Theo Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) dịch vụ viễn thông công ích (VTCI) bao gồm phổ cập truy nhập (UA) và phổ cập dịch vụ (US). Mục tiêu của chính sách phổ cập truy nhập và dịch vụ của các nước là phát triển cơ sở hạ tầng và các công cụ quản lý cần thiết để đảm bảo mỗi người dân tiếp cận được các điểm thông tin truyền thông. Tùy theo điều kiện kinh tế xã hội, mỗi nước đưa ra khái niệm về phổ cập truy nhập và dịch vụ riêng của mình. Các khái niệm này đều xác định dịch vụ VTCI nhằm đảm bảo cho mọi người dân có khả năng tiếp cận được các dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT), không phân biệt về khu vực địa lý, tình trạng kinh tế xã hội, sắc tộc, người khuyết tật hoặc các nhân tố khác. Quan điểm này được chấp nhận rộng rãi trên thế giới, bởi vì nó diễn tả tốt nhất chính sách của nhà nước đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trong sự phát triển kinh tế.
Phân biệt phổ cập truy nhập và phổ cập dịch vụ
Theo ITU phổ cập truy nhập là việc đảm bảo cho mọi người có thể truy nhập dịch vụ viễn thông, internet tại một điểm công cộng. Phổ cập truy nhập đề cập tới cấp độ chia sẻ công cộng đối với dịch vụ như là điện thoại, internet tại các trung tâm viễn thông công cộng. Dịch vụ phổ cập là khi các cá nhân hoặc hộ gia đình có thể sử dụng dịch vụ điện thoại, Internet tại nhà riêng. Phổ cập truy nhập và phổ cập dịch vụ có 3 dấu hiệu phân biệt sau: Một là, mức độ sẵn sàng: Dù một người sinh sống hoặc làm việc ở bất cứ đâu thì cấp độ của dịch vụ là giống nhau mà không bị hạn chế về điều kiện địa hình. Đặc biệt là, sự khác nhau về điều kiện nông thôn và thành thị không ảnh hưởng đến khả năng truy nhập các dịch vụ liên lạc. Hai là, khả năng chi trả của người sử dụng: Mọi người đều có thể chi trả việc sử dụng dịch vụ. Không ai bị hạn chế bởi mức thu nhập thấp. Ba là, khả năng truy nhập: Mọi người dân có thể sử dụng các dịch vụ viễn thông và CNTT mà không bị hạn chế, phân biệt về khu vực địa lý, giới tính, người khuyết tật và các đặc điểm cá nhân khác
Mục tiêu phổ cập dịch vụ VTCI
Chính sách phổ cập dịch vụ VTCI được xây dựng để hướng đến các khu vực nông thôn chưa có hoặc chỉ có một vài dịch vụ VTCI, đặc biệt là ở những vùng có mật độ dân cư thấp. Tuy nhiên, nó cũng hướng đến những người ngèo ở thành thị. Việc xây dựng mục tiêu phổ cập truy nhập và dịch vụ cần đảm bảo những nguyên tắc sau:
- Tập trung vào những dịch vụ cần thiết, có hưỡng dẫn rõ ràng và sự ưu tiên cao, như vậy những nỗ lực thực hiện sẽ không bị phân tán quá mỏng trong số quá nhiều mục tiêu.
- Mục tiêu được xây dựng trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm.
- Mục tiêu được xây dựng phải thực tiễn và phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.
- Mục tiêu được điều chỉnh, bổ sung định kỳ (trong vòng 2 hặc 3 năm) để đảm bảo cân đối nguồn lực, sự phát triển của công nghệ và kinh tế xã hội.
- Mục tiêu có thể đo lường được để có thể đánh giá được kết quả, làm căn cứ đinh hướng phát triển thời kỳ sau.
Việc xây dựng mục tiêu phổ cập dịch vụ VTCI giai đoạn kế tiếp cũng cần căn cứ vào:
- Hiện trạng của ngành và mức độ hiện tại của việc phổ cập truy nhập.
- Những nguồn lực sẵn sàng và được yêu cầu để đạt được mục tiêu phổ cập truy nhập.
- Sự cân đối bền vững về nguồn lực tài chính sau khi thực hiện.
- Chất lượng khả thi của dịch vụ (cho việc thực hiện đồng bộ trên toàn quốc).
- Định kỳ xem xét lại kế hoạch cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ và thị trường.
Tóm lại, không có định nghĩa cố định hoặc tiêu chuẩn đối với phạm vi phổ cập dịch vụ VTCI. Các chính sách phổ cập dịch vụ VTCI của các nước thường được xây dựng để đáp ứng các mục tiêu: mức độ sẵn sàng, khả năng chi trả và khả năng truy nhập. Chính sách (phạm vi) phổ cập dịch vụ VTCI thường bao gồm dịch vụ điện thoại cố định, internet cơ bản thiết yếu, tiến tới việc sử dụng băng thông rộng và phát triển nội dung trên băng thông rộng. Bên cạnh đó, truyền hình trước đây không nằm trong phạm vi dịch vụ VTCI, nhưng do sự tích hợp, hội tụ và tiến bộ về mặt công nghệ, truyền hình Internet và người sử dụng truyền hình cũng yêu cầu sử dụng các dịch vụ trên nền internet.
Phạm vi phổ cập dịch vụ VTCI
Phạm vi phổ cập dịch vụ VTCI thường được quy định chi tiết để đảm bảo phù hợp với mục đích. Nó cần đảm bảo các yếu tố mức độ sẵn sàng, khả năng chi trả và khả năng truy nhập. Phạm vi phổ cập dịch vụ VTCI có các đặc điểm sau:
- Số lần trong ngày kết nối dịch vụ.
- Loại hình trung tâm viễn thông công cộng .
- Tính sẵn sàng và khả thi cho người khuyết tật sử dụng.
- Sự thuận tiện và hài lòng cho mọi đối tượng sử dụng được hướng tới.
- Chất lượng dịch vụ (độ tin cậy về mạng lưới, thời gian khôi phục cuộc gọi rớt, chất lượng thoại, tốc độ truy cập Internet, v.v...).
- Hình thức thanh toán (tiền mặt hoặc thẻ trả trước).
- Trợ giúp cá nhân cho việc sử dụng dịch vụ.
Các dịch vụ khác cũng đang được đưa vào chính sách phổ cập, như:
- Danh bạ và các dịch vụ chỉ dẫn.
- Hỗ trợ người dùng Internet (ví dụ: hỗ trợ tư vấn, đào tạo).
- Thiết bị trả lời các cuộc gọi khẩn cấp.
- Các thiết bị chuyên dùng cho phép người khuyết tật sử dụng dịch vụ giống như các thiết bị dùng cho người bình thường.
Kinh nghiệm tại một số nước trên thế giới
Tại các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU):
Các quốc gia thành viên EU đáp ứng các yêu cầu đối với phổ cập dịch vụ VTCI như sau:
- Kết nối tới mạng truyền thông công cộng tại một địa điểm cố định với giá cả phải chăng. Quy định này nhằm đảm bảo cung cấp các dịch vụ điện thoại nội hạt, trong nước và quốc tế, fax và dịch vụ dữ liệu. Việc kết nối dữ liệu nên đảm bảo công suất cho việc hỗ trợ truyền dữ liệu với tốc độ đủ để truy cập vào các dịch vụ trực tuyến như việc cung cấp thông qua mạng Internet công cộng.
- Truy cập vào ít nhất một danh bạ đầy đủ và ít nhất một dịch vụ chỉ dẫn danh bạ điện thoại.
- Điện thoại công cộng và những điểm truy nhập điện thoại công công khác.
- Truy cập vào số khẩn cấp 112 của châu Âu và các số điện thoại khẩn cấp quốc gia thành viên khác miễn phí từ bất kỳ điện thoại công cộng.
- Có các biện pháp thích hợp để đảm bảo việc truy nhập và khả năng chi trả của người khuyết tật và người có nhu cầu xã hội đăc biệt đối với tất cả các dịch vụ điện thoại công cộng tại một địa điểm cố định.
Các quốc gia thành viên EU phải xác định phương pháp tiếp cận hiệu quả và phù hợp nhất để đảm bảo thực hiện các dịch vụ phổ cập, trong khi tôn trọng các nguyên tắc khách quan, minh bạch, không phân biệt đối xử và tương xứng.
Tại Uganda: Đảm bảo mức độ sẵn sàng kết nối cho mọi người dân hoặc cá nhân hộ gia đình tới những mạng lưới truyền thông công cộng thông qua trung tâm viễn thông cộng đồng, cửa hàng viễn thông, ki-ốt, quán cà phê hoặc các thiết bị truy nhập internet truyền thông cộng đồng.
- Cung cấp các dịch vụ: kết nối tới một mạng lưới truyền thông cố định có thể hỗ trợ cuộc gọi, truyền dữ liệu fax; có khả năng truy nhập tới các trạm điện thoại công cộng trên toàn Uganda; người sử dụng có khả năng truy nhập các dịch vụ khẩn cấp, dịch vụ miễn phí, sự trợ giúp của nhà cung cấp và dịch vụ yêu cầu chỉ dẫn; khả năng đáp ứng nhu cầu của người khuyết tật; cung cấp dịch vụ truyền thông cơ bản với mức giá phù hợp tới tất cả khách hàng yêu cầu; cung cấp cho những khách hàng khuyết tật những dịch vụ giống hoặc tương đương với các khách hàng khác để họ có thể truy nhập các dịch vụ phổ cập.
Tại Mexico:Mexico chưa có quy định về dịch vụ phổ cập, thay vào đó Luật Viễn thông Liên bang đề cập đến khái niệm "mức bao phủ xã hội trong các mạng công cộng". Khái niệm này nhằm mục đích mở rộng việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ viễn thông tới các dịch vụ công cộng xã hội, các doanh nghiệp và dân cư trên toàn lãnh thổ.
Trách nhiệm thực hiện mức bao phủ xã hội, do Telmex một nhà cung cấp dịch vụ của Mexico thực hiện, được thỏa thuận trong trong việc cấp giấy phép cho Telmex. Đầu tiên, Telmex được yêu cầu mở rộng việc truy cập điện thoại cơ bản cho các thành phố với dân số hơn 5.000 cư dân cho đến cuối năm 1994. Thêm vào đó, Telmex sẽ giới thiệu những chương trình mở rộng hạ tầng mạng viễn thông thêm bốn năm nữa, những chương trình được phát triển trong thỏa thuận với Bộ trưởng Giao thông Truyền thông (STC). Việc xem xét bốn năm những mục tiêu với STC bao gồm các chương trình mở rộng điện thoại nông thôn, các điều kiện nhu cầu có thể dự đoán được, và các chi phí, sẽ được xem xét để xác định việc cung cấp dịch vụ. Từ tháng 01/1995 Telmex đã cam kết sẽ lắp đặt một dịch vụ điện thoại cơ bản trong tất cả các khu vực có tối thiểu là 100 yêu cầu kết nối, trong vòng 18 tháng kể từ khi nhận được yêu cầu. Telmex cũng phải cung cấp dịch vụ trong chương trình mở rộng điện thoại nông thôn. Điều này sẽ bao gồm các thành phố trong đó Telmex có thể bù đắp ít nhất 75 % chi phí lắp đặt và duy trì các dịch vụ điều hành. Từ năm 1995 đến năm 2010, Telmex đầu tư 548 triệu USD để mở rộng chương trình điện thoại nông thôn. Từ năm 2007 năm 2010, Telmex cam kết cung cấp khả năng truy nhập cho 82 thị trấn từ 500 đến 2.500 dân cư và đến 32 thị trấn có hơn 2.500 người vào cuối năm 2010.
Dịch vụ VTCI tạiViệt Nam:
Hoạt động cung cấp dịch vụ VTCI tại Việt Nam đã được Nhà nước quan tâm và chỉ đạo thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ 20. Tại thời điểm đó, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam thực hiện, với cơ chế bù đắp chéo, lấy dịch vụ viễn thông có lãi để bù đắp hoạt động dịch vụ VTCI. Trong sự hội nhập và phát triển kinh tế của đất nước, hoạt động cung cấp dịch vụ VTCI cũng ngày càng được quan tâm và coi trọng, khung pháp lý đang được hoàn thiện. Một số quy định về dịch vụ VTCI tại Việt Nam như sau:
Tại khoản 2 Điều 20 Luật Viễn thông quy định: Dịch vụ VTCI bao gồm dịch vụ viễn thông phổ cập và dịch vụ viễn thông bắt buộc.
- Dịch vụ viễn thông phổ cập là dịch vụ viễn thông được cung cấp đến mọi người dân theo danh mục, điều kiện, chất lượng và giá cước do Nhà nước quy định.
- Dịch vụ viễn thông bắt buộc là dịch vụ viễn thông được cung cấp theo yêu cầu của Nhà nước để bảo đảm thông tin liên lạc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
Trong đó, dịch vụ viễn thông phổ cập bao gồm dịch vụ điện thoại tiêu chuẩn và dịch vụ truy nhập Internet tiêu chuẩn. Dịch vụ viễn thông bắt buộc bao gồm: Liên lạc khẩn cấp về cấp cứu y tế (115), cứu hỏa (114), công an (113); Dịch vụ trợ giúp tra cứu số thuê bao nội hạt (116); Các dịch vụ viễn thông và Internet do Nhà nước yêu cầu trong các trường hợp khẩn cấp.
Tại Điều 1 Quyết định số 74/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về mục tiêu phổ cập dịch vụ VTCI: Mật độ điện thoại cố định tại các vùng được cung cấp dịch vụ VTCI đạt trên 5 máy/100 dân; 100% số xã trên toàn quốc có điểm truy nhập dịch vụ điện thoại công cộng; 70% số xã trên toàn quốc có điểm truy nhập dịch vụ Internet công cộng; Mọi người dân được truy nhập miễn phí khi sử dụng các dịch vụ viễn thông bắt buộc. Tại Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định về phương thức cung ứng dịch vụ công ích là đấu thầu, đặt hàng và giao kế hoạch. Trong đó ưu tiên phương thức đấu thầu.
Như vậy Việt Nam đã ban hành tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động VTCI, xác định mục tiêu, phạm vi cung cấp dịch vụ VTCI. Các danh mục, phạm vi cung cấp dịch vụ VTCI này đã phù hợp với khuyến nghị của ITU và tương đồng với hoạt động VTCI của các nước trên thế giới. Hơn thế nữa, Việt Nam đã đưa các dịch vụ viễn thông khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai vào danh mục VTCI. Cùng với đó, Nhà nước đã cho xây dựng Chương trình cung cấp dịch vụ VTCI các giai đoạn 5 năm, thành lập Quỹ VTCI để hỗ trợ việc phổ cập dịch vụ VTCI, đang hoàn thiện khung pháp lý về VICI, lồng nghép chương trình VTCI với các chương nhà nước khác (Đề án đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT đến năm 2020, Đề án Tam nông, Chương trình đưa thông tin về cơ sở).
Việc thực hiện chương trình VTCI giai đoạn đầu đã đạt được những thành tựu nhất định: Mật độ điện thoại ở các địa phương thuộc vùng được cung cấp dịch vụ VTCI đạt khoảng 16 máy/100 dân (gấp 3 lần mục tiêu là 5 máy/100 dân), đã có 40% số hộ dân trong vùng công ích có điện thoại cố định; tỷ lệ xã có điểm truy nhập điện thoại công cộng là khoảng 97% (còn một số xã mới được tách, thành lập và khó khăn đặc biệt); mọi người dân được truy nhập miễn phí khi sử dụng các dịch vụ viễn thông bắt buộc.
Tuy nhiên, hoạt động cung cấp dịch vụ VTCI tại Việt Nam cũng còn một số hạn chế, như: chưa tập trung nhiều vào hỗ trợ phổ cập truy nhập và phát triển hạ tầng viễn thông tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, bước đầu chỉ cho vay ưu đãi; khoảng cách số giữa mật độ thuê bao điện thoại, internet tại vùng công ích và trung bình toàn quốc là rất đáng kể; Chính sách chưa có tính ổn định cao.
Để chính sách phổ cập dịch vụ VTCI thực sự là đòn bẩy giúp cho thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, đảm bảo quyền cơ bản của mỗi người dân được tiếp cận, hưởng lợi từ những thành quả kinh tế mang lại và phù hợp với xu hướng phát triển chung của công nghệ, vấn đề đặt ra là cần có giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả phổ cập dịch vụ VTCI. Những vấn đề cơ bản đó bao gồm: Nhận thức đầy đủ về bản chất hoạt động cung cấp dịch vụ VTCI trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông tại vùng sâu vùng xa để tăng cường khả năng truy nhập; Hoàn thiện chính sách và các công cụ quản lý cung cấp dịch vụ VTCI;Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tài liệu tham khảo
1. Trends in universal access and service policies: Changing policies to accomodation copetition and convergence, Sofie Maddens.
2. Universal Service Policies in the Context of National Broadband Plans, Angela G. Calvo, OECD Digital Economy Papers No. 203.
3. Universal access: An overview, www.ictregulationtoolkit.org
4. Luật Viễn thông số 41/2009/QH12; Nghị định số 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ; Quyết định số 74/2006/QĐ-TTg ngày 7/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 43/2006/QĐ-BBCVT ngày 02/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông; Báo cáo Tổng kết Chương trình cung