Doanh nghiệp ngành logistics tại Việt Nam hướng tới mục tiêu Xanh
Hiện nay, cả nước có gần 30.000 doanh nghiệp logistics, trong đó, có 54% tập trung tại TP. Hồ Chí Minh. Xanh hóa logistics là vấn đề mang tính sống còn thiết thực và là xu hướng tất yếu.
Kinh tế Việt Nam đang hòa nhập vào xu thế toàn cầu hóa, logistics là ngành dịch vụ có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, logistics là một trong những ngành có mức độ tiêu thụ năng lượng và phát sinh khí thải nhiều, vì thế, xanh hóa logistics là là xu hướng tất yếu. Doanh nghiệp ngành logistics phải đối mặt với nhiều cạnh tranh, thách thức và sự báo động về ô nhiễm môi trường sống.
Theo các chuyên gia, logistics là một trong những lĩnh vực được xem là gây ô nhiễm môi trường nhất hiện nay. Do đó, phát triển logistics xanh nhằm thực hiện mục tiêu xanh hóa nền kinh tế đang là vấn đề mà tất cả các quốc gia hướng đến. Đây cũng chính là căn cứ để thực hiện phát triển logistics xanh tại Việt Nam.
Thời gian qua, ngành logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 16-19%/năm, chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, hoạt động xuất, nhập khẩu, chuỗi cung ứng có vai trò quan trọng trong sản xuất, thương mại dịch vụ... Tuy nhiên, đây cũng là ngành có mức độ ô nhiễm cao, do đó, việc giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường sống, phát triển “logistics xanh” là xu hướng tất yếu trong chiến lược phát triển bền vững, đồng thời là mục tiêu sống còn và là tiêu chí quan trọng đối với doanh nghiệp logistics Việt Nam.
Tăng trưởng kinh tế ngày càng mạnh mẽ kéo theo nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa gia tăng cùng với chuỗi hoạt động logistics và chuỗi cung ứng trên toàn cầu mở rộng. Tại Việt Nam, khái niệm logistics xanh vẫn còn tương đối mới. Logistics xanh là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động về sinh thái của hoạt động logistics.
Trong điều kiện này, việc phủ xanh dịch vụ vận tải, đặc biệt là vận tải đường bộ góp phần giảm lượng khí thải cacbon, đồng thời giảm thiểu sự dư thừa của chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, các công ty logistics Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên việc xây dựng và áp dụng logistics xanh vẫn còn tương đối mới và tính khả thi chưa cao.
Để có thể chuyển đổi sang logistics xanh, cần sớm xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời, hoàn thiện chính sách, pháp luật về logistics, chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; Ban hành quy định, giám sát hạn chế xả thải trực tiếp ra môi trường; Ban hành quy chuẩn chỉ số năng lực phát triển logistics xanh, đánh giá năng lực logistics xanh, xây dựng những giải pháp phù hợp và hiệu quả.
Khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu có thể tái sử dụng, tái chế để làm kệ, pallet, bao bì đóng gói; Quy hoạch và xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng logistics theo nhiều hướng: cảng biển, cảng hàng không…, nhằm xanh hóa các hoạt động logistics theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức. Đồng thời, có chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ưu đãi thuế tạo động lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp ngành logistics có điều kiện đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ. Kiểm soát giao thông xanh, đánh giá và có chế tài nhằm kiểm soát các hoạt động gây hư hỏng hàng hóa hoặc tác động đến môi trường trong quá trình vận chuyển; Đầu tư, nâng cấp, quy hoạch hệ thống kho bãi phù hợp.
Các doanh nghiệp logistics cần phải đổi mới, ứng dụng các giải pháp hướng tới logistics xanh, bao gồm: Quản lý bao bì xanh, thúc đẩy lĩnh vực sản xuất sử dụng các vật liệu đóng gói đơn giản nhất và dễ phân hủy nhất; Quản lý kho xanh, theo dõi tất cả các yếu tố không phải là xanh trong kho; Kiểm soát quy trình xanh, giám sát từ sản xuất sản phẩm đến tiêu thụ cuối cùng theo các quy trình, như: đóng gói, phân đoạn và đo lường; Cải tiến chất lượng phương tiện vận tải, kiểm soát logistics xanh ngay tại kho.
Việc ứng dụng công nghệ, cải thiện hệ thống thông tin logistics với việc đẩy mạnh ứng dụng hệ thống thông tin tiên tiến, áp dụng vận tải đa phương thức chuyên nghiệp. Bên cạnh đó trong công tác đào tạo nguồn nhân lực: Xây dựng các bộ chương trình đào tạo chuẩn, chuẩn hóa vị trí công việc trong ngành logistics, xây dựng khóa học nâng cao, bổ sung, cập nhật kiến thức quản trị nhân lực xanh gắn với logistics và quản trị chuỗi cung ứng xanh./.