Chuyển đổi số

Doanh nghiệp cần có tư duy ra quyết định dựa trên dữ liệu số ngay khi mới phát triển

Thế Phương 16/05/2023 06:05

Đại diện PrimeData khẳng định, để tránh lãng phí nguồn lực, chi phí cũng như tận dụng và khai thức dữ liệu số hiệu quả, doanh nghiệp (DN) cần xây dựng văn hoá thu thập và ra quyết định từ dữ liệu ngay từ thời điểm ban đầu. 

c892ed3b056edd30847f(1).jpg
Để tận dụng và khai thức dữ liệu số hiệu quả, DN cần xây dựng văn hoá thu thập và ra quyết định từ dữ liệu ngay từ thời điểm ban đầu.

Dữ liệu sẽ giúp DN hiểu hơn về khách hàng của mình

Ông Nguyễn Hải Triều, nhà sáng lập kiêm CEO PrimeData cho biết, chuyển đổi số (CĐS) có rất nhiều bước, trong đó đầu tiên là số hoá dữ liệu thông qua ứng dụng công nghệ thay vì làm thủ công như trước. Từ đó, sinh ra nhiều dữ liệu số, nên dần dần, các DN mới tìm cách thông qua đó để nâng cao hiệu quả marketing, bán hàng, quản lý trải nghiệm…. Bên cạnh đó, ngoài các báo cáo nghiên cứu thị trường, dữ liệu số cũng giúp DN am hiểu hơn về khách hàng của mình.

“Mặc dù các lãnh đạo công ty đã hiểu về dữ liệu số nhưng chưa có nhiều hành động cụ thể. Khi các biến cố môi trường kinh doanh - xã hội xảy ra, DN bắt buộc phải đổi mới sáng tạo để hiểu khách hàng. Chuyển biến rõ rệt nhất là trước đây nhiều DN truyền thống chưa có website bán hàng nhưng hiện nay đều đã có”, ông Triều khẳng định.

Còn đối với các DN công nghệ, hiện một số đơn vị đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc xử lý dữ liệu số như để chấm điểm người dùng hay có sự đầu tư mạnh mẽ. Về vấn đề này, theo ông Triều, do mỗi thời điểm, DN có những mục tiêu khác nhau. Để rồi, đến khi có nhiều dữ liệu thì bắt đầu tìm cách để tối ưu hoá, sử dụng nó cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Do đó, có thể nói rằng, hầu hết các DN sẽ quan tâm đến dữ liệu và sử dụng, chỉ khác là sớm hay muộn, phụ thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ và người tiêu dùng. Tuy nhiên, để khai thác dữ liệu hiệu quả cần phải có chuyên gia và kiên trì thực hiện thì mới có được kết quả tốt.

Khi được hỏi đến thời điểm nào, DN sẽ phải quan tâm đến “mỏ vàng” dữ liệu số, ông Triều cho rằng, các đơn vị cần xây dựng văn hoá thu thập và ra quyết định từ dữ liệu ngay từ thời điểm ban đầu. Từ đó, mới có thể dùng số liệu để chứng minh và giao nhiệm vụ, quy trình, đánh giá nhân viên của mình. Khi quy mô công ty nhỏ thì sử dụng những công cụ theo dõi và phân tích (tracking) cơ bản, còn nhiều kênh và lớn hơn thì dùng nhiều giải pháp hơn. Nếu như các DN đi ra thị trường nước ngoài (go global) hay startup đều thấm nhuần tư tưởng này thì các đơn vị vừa và nhỏ lại quá tập trung vào việc kinh doanh để kiếm tiền trước, hơn là để ý đến việc khai thác, sử dụng dữ liệu số trong hoạt động của mình. Để đến khi có nhiều dữ liệu mới bắt đầu nhận ra mình phải thay đổi, rồi tìm kiếm giải pháp, thay đổi quy trình hoạt động để đánh trúng đối tượng khách hàng, tăng tỷ lệ chuyển đổi… dẫn đến mất thời gian, công sức và tiền bạc hơn so với những DN chú trọng đến việc khai thác dữ liệu ngay từ đầu.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng nên tự xây dựng giải pháp về dữ liệu số. Theo ông Triều, 95% DN nên sử dụng nền tảng của đơn vị thứ 3 để có thể triển khai, khi có thể sử dụng được ngay mà vẫn đảm bảo hiệu quả mà không tăng quá nhiều chi phí đầu tư. Bởi vì, nếu DN tự xây dựng, họ sẽ phải tìm kiếm đội ngũ, xây dựng mô hình phù hợp với đơn vị mình, trong khi đây không phải là mảng kinh doanh chính. Điều đó sẽ dẫn đến nhiều rủi ro và tốn nhiều thời gian.

Còn 5% DN còn lại là những đơn vị lớn, có nhiều dữ liệu số. Những công ty này nên xây dựng giải pháp theo hướng tự xây dựng đội ngũ thực hiện hoặc mua lại một startup đã có sẵn giải pháp, dùng thử rồi tinh chỉnh theo hướng phù hợp với mô hình sẵn có.

Cũng theo CEO của nền tảng dữ liệu khách hàng PrimeData, hiện các DN có quy mô lớn, sinh ra nhiều dữ liệu, có sự phức tạp nhất định trong bán hàng và thuyết phục khách hàng như các ngành bán lẻ, tài chính ngân hàng, du lịch, khách sạn…. có sự quan tâm đặc biệt đến việc khai thác dữ liệu. Bởi vì, chỉ khi có dữ liệu thì mới giúp họ hiểu khách hàng của mình và qua đó tăng trưởng giá trị khách hàng cao hơn.

ong-nguyen-hai-trieu-sang-lap-va-dieu-hanh-prime-data-vn-trinh-bay-giai-phap-primedata-cdp-la-nen-tang-khoa-hoc-du-lieu-va-trai-nghiem-khach-hang-thuoc-the-he-tien-phong-cua-viet-nam-2229.jpg
Ông Nguyễn Hải Triều: Để phát triển dữ liệu số của DN, đầu tiên, lãnh đạo cần ủng hộ việc dữ liệu là quan trọng, đưa nó trở thành một chiến lược trong mọi hoạt động.

Các trường hợp thành công từ dữ liệu số sẽ giúp tạo động lực cho DN

Đánh giá về những khó khăn khi xây dựng dữ liệu số ở thị trường Việt Nam, theo ông Triều, đó là động lực để cho các đơn vị đầu tư vào dữ liệu. Để làm được điều này, họ cần phải thấy được giá trị của dữ liệu số thông qua các bài học thành công (case study) của các DN khác ở trong nước và quốc tế trên các phương tiện truyền thông. Sau đó, cần thúc đẩy để có các giải pháp phù hợp, thử nghiệm, sử dụng cũng như xây dựng đội ngũ kỹ thuật…

Về những rào cản liên quan trong quá trình phát triển dữ liệu số của DN, PrimeData thấy rằng, đầu tiên là cần đến lãnh đạo ủng hộ việc dữ liệu là quan trọng, đưa nó trở thành một chiến lược trong mọi hoạt động. Tiếp theo, đội ngũ không am hiểu việc sử dụng dữ liệu hoặc chưa hiểu dữ liệu này có giúp được gì cho công việc của mình, nên cần phải xây dựng được các case study để được ủng hộ.

Rào cản khác là việc tích hợp giải pháp dữ liệu vào phần mềm, hệ thống đang hoạt động. Điều này thường xảy ra khi các DN tự phát triển, dẫn đến hệ thống cũ và mới vận hành không tốt khi tích hợp với nhau, dẫn đến việc không liên thông dữ liệu, phải vận hành riêng lẻ từng phần.

Yếu tố cuối cùng liên quan đến đào tạo con người, khi mà hầu hết hiện nay doanh nghiệp đều thiếu các nhân sự phụ trách dữ liệu, sử dụng các nền tảng mới liên quan đến dữ liêu. “Đó là lý do tại sao sắp tới, PrimeData sẽ có nhiều hoạt động về đào tạo và hướng dẫn các đơn vị về cách sử dụng các nền tảng mới liên quan đến dữ liệu”, ông Triều nói.

Trong đó, các DN thuộc những ngành như bán lẻ…, do đã có sẵn tư duy số, đội ngũ công nghệ nên đa số dữ liệu số của họ đều tương đối ổn. Còn các DN lớn trong những ngành truyền thống thì việc chuyển hoá dữ liệu gặp nhiều khó khăn. “Do đó, đối với những đơn vị này, chúng ta cần siết chặt quy trình và có tư duy số liệu số. Nếu chưa có thì cần mời các chuyên gia đến để chia sẻ và đào tạo, từ đó hạn chế dữ liệu rác hay đem lại nhiều giá trị hơn từ dữ liệu mà mình đang sở hữu”, ông Triều khẳng định.

Xây dựng kho dữ liệu dùng chung quốc gia sẽ đem lại nhiều lợi ích

Đối với việc xây dựng kho dữ liệu chung quốc gia ở tất cả các lĩnh vực, ông Triều cho rằng, đây sẽ là nền tảng rất lớn với nhiều dữ liệu độc quyền quan trọng khác như như y tế, nhân khẩu… Nếu như xây dựng được kho dữ liệu theo nền tảng mở với cơ chế kiểm soát an ninh về ATTT để cho ứng dụng của DN được truy vấn sử dụng theo một cơ chế nào đó, thì sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Bởi vì, việc am hiểu khách hàng sẽ giúp ích cho các DN thuộc lĩnh vực đó rất nhiều.

Việc xây dựng kho dữ liệu chung này có khả thi hay không phụ thuộc rất lớn vào việc đồng bộ, đầu tư cũng như sự quyết tâm của các bên liên quan”, ông Triều nói.

Hiện một số lĩnh vực cũng đã có những sự chia sẻ dữ liệu để các DN truy cập. Nhưng để xây dựng được một nền tảng kho dữ liệu quốc gia theo cơ chế mở thì sẽ cần thời gian dài.

Đồng thời, nguyên tắc khi xây dựng kho dữ liệu chung của một DN hay một quốc gia hiệu quả thì đều cần làm từ quy mô nhỏ, sau đó chứng minh lợi ích, kiểm soát rủi ro… từ đó khám phá được các lĩnh vực mới. Khi đó, kho dữ liệu đó mới nhận được hỗ trợ, ủng hộ và nhân rộng. Tương tự như với các DN lớn, các nền tảng về dữ liệu cũng thường bắt đầu giải quyết những bài toán quan trọng, dễ hiểu trong một nhóm chức năng nào đó như về marketing, chăm sóc khách hàng để chứng minh hiệu quả, mức độ khả thi và giá trị đem lại, trước khi làm thêm những phần khác. Ngoài ra, để thành công thì cần một ban dự án/bộ phận chuyên trách có tâm và có tầm để điều phối công việc./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp cần có tư duy ra quyết định dựa trên dữ liệu số ngay khi mới phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO