Doanh nghiệp Nhật Bản hồi sinh và cơ hội cho Việt Nam

Du Lam – Vân Anh| 26/04/2021 15:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Sau giai đoạn khủng hoảng và sa sút, nhiều hãng công nghệ Nhật Bản đã tìm được đường xoay chuyển cục diện. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Doanh nghiệp Nhật Bản hồi sinh và cơ hội cho Việt Nam - Ảnh 1.

Sau giai đoạn khủng hoảng và sa sút, nhiều hãng công nghệ Nhật Bản đã tìm được con đường xoay chuyển cục diện. Đây cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Điện tử Nhật Bản phục hồi

Từ năm 2012, ngành công nghệ Nhật Bản bắt đầu suy thoái. Người ta xem các tên tuổi lớn như Sony, Panasonic, Sharp, Toshiba… chỉ còn là cái bóng của quá khứ. Trong bảng xếp hạng 10 hãng công nghệ lớn nhất thế giới của tạp chí Fortune, Hitachi và Sony là hai đại diện duy nhất đến từ Nhật Bản. Đứng đầu chính là Apple của Mỹ, Samsung Electronics của Hàn Quốc.

Có nhiều nguyên nhân giải thích vì sao công nghệ Nhật Bản không còn được ưa chuộng như trước và bị Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc qua mặt. Dấu hiệu sụp đổ xuất hiện khắp nơi: các quán café và tàu điện ngầm tràn ngập người trẻ dùng iPhone và iPad mà không phải thiết bị Nhật. “TV Nhật vẫn có thể bán được, nhưng chỉ tại Nhật”, một người nhận xét.

Các thế mạnh trước đây như thị trường trong nước, công nghệ và chuyên môn phần cứng nay lại trở thành rào cản. Khi đối thủ ngoại quốc xuất hiện và thị trường trong nước thu hẹp, doanh nghiệp Nhật Bản phải cạnh tranh nhiều hơn trên trường quốc tế, nơi mà chuyên môn phần mềm chứ không phải phần cứng mới quan trọng. Hơn nữa, văn hóa phụ thuộc vào sự đồng thuận của số đông gây khó khăn khi họ muốn thay đổi kịp tốc độ của kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, họ còn gặp vấn đề khi biến công nghệ thông minh thành sản phẩm mà khách hàng mong muốn. Chẳng hạn, máy nghe nhạc MP3 của Sony ra đời khá lâu trước iPod của Apple nhưng khó dùng. Một yếu tố khác vượt tầm kiểm soát của doanh nghiệp là đồng yên mạnh, khiến sản phẩm Nhật Bản trở nên đắt đỏ hơn khi xuất khẩu.

Doanh nghiệp Nhật Bản hồi sinh và cơ hội cho Việt Nam - Ảnh 2.

Các hãng công nghệ Nhật Bản đã tìm được đường thoát khỏi cục diện khủng hoảng và sa sút.

Gạt đi sai lầm trong quá khứ, ngày nay, các hãng công nghệ Nhật Bản đang tìm mọi cách xoay chuyển cục diện và phần nào thành công. Sony là một điển hình như vậy. Với những nỗ lực tìm kiếm động lực tăng trưởng mới thông qua đa dạng hóa kinh doanh và tích cực đầu tư vào công nghệ cốt cán, việc làm ăn của hãng đã có khởi sắc.

Đầu tháng 2, doanh nghiệp này nâng mức dự báo lợi nhuận ròng năm tài khóa 2020 lên cao kỷ lục 1,09 nghìn tỷ yên (10,37 tỷ USD) nhờ doanh số mạnh mẽ đến từ game, nhạc và các mảng khác. Đây là lần đầu tiên Sony có thể thu về lợi nhuận trên 1 tỷ yên bất chấp dịch Covid-19 vẫn hoành hành. Hãng hiện đứng đầu thị trường cảm biến ảnh smartphone với 46% thị phần tính theo doanh thu, trong khi PlayStation nằm trong số các máy chơi game console bán chạy nhất thế giới.

Một ví dụ khác là Olympus. Tên tuổi của Olympus vốn gắn liền với camera. Là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới thương mại hóa máy ảnh nội soi năm 1950, Olympus một lần nữa gia tăng sự hiện diện trên thị trường đặc biệt này nhờ đầu tư không ngừng vào phát triển công nghệ. Hiện, hãng nắm trong tay 70% thị phần. Từ năm 2011, doanh số thiết bị y tế của Olympus tăng trưởng thường niên trung bình 10%. Năm 2020, hãng quyết định rút hoàn toàn khỏi thị trường máy ảnh và tập trung nhiều hơn nữa vào mảng thiết bị hình ảnh y tế.

Cơ hội cho Việt Nam

Doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản phục hồi mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam là nơi đặt nhà máy của một số tập đoàn như Panasonic, Nikon, Canon, Hitachi, Olympus… bên cạnh các tên tuổi lớn đến từ những ngành nghề, dịch vụ khác như Acecook, Honda, Toyota, Mitsubishi.

Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng Thư ký VINASA, cho biết số lượng công ty hội viên VINASA hợp tác với các doanh nghiệp đối tác Nhật Bản là khoảng 70 tới 80. Hiện nay, công việc với đối tác Nhật khá phong phú: từ nhập liệu, lập trình, kiểm thử, chỉnh sửa hình ảnh, cho thuê nhân lực, cung cấp dịch vụ bảo trì - bảo dưỡng hệ thống cho đến những công việc cấp cao hơn như nghiên cứu và phát triển, thiết kế hệ thống, tư vấn….

Với xu hướng công nghệ mới, sự đổi mới trong cách thức quản lý dự án, triển khai công việc, cách thức hợp tác cũng thay đổi rất nhiều. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào các dự án hợp tác ngay từ đầu, triển khai đồng hành cùng đối tác. Một số doanh nghiệp nhỏ đang có xu hướng cùng hợp tác, đầu tư với startup của Nhật, cùng hưởng lợi từ doanh thu do sản phẩm mang lại thay vì hình thức chỉ nhận công việc uỷ thác.

Hình thức này áp dụng nhiều trong lĩnh vực công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, IoT, Blockchain, AR, VR... Trong số các doanh nghiệp hội viên VINASA, một số hiện tập trung đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển cho các công nghệ như vậy. Vài công ty đã có giải pháp được triển khai hiệu quả tại thị trường quốc tế, nhất là tại thị trường Nhật.

Doanh nghiệp Nhật Bản hồi sinh và cơ hội cho Việt Nam - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đem lại nhiều lợi ích trong hợp tác cho các doanh nghiệp CNTT Việt.

Các doanh nghiệp như Sony, Panasonic, Sharp, Toshiba… đem lại nhiều lợi ích trong hợp tác cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh hợp tác, xuất khẩu phần mềm, giải pháp, dịch vụ ngay trên đất nước Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Giang cho rằng, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt nguồn lực, xây dựng năng lực, thương hiệu, tìm hiểu văn hoá kinh doanh của Nhật để dễ dàng tiếp cận và hợp tác với các doanh nghiệp Nhật hơn. VINASA hiện có Ủy ban Hợp tác CNTT Nhật Bản (VJC), có sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Tham gia Ủy ban này cũng là một hình thức tốt để cập nhật thông tin, xu hướng, học hỏi các kinh nghiệm triển khai hợp tác, cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp Nhật Bản ở cả trong và ngoài nước.

Tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam năm 2019, cùng với thông điệp “Make in Vietnam” (Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất), Bộ TT&TT đã xác định định hướng: Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu, giải quyết các bài toán toàn cầu.

Với riêng doanh nghiệp phần mềm, trước thực tế nhiều năm qua đa phần các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam làm thuê, gia công sản phẩm cho đối tác nước ngoài, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh rằng, đã đến lúc doanh nghiệp phần mềm Việt thay vì chủ yếu làm gia công, cần quay về làm các sản phẩm giải bài toán Việt Nam, coi Việt Nam là cái nôi để từ đó đi ra quốc tế.


Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp Nhật Bản hồi sinh và cơ hội cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO