sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc tầm xa HF để liên lạc và nhận thông tin từ bờ, bảo đảm an toàn cho ngư dân khi khai thác trên biển.

Trong lĩnh vực viễn thông, số lượng thuê bao điện thoại di động của Việt Nam tăng mạnh, từ khoảng 45 triệu thuê bao năm 2009, đến năm 2018 theo thống kê số lượng thuê bao đã tăng gấp gần 3 lần với hơn 123 triệu thuê bao, trong đó có khoảng 20,8 triệu thuê bao 4G (chiếm 17%) và 25% là số thuê bao di động băng rộng 3G. Số lượng các tuyến viba truyền dẫn dùng cho các mạng viễn thông tới nay cũng tăng 4 lần so với 2009, thống kê tháng 4/2019 đã có hơn 25.000 tuyến vi ba được cấp phép sử dụng. Bộ TT&TT đã cấp giấy phép thử nghiệm mạng 5G cho DN viễn thông đầu năm 2019 và đang nghiên cứu ban hành quy hoạch các băng tần cho mạng 5G để có thể cấp phép cho DN triển khai thương mại hóa trong năm 2020 đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia đầu tiên triển khai mạng 5G trên thế giới.

Vệ tinh viễn thông VINASAT-1 đã sử dụng 90% băng tần (10% còn lại phục vụ cho mục đích sự vụ, dự phòng). Hệ thống vệ tinh viễn thông thứ hai VINASAT-2 được phóng thành công năm 2011 và hiện đã sử dụng khoảng 70% băng tần, đánh dấu ảnh hưởng to lớn của việc sử dụng tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh trong sự phát triển thông tin vô tuyến điện của nước nhà.

Trong lĩnh vực phát thanh truyền hình, những quy định của Luật tần số VTĐ và Luật viễn thông đã mở đường cho việc hình thành thị trường truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình, tạo điều kiện cho việc đẩy nhanh số hoá truyền hình ở Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng phổ tần và giải phóng băng tần dành cho thông tin di động băng rộng. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ có thêm băng tần 700 MHz để phát triển thông tin di động nhờ kết quả của việc chuyển đổi công nghệ truyền hình.

Nhng bt cp, khó khăn trong áp dng lut

Sau gần 10 năm tổ chức thực hiện Luật Tần số VTĐ, bên cạnh những hiệu quả đạt được, việc thực hiện Luật cũng phát sinh một số bất cập, tồn tại và cần được xem xét sửa đổi, bổ sung. Cụ thể như sau:

1. Về quản lý tần số VTĐ có giá trị thương mại cao

Luật Tần số VTĐ quy định: (1) Đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số VTĐ đối với các băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao, có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ; (2) Tổ chức tham gia đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng băng tần, kênh tần số là tổ chức có đủ điều kiện được xem xét cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông theo quy định của pháp luật về viễn thông; (3) Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về đấu giá quyền sử dụng tần số VTĐ quyết định băng tần, kênh tần số được đấu giá, thi tuyển chuyển sử dụng tần số vô tuyến điện trong từng thời kỳ, phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện; Bộ trưởng Bộ T&TT quy định chi tiết về thi tuyển quyền sử dụng tần số VTĐ; (4) Chỉ quy định việc cấp phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số VTĐ là có thu khoản tiền ngoài phí, lệ phí; chưa quy định thu khoản tiền cấp quyền sử dụng tần số VTĐ với trường hợp thi tuyển hoặc cấp trực tiếp các băng tần có giá trị thương mại cao, nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ; (5) Thu hồi giấy phép sử dụng tần số khi DN không triển khai trên thực tế các nội dung quy định của giấy phép sau thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp phép; (6) Cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng tần số VTĐ đối với các tần số được cấp phép thông qua đấu giá.

Bộ TT&TT thấy rằng:

(1) Việc xác định nhu cầu nhu cầu sử dụng của DN có vượt quá khả năng phân bổ băng tần để đưa ra phương thức đấu giá hoặc thi tuyển theo quy định của Luật hiện nay là rất khó. Nhu cầu thực sự của DN chỉ có thể được thực hiện khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đấu giá, thi tuyển;

(2) Các băng tần có giá trị kinh tế cao được nhiều nước trên thế giới đấu giá các băng tần dành cho thông tin di động mặt đất, một vài nước đấu giá truyền hình thương mại. Các đối tượng này sử dụng tần số để thiết lập mạng viễn thông công cộng và kinh doanh dịch vụ viễn thông theo pháp luật về viễn thông;

(3) Việc cho phép đấu giá tần số và chuyển nhượng tần số trong trường hợp đấu giá theo quy định của Luật Tần số và thực tế mua bán, sát nhập, hợp nhất giữa các DN viễn thông có thể dẫn đến một DN viễn thông có thể đạt được hầu hết lượng phổ tần, tập trung tần số trên thị trường viễn thông. Sự tập trung tần số làm cho doanh nghiệp có ưu thế về tài nguyên, có thể dẫn tới sự thống lĩnh trong thị trường viễn thông, làm giảm tính cạnh tranh của thị trường viễn thông. Luật Tần số chưa có quy định về nội dung này trong nguyên tắc cấp phép tần số. Nhiều nước cũng đã đưa ra quy định về giới hạn lượng phổ tần mà một DN được nắm giữ (Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Anh Pháp, Đức, Thụy Điển, Tây Ba Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Ireland, Áo, Phần Lan, Cộng hòa Séc, Ba Lan..).

(4) Thực tế, đã có DN được cấp phép sử dụng băng tần nhưng sau khi triển khai sử dụng trong một thời gian thì dừng hoạt động (điển hình như công ty S-Phone), gây lãng phí băng tần trong khi có nhiều tổ chức/DN khác có nhu cầu sử dụng. Với trường hợp này, Bộ TT&TT không thu hồi được giấy phép của DN vì không có đủ cơ sở pháp lý. Một số nước cũng đưa ra quy định về thu hồi tần số (như nước Đức), trong đó có quy định băng tần sẽ bị thu hồi khi DN không sử dụng tần số cho mục đích dự định trong thời hạn một năm kể từ ngày được cấp phép hoặc tần số không được sử dụng cho mục đích ban đầu từ một năm trở lên

(5) Để phù hợp và đồng bộ với các Luật ban hành sau như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư, Luật Đấu giá tài sản, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Cụ thể:

- Điểm c khoản 3 Điều 18 Luật Tần số vô tuyến điện giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về đấu giá quyền sử dụng tần số VTĐ. Điều này chưa phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đầu tư vì một số các nội dung liên quan đến đấu giá cần được Chính phủ quy định như (1) điều kiện đối với DN tham gia đấu giá, đây chính là một phần của điều kiện cấp phép kinh doanh dịch vụ viễn thông theo Luật Đầu tư, (2) phương thức thu tiền trúng đấu giá (hay tiền sử dụng tần số VTĐ được cấp quyền sử dụng thông qua đấu giá) theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, (3) thủ tục cấp phép viễn thông khi tài nguyên tần số VTĐ được cấp phép sử dụng thông qua đấu giá.

- Để đồng bộ với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, xác định rõ các khoản thu từ tài nguyên tần số VTĐ mà tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ phải nộp. Đối với việc thu tiền sử dụng tần số VTĐ từ cấp quyền khai thác tài nguyên, từ thực tiễn 10 năm triển khai thực hiện Luật Tần số vô tuyến điện và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, hầu hết chỉ áp dụng với các băng tần thông tin di động công cộng, đây là các băng tần có giá trị thương mại cao. Quy định này sẽ đảm bảo DN sử dụng hiệu quả và không lãng phí tần số.

- Đối với băng tần, kênh tần số khác (sử dụng trong các mạng di động dùng riêng như taxi; các đài VTĐ thuộc các nghiệp vụ cố định, hàng không, hàng hải, dẫn đường, định vị, nghiệp dư, phát thanh truyền hình, vệ tinh ...) thì chỉ thu phí, lệ phí tần số VTĐ mà không thu tiền sử dụng tần số VTĐ do các hệ thống thông tin này chủ yếu phục vụ thông tin liên lạc, điều hành của chính tổ chức, cá nhân đó hoặc cung cấp dịch vụ hạn chế, cần khuyến khích DN đầu tư phát triển (như vệ tinh). Hầu hết các nước cũng không thu tiền sử dụng tần số VTĐ với các đối tượng này mà chỉ thu phí, lệ phí tần số VTĐ.

Do đó, để đồng bộ với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và hệ thống pháp luật khác về tài nguyên như Luật Tài nguyên nước, Luật Đất đai, Luật khoáng sản và để đảm bảo tài nguyên tần số được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, tránh đầu cơ, tập trung tần số... cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật liên quan đến đấu giá, thi tuyển, thu hồi và bổ sung vào luật quy định về tiền sử dụng tần số, lượng phổ tần tối đa mà một DN được nắm giữ.

2. Về cấp phép tần số VTĐ

Một trong các nguyên tắc cấp phép của Luật Tần số VTĐ là phù hợp với quy hoạch tần số VTĐ. Theo quy định này, Bộ TT&TT không thể cấp giấy phép tần sử dụng tần số VTĐ cho các trường hợp không phù hợp với quy hoạch như nghiên cứu khoa học, thử nghiệm công nghệ mới, thiết bị sử dụng trong phòng thí nghiệm hay cấp giấy phép cho các DN sản xuất thiết bị VTĐ chỉ để xuất khẩu ra thị trường ngoài nước mà không sử dụng tại Việt Nam.

Để bảo đảm các hệ thống VTĐ hoạt động ổn định, tuân thủ pháp luật nhưng cũng không cản trở việc nghiên cứu, phát triển công nghệ mới hoặc nghiên cứu sản xuất để xuất khẩu hoặc các trường hợp có nhu cầu sử dụng tạm thời, đặc biệt là trong các sự kiện lớn, cần sửa đổi quy định của Luật về cấp phép tần số.

3. Về đào tạo và cấp chứng chỉ VTĐ viên

Luật Tần số VTĐ quy định Bộ TT&TT có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn nghiệp vụ vô tuyến điện, cấp chứng chỉ VTĐ viên cũng chưa thực sự phù hợp với chủ trương xã hội hóa trong giáo dục - đào tạo khi chủ trương trong giáo dục đào tạo là giao cho các cơ sở đào tạo tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đào tạo, cấp chứng chỉ và Bộ chủ quản chỉ quản lý, giám sát việc quá trình đào tạo, cấp chứng chỉ.

Luật Tần số VTĐ giao cho Bộ TT&TT quy định chi tiết các loại chứng chỉ VTĐ viên trong đó có VTĐ viên hàng không; đối tượng, điều kiện, thủ tục cấp, thu hồi Chứng chỉ VTĐ viên, đào tạo vô tuyến điện viên. Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn Luật quy định nhân viên hàng không phải có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp do Bộ Giao thông Vận tải cấp hoặc công nhận (trong đó bao gồm chứng chỉ để sử dụng các hệ thống, thiết bị vô tuyến điện đảm bảo hoạt động bay). Thực tế, nhân viên thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không đều được đào tạo, sát hạch và có chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ do Bộ Giao thông vận tải cấp. Như vậy, đối với các nhân viên hàng không khai thác trực tiếp thiết bị vô tuyến điện phục vụ cho an toàn hàng không (nhân viên thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không) thì phải có đồng thời hai loại chứng chỉ vô tuyến điện: một là chứng chỉ VTĐ viên hàng không do Bộ TT&TT cấp và một là chứng chỉ chuyên môn Bộ Giao thông Vận tải cấp, mà bản chất các chứng chỉ này cùng là để đảm bảo vận hành thiết bị VTĐ được an toàn và không gây nhiễu. Trong đó, các nội dung đào tạo nhân viên khai thác thiết bị vô tuyến điện hàng không do Bộ Giao thông Vận tải quy định đã bao gồm các nội dung trong đào tạo VTĐ viên.

Như vậy, Luật chưa có sự công hợp lý giữa các Bộ trong công tác quản lý đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên và chưa thực sự phù hợp với chủ trương xã hội hóa trong giáo dục, đào tạo. Do đó cần sửa Luật Tần số VTĐ để giao Bộ Giao thông Vận tải quản lý, cấp chứng chỉ VTĐ viên hàng không.

4. Về trách nhiệm quản lý nhà nước về tần số VTĐ

Luật Tần số vô tuyến điện chưa phân định rõ vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về tần số VTĐ của Bộ TT&TT với Cơ quan quản lý chuyên ngành tần số VTĐ, cụ thể: Luật quy định Bộ TT&TT thực hiện nhiệm vụ cấp giấy phép tần số, kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, thanh tra, giải quyết khiếu nại. Theo đó, Bộ chỉ có thể phân cấp cho Cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện các nhiệm vụ này mà không thể giao cho đơn vị cấp dưới nữa (là các Trung tâm tần số VTĐ khu vực) thực hiện. Do đó, chưa thể đảm bảo được yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, xử lý nhiễu tại chỗ, tại khu vực, yêu cầu cấp phép nhanh, cấp tại chỗ kết hợp với tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tần số (như giấy phép sử dụng thiết bị VTĐ đối với đài vô tuyến điện đặt trên phương tiện nghề cá, giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ đối với đài truyền thanh không dây, giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ đối với các thiết bị VTĐ có công suất hạn chế, sử dụng trong thời gian dưới 15 ngày tại các lễ hội, sự kiện, triển lãm, hội chợ);

Để khắc phục những điểm bất cập của Luật, tạo sự nhất quán giữa quy định trong Luật và việc thực tế hoạt động cấp giấy phép tần số, kiểm tra, kiểm soát tần số VTĐ, xử lý nhiễu có hại, thanh tra, giải quyết khiếu nại, cần nghiên cứu, sửa đổi quy định tại điều 5 của Luật cho phù hợp hơn.

5. Về vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và của tổ chức, cá nhân sử dụng tần số, thiết bị điện tử, thiết bị ứng dụng sóng VTĐ và quỹ đạo vệ tinh trong việc bảo vệ chủ quyền và xử lý nhiễu

- Về việc bảo vệ hoạt động của hệ thống vệ tinh: Liên minh quốc tế thường xuyên xuất bản các đăng ký tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh của các nước trên thế giới và yêu cầu từng nước có vệ tinh phải thực hiện kiểm tra, rà soát các đăng ký này để tránh gây can nhiễu tới vệ tinh hiện có. Quy định này chưa được đưa vào Luật Tần số. Trên thực tế, việc thực hiện kiểm tra các đăng ký tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài chỉ có Bộ TT&TT thường xuyên thực hiện để bảo vệ, tránh nhiễu có hại cho vệ tinh của Việt Nam mà chưa có sự tham gia của các DN được giao sử dụng vệ tinh đó.

- Về việc phê duyệt kết quả phối hợp: Hiện nay, việc phối hợp quốc tế về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh thường do nhà khai thác hoặc cơ quan quản lý thực hiện. Trong các biên bản phối hợp với các nước thường có điều khoản quy định kết quả phối hợp chỉ có hiệu lực khi được sự phê duyệt của Bộ chủ quản. Tuy nhiên, Luật Tần số VTĐ mới chỉ quy định việc phê duyệt kết quả phối hợp của nhà khai thác, chưa quy định việc phê duyệt kết quả phối hợp khi các cơ quan thuộc Bộ trực tiếp thực hiện. Do vậy cần được nghiên cứu bổ sung.

- Về xử lý nhiễu do thiết bị điện tử, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện gây ra: trên thực tế, ngoài nhiễu do các thiết bị vô tuyến điện gây ra, nguồn nhiễu còn đến từ các thiết bị điện, điện tử, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến (như thiết bị chiếu sáng dân dụng, thiết bị hiển thị led, thiết bị kiểm tra bóng đèn neon ...). Việc xác định nguồn nhiễu và xử lý nguồn nhiễu từ các loại thiết bị này gặp nhiều khó khăn do các tổ chức, cá nhân sử dụng không phối hợp với cơ quan quản lý. Để đồng bộ với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 39 Luật Tần số VTĐ quy định "Trong khi tìm nguyên nhân gây nhiễu có hại, cơ quan quản lý chuyên ngành tần số VTĐ có quyền và trách nhiệm đo trực tiếp thông số kỹ thuật của thiết bị điện, điện tử, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện có thể là nguyên nhân gây nhiễu có hại", cần thiết phải bổ sung vào Luật quy định về trách nhiệm phối hợp của tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện, điện tử, thiết bị ứng dụng sóng VTĐ trong khu vực nhiễu có hại

Đề ngh sa đổi lut tn s VTĐ

Sau gần 10 năm Luật Tần số VTĐ có hiệu lực, việc triển khai Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện nghiêm túc, đạt được những kết quả rất cơ bản. Điều này không những góp phần phát huy hiệu lực áp dụng Luật mà còn nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước về tần số VTĐ. Tuy nhiên, với tình hình thế giới đang bước vào công cuộc chuyển đổi số, yêu cầu ngày càng càng cao về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và những khó khăn, bất cập trong thi hành Luật, đồng thời để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Bộ TT&TT thấy rằng cần thiết phải sửa đổi Luật Tần số, cụ thể:

- Nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý đối với các tần số vô tuyến điện có giá trị thương mại cao, cụ thể: nghiên cứu, sửa đổi các quy định về đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số, thu hồi giấy phép tần số, bổ sung các quy định về thu tiền sử dụng tần số, quy định về lượng phổ tần tối đa mà mỗi DN được nắm giữ.

- Xem xét bổ sung quy định về cấp phép để tạo thuận lợi cho các tổ chức sử dụng tần số vô tuyến điện trong nghiên cứu khoa học, thử nghiệm công nghệ mới, sản xuất thiết bị vô tuyến điện cho mục đích xuất khẩu.

- Xem xét, sửa đổi quy định về đào tạo và cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo, cấp chứng chỉ và tổ chức phân công hợp lý giữa các Bộ.

- Sửa đổi luật để phân định rõ vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về tần số VTĐ của Bộ TT&TT với Cơ quan quản lý chuyên ngành tần số VTĐ.

- Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và của tổ chức, cá nhân sử dụng tần số, thiết bị điện tử, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh trong việc bảo vệ chủ quyền và xử lý nhiễu.

(Nguồn: mic.gov.vn)

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 11+12 tháng 9/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị sửa đổi Luật Tần số Vô tuyến điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO