Đến năm 2020, Việt Nam sẽ đào tạo hàng nghìn chuyên gia về An toàn An ninh thông tin

03/11/2015 21:57
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 14/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 99/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án). Tổng chi phí từ ngân sách sách trung ương là 470 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí đào tạo ở nước ngoài và kinh phí hỗ trợ học phí, học bổng cho kỹ sư, cử nhân chất lượng cao).

Đề án đưa ra 3 quan điểm chỉ đạo:

1. Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực an toàn an ninh thông tin (ATANTT) là một trong những giải pháp bảo đảm chủ quyền số quốc gia, làm chủ không gian mạng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước

2. Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ATANTT là một phần quan trọng của nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực CNTT, góp phần bảo đảm thực hiện thành công Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT

3. Phối hợp linh hoạt, hiệu quả giữa các hình thức đào tạo ngắn hạn cập nhật kiến thức, nâng cao kiến thức, kỹ năng và đào tạo chính quy, dài hạn nhằm bảo đảm năng lực quốc gia về ATANTT

4 mục tiêu cụ thể của Đề án đến năm 2020:

1) Đưa được 300 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo về ATANTT ở nước ngoài, trong đó có 100 tiến sĩ

2) Đào tạo được 2.000 học viên có trình độ đại học và trên đại học về ATANTT chất lượng cao

3) Đưa được 1.500 lượt cán bộ chuyên trách về ATANTT đi đào tạo ngắn hạn cập nhật công nghệ, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài

4) Tập huấn, đào tạo ngắn hạn nâng cao kiến thức, kỹ năng về ATANTT cho 10.000 lượt cán bộ làm về ATANTT và CNTT tại các cơ quan nhà nước.

Để đạt mục tiêu, Đề án đưa ra 7 nội dung/dự án được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước gồm:

1) Đào tạo giảng viên, cán bộ CNTT và ATANTT ở nước ngoài

2) Đào tạo kỹ sư, cử nhân ATANTT chất lượng cao tại các cơ sở đào tạo trọng điểm về ATANTT

3) Đào tạo ngắn hạn về ATANTT trong nước

4) Dự án Đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo và nghiên cứu về ATANTT tại một số cơ sở đào tạo trọng điểm

5) Dự án Đầu tư nâng cấp phòng thí nghiệm trọng điểm về ATANTT thuộc Bộ Quốc phòng

6) Dự án Đào tạo chuyên gia ATANTT cho lực lượng Cơ yếu làm việc trong các cơ quan trọng yếu của Đảng và Nhà nước

7) Tổ chức điều phối thực hiện Đề án

8) Thực hiện các giải pháp triển khai Đề án (nghiên cứu, xây dựng văn bản về cơ chế chính sách phát triển và ưu tiên sử dụng nhân lực ATANTT)

Nguồn lực và tổ chức thực hiện

7 cơ sở đào tạo trọng điểm về ATANTT được đưa vào danh sách gồm:

- Đại học Bách khoa Hà nội

- Học viện Kỹ thuật quân sự

- Học viện Kỹ thuật mật mã

- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

- Trường Đại học Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

- Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà nội

- Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng

Mỗi cơ sở được đầu tư 35 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2020

Việc đào tạo ATANTT tại nước ngoài được ưu tiên kinh phí từ nguồn của các Đề án 911, 165 và 599 và các nguồn khác.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) chủ trì triển khai thực hiện Đề án.

Bộ TTTT thành lập Ban điều hành Đề án gồm 01 Lãnh đạo Bộ TTTT làm Trưởng Ban, 1 Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Phó trưởng Ban, thành viên là đại diện các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông.

Ban điều hành Đề án có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án; tổng hợp tình hình, kết quả triển khai Đề án; thành lập Hội đồng các chuyên gia về CNTT, ATANTT để làm công tác thẩm định về chuyên môn, góp ý, đánh giá các nhiệm vụ, dự án thuộc Đề án. Ban điều hành Đề án có cơ quan thường trực là một đơn vị thuộc Bộ TTTT.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đến năm 2020, Việt Nam sẽ đào tạo hàng nghìn chuyên gia về An toàn An ninh thông tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO