Để vươn tầm thế giới, startup Việt nên tìm những thị trường ngách phù hợp

NK| 28/04/2022 06:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo đại diện Sunshine Holdings, các startup của Việt Nam sẽ phải mất 10 - 20 năm nữa mới có thể ngang hàng với startup ở Thung lũng Silicon (Mỹ). Để thu hẹp khoảng cách, các startup Việt nên tìm kiếm những thị trường ngách, giải các bài toán của một nhóm khách hàng cụ thể, và có thể "nhân bản" nền tảng ở nhiều quốc gia khác nhau.

4 giai đoạn đổi mới sáng tạo ở Việt Nam

Trước đây, mọi người thường nhắc đến cụm từ "hệ sinh thái khởi nghiệp" nhưng thời gian gần đây, câu chuyện về hệ sinh thái mở hay hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) thường xuyên được đề cập đến. 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Minh, Đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Sunshine Holdings khẳng định, quá trình ĐMST đã có trên thế giới từ rất lâu và đây là chiến lược để bất kì một doanh nghiệp (DN), tổ chức hay quốc gia nào muốn phát triển đều phải thực hiện. Trước đây, quá trình này thường được nhắc đến với tên R&D (nghiên cứu và phát triển), nhưng chính hoạt động này đã mang rất nhiều tính sáng tạo và đổi mới.

Tại Việt Nam, khi triển khai các hoạt động ĐMST gặp một số khó khăn nhất định, do là một nước công nghệ chưa thực sự phát triển, cùng với các chính sách của cơ quan quản lý chưa phù hợp với tình hình mới nên nguồn lực về con người, vật chất, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, môi trường pháp lý, tư duy về kinh doanh đều chậm hơn so với thế giới. 

Chính vì vậy, để theo kịp các nước, Việt Nam sẽ phải đi qua một "con đường" gồm 4 bước, đầu tiên là quá trình "sao chép", bằng cách học và mua công nghệ nước ngoài rồi áp dụng nguyên bản vào trong nước.

Bước thứ 2 là "renovation", tức là việc cải tiến các hoạt động, quy trình, chức năng để tốt hơn "cái cũ" mình đã mua của nước ngoài, để từ đó thích ứng được với môi trường, con người ở Việt Nam.

Bước tiếp theo "tiến hoá" hơn, thường được gọi là "localization", bằng cách "bản địa hoá" công nghệ để Việt Nam có thể làm chủ công nghệ đó, từ đó có thể tạo ra công nghệ của mình, thay vì phải mua của nước ngoài. 

"Việc customization (điều chỉnh) này sẽ giúp phù hợp với các chính sách, quy mô của nền kinh tế cũng như nhu cầu của người dùng Việt Nam", ông Minh nói.

Bước cuối cùng mới là "innovation" - ĐMST, bắt đầu tạo ra cái mới, không chỉ dùng cho Việt Nam nữa còn cho toàn cầu. 

Tại Việt Nam, xu thế này đã được bắt đầu thông qua các hoạt động của Techfest từ năm 2019 đến nay. Các bạn trẻ hiện nay không còn đi sao chép công nghệ của nước ngoài hay làm gia công theo đơn đặt hàng của các công ty lớn nữa mà startup Việt Nam hiện nay đã tạo ra được các sản phẩm mới và tiến ra thị trường nước ngoài. 

"Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những startup, DN ĐMST đi ra nước ngoài. Đó chính là quá trình globalization - toàn cầu hoá", ông Minh chia sẻ.

Dấu ấn lớn nhất của các startup trong hệ sinh thái ĐMST trong thời gian qua tại Việt Nam, theo ông Minh, đến từ nội lực của các đơn vị này. Nếu như những năm 2013 - 2015, startup thường chỉ là những nhóm biết về CNTT và đón những xu thế khởi nghiệp ở các quốc gia khác, rồi đi thi các cuộc thi về khởi nghiệp, gọi vốn… Đó thường là những startup đưa ra các giải pháp phù hợp với đầu bài của các tập đoàn lớn, để rồi gọi được vốn của các quỹ đầu tư do những đơn vị này thành lập. 

Tuy nhiên, đến thời điểm năm 2019 trở lại đây, hệ sinh thái ĐMST ở Việt Nam đã hoàn toàn khác, tham gia thị trường đều là những startup đã trở thành DN thực sự, có sản phẩm ra thị trường, có khách hàng…

Đồng thời, thị trường ĐMST Việt Nam đã có những "ngọn cờ" để tạo cảm hứng cho các startup. Mô hình của MoMo hay VNG trong giai đoạn đầu đều được ươm trong hệ sinh thái ĐMST mở mà nguồn lực cốt lõi, tài chính, thị trường…đến từ chính startup thay vì quỹ đầu tư hay tập đoàn kinh tế nào đó rót vốn. Để rồi, cũng chính những đơn vị này đã tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ cho các startup ngày càng tốt hơn. Đó là sự khác biệt rất lớn giữa mô hình ĐMST hiện nay so với trước kia.

Để vươn tầm thế giới, startup Việt nên tìm những thị trường ngách phù hợp - Ảnh 1.

Ví điện tử MoMo là một trong những startup đang ứng dụng AI hiệu quả tại Việt Nam.

AI, vật liệu thế hệ mới, công nghệ sạch là những xu hướng mà startup Việt nên quan tâm

Nói về những rào cản cho ĐMST ở Việt Nam hiện nay, ông Minh cho rằng, các DN cần nhìn vào nguồn lực của đơn vị mình và đầu tư cho chính đội ngũ mà họ đang sở hữu và dó có thể là một nhóm/công ty nghiên cứu phát triển.

Đối với các DN quan tâm ĐMST và nghĩ đến vấn đề R&D, điều đó thể hiện họ đang ở tầm phát triển lớn và có sự chuẩn bị rõ ràng. Rất ít các công ty lớn, tập đoàn nhìn ra bên ngoài để tìm kiếm các startup chỉ để giải quyết một vấn đề mà họ gặp phải, vì không thể kiểm soát hoàn toàn startup đó. 

"Bởi vì, đối với họ, đầu tư vào một startup là rủi ro và để hạn chế rủi ro trong tầm kiểm soát, DN sẽ chọn các startup có giải pháp sử dụng được hoặc đầu tư vào các startup nội bộ", ông Minh nói.

Ngoài ra, các DN khác các quỹ đầu tư, vì họ chỉ giải quyết bài toán trung hạn từ 3-5 năm trước, sau đó mới nghĩ đến câu chuyện dài hơn hơn. Đó cũng là rào cản và lý do vì sao các DN Việt Nam ít quan tâm tới startup hơn so với các quỹ đầu tư.

Theo đánh giá của ông Minh, các startup của Việt Nam sẽ phải mất 10-20 năm nữa mới có thể ngang hàng với startup ở Thung lũng Silicon. Vì các công ty này đã tạo các công nghệ lõi từ rất lâu, còn các startup Việt mới bắt đầu xây dựng nền tảng (platform).

Các startup ở Thung lũng Silicon có chiến lược rõ ràng trở thành MNC (công ty đa quốc gia), còn ở Việt Nam, các startup thường có quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Do đó, startup Việt nên lựa chọn chiến lược phát triển là vươn lên trở thành đối tác cung cấp dịch vụ hoặc đối tác mua bán hàng ngang với các đơn vị ở Thung lũng Silicon. Đồng thời, chiến lược phát triển của các startup Việt nên chọn các sản phẩm có sự khác biệt. 

Ví dụ như các nền tảng giải pháp bài toán của một nhóm khách hàng cụ thể, kết nối chặt chẽ với khách hàng và có thể "nhân bản" ở nhiều quốc gia khác nhau chứ không nên tập trung nhiều vào các sản phẩm phải "đốt nhiều tiền".

Còn về những xu hướng ĐMST quan trọng trong tương lai, theo Tổng Giám đốc Sunshine Holdings, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu thế hệ mới, công nghệ sạch là những thứ mà các startup Việt Nam nên hướng đến. Bởi vì, công nghệ AI sẽ giúp các công ty Việt Nam dễ dàng hơn khi tiếp cận công nghệ lõi nhưng các đơn vị cũng cần cần đầu tư nghiên cứu phát triển để đưa ra giải pháp đẩy mạnh hiệu quả hoạt động AI.

Vật liệu thế hệ mới rất quan trọng, vì quốc gia có vật liệu thế hệ mới sẽ rất phát triển trong tương lai. Việt Nam nên đi tắt đón đầu bằng cách học hỏi các quốc gia đã phát triển được vật liệu thế hệ mới, nắm bắt chìa khoá thành công của họ và dần áp dụng vào thực tế.

Còn công nghệ sạch liên quan đến y tế, thực phẩm, đồ uống, sức khỏe của con người và nếu doanh nghiệp Việt không chăm lo cho khách hàng của mình thì sẽ bỏ lỡ thị trường công nghệ này. "Đó là 3 xu hướng mà startup Việt Nam nên quan tâm", ông Minh kết luận.

Với trên 20 năm kinh nghiệm quản lý khu vực tại các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu của Đức và Mỹ, ông Nguyễn Huy Minh, Đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Sunshine Holdings là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực quản trị và lãnh đạo, bán hàng và truyền thông quảng bá. Sunshine Holdings cũng là công ty tiên phong trong lĩnh vực giải pháp toàn diện và hiệu quả nhằm giúp phát triển thị trường và thương hiệu cho các DN nhỏ và siêu nhỏ.

Chương trình Góc nhìn chuyên gia của dự án Báo cáo toàn cảnh ĐMST mở 2021 về Hệ sinh thái ĐMST và hệ sinh thái ĐMST mở, được phát tại đây Link Spotify./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Để vươn tầm thế giới, startup Việt nên tìm những thị trường ngách phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO