Doanh nghiệp thủy sản quý 1 lãi thấp, kỳ vọng phục hồi hậu Covid - 19

Trang Trần| 14/05/2020 20:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Kết thúc quý 1 cả doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp thủy sản đều giảm mạnh tuy nhiên đang có những dấu hiệu phục hồi khả quan hậu Covid - 19.

Các doanh nghiệp thủy sản đã đồng loạt công bố kết quả kinh doanh quý 1/2020 với doanh thu và lợi nhuận đều giảm mạnh so với cùng kỳ đa phần do ảnh hưởng bởi dịch Covid 19.

Về doanh thu Vĩnh Hoàn (VHC) đứng đầu nhóm ngành thủy sản với doanh thu thuần quý I/2020 đạt 1.636 tỷ đồng, tuy nhiên con số này cũng giảm 9% so với cùng kỳ. VHC cho biết, giá bán cá tra giảm và ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 là những nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sụt giảm mạnh.

Tương tự Nam Việt (ANV) cho biết do ảnh hưởng mạnh từ dịch bệnh Covid-19 nên hầu hết các thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng làm cho kim ngạch xuất khẩu giảm, doanh thu thuần đạt hơn 811 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ.

FMC cũng công bố doanh thu thuần trong kỳ đạt 712 tỷ đồng giảm 7% so với cùng kỳ, công ty cho biết bước sang tháng 3/2020, doanh số chung của Công ty giảm gần 5% so với cùng kỳ nguyên nhân là có một ít hợp đồng ở EU bị ngưng giao do tình hình Covid-19. Một phần do FMC không ký kết các hợp đồng giá có tính rủi ro để bảo đảm an toàn, hiệu quả trong sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp thủy sản quý 1 lãi thấp, kỳ vọng phục hồi hậu Covid - 19 - Ảnh 1.

Trong kỳ nhiều doanh nghiệp thủy sản có mức doanh thu sụt giảm mạnh trong đó giảm mạnh nhất là Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Ngô Quyền (NGC), doanh nghiệp này công bố doanh thu quý 1 chỉ đạt 6 tỷ đồng doanh thu giảm tới 88% so với cùng kỳ do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trong thời gian nghỉ tết Nguyên Đán và ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên công ty đã tạm ngừng hoạt động từ đầu năm đến nay.

Thủy sản 4 (TS4) cũng công bố mức doanh thu quý 1 chỉ đạt 28,8 tỷ đồng - thấp nhất kể từ quý 1/2006 trong đó doanh thu từ bán thủy sản giảm 85%. Tiếp theo là Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) có doanh thu thuần quý 1 đạt 234,3 tỷ đồng, giảm gần 1 nửa so với doanh thu đạt được quý 1/2019 do trong quý doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm hơn 47%.

ABT, IDI và SJ1 cùng có doanh thu sụt giảm 2 con số so với quý 1/2019 trong đó ABT cho biết dưới ảnh hưởng nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh Covid 19 trên toàn cầu, đặc biệt dịch bệnh bùng phát và trở thành tâm dịch ở các quốc gia xuất khẩu chủ yếu của công ty như Nhật Bản, các quốc gia ở Châu Âu,..dẫn đến hoạt động vận chuyển hàng hóa, giao nhận không thể thực hiện được do chính sách phong tỏa nhằm kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra doanh thu giảm một phần là do giá xuất khẩu cá tra và nghêu bình quân quý 1 cũng giảm so với cùng kỳ.

Tương tự IDI cũng cho biết thời điểm quý 1/2020 là giai đoạn bùng phát dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới và đã ảnh hưởng nặng nề đến tình hình xuất khẩu cá tra fille đông lạnh. Thị trường xuất khẩu bị gián đoạn, giá cá xuất khẩu giảm mạnh. Bên cạnh đó giá cá nguyên liệu trên thị trường giảm làm ảnh hưởng đến giá cá tra xuất khẩu của công ty. Kết quả doanh thu thuần quý 1/2020 của IDI đạt 1.463 tỷ đồng, giảm 17,6% so với cùng kỳ. SJ1 cũng có doanh thu giảm 13% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cá biệt có trường hợp của CMX, BLF và KHS công bố doanh thu tăng cao so với cùng kỳ trong đó Camimex ghi nhận doanh thu thuần tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, đạt 285 tỉ đồng. Thủy sản Bạc Liêu (BLF) cũng công bố doanh thu đạt 147 tỷ đồng tăng 50% so với cùng kỳ nhưng công ty cũng cho biết trong kỳ đã mở rộng xưởng gia công xuất khẩu mặt hàng khoai tây chiên đông lạnh tại chi nhánh Long An. Kiên Hùng (KHS) cũng tăng trưởng 18,4% về doanh thu do trong kỳ nhà máy chế biến thủy sản Kiên Hùng đi vào vận hành từ 1/7/2019 nay đã hoạt động ổn định.

Với doanh thu thấp trong khi nhiều chi phí phát sinh vẫn tăng cao khiến doanh nghiệp thủy sản báo lãi thấp trong quý 1, thậm chí là thấp nhất trong nhiều quý đã qua.

Cùng với sự sụt giảm về doanh thu các doanh nghiệp ngành thủy sản cũng báo lãi rất thấp trong quý 1, theo đó mặc dù dẫn đầu về lợi nhuận với 152 tỷ đồng tuy nhiên con số này của Vĩnh Hoàn (VHC) giảm tới 51% so với cùng kỳ. Nam Việt (ANV) cũng báo lãi hơn 43 tỷ đồng trong quý 1 giảm tới 78,3% so với cùng kỳ - thấp nhất kể từ quý 3/2017 của ANV.

Mặc dù các khoản chi phí phát sinh trong kỳ đều giảm, song lợi nhuận sau thuế quý 1 của ACL chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng, giảm sâu so với số lãi 54,5 tỷ đồng đạt được quý 1/2019 – Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 14 quý gần đây của ACL. Tương tự ABT và IDI cũng báo lãi giảm 94% và 91,4% so với cùng kỳ 2019.

Trong kỳ còn có 3 khoản lỗ của NGC, TS4 và AGF trong đó AGF báo lỗ ròng hơn 2 tỷ đồng, mặc dù thua lỗ song con số đã cải thiện đáng kể so với mức lỗ 122 tỷ hồi quý 1/2019. NGC do đã tạm ngừng hoạt động từ đầu năm đến nay trong khi vẫn phát sinh các chi phí nên báo lỗ 9 tỷ đồng trong quý 1. NGC cho biết hiện công ty đang thực hiện các giải pháp để đưa nhà máy trở lại hoạt động sản xuất như thực hiện các hợp đồng hợp tác, gia công chế biến các mặt hàng thủy sản, cho thuê kho trữ đông nhằm tạo nguồn thu, sử dụng hết công suất máy móc thiết bị, gây dựng lại lực lượng công nhân, khôi phục hoạt động SXKD của công ty.

Doanh nghiệp thủy sản quý 1 lãi thấp, kỳ vọng phục hồi hậu Covid - 19 - Ảnh 2.

Ở chiều ngược lại KHS và BLF có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ. Hiện còn Hùng Vương (HVG) chưa công bố BCTC quý 2 niên độ 2019 – 2020 kết thúc vào 31/3/2020. Tuy nhiên trước đó vào quý 1/2020 (kết thúc vào 31/12/2019) HVG ghi nhận lỗ gần 254 tỷ đồng nguyên nhân là do từ tháng 10/2019, sức mua ở hầu hết các thị trường đều giảm mạnh do cung vượt quá cầu. Riêng 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc, lượng sản phẩm cá tra nói chung còn tồn ở đây phải mất ít nhất 6 tháng để tiêu thụ hết.

Các doanh nghiệp thủy sản hầu hết đều đã công bố mục tiêu kinh doanh 2020 trong đó có những mục tiêu lạc quan và thận trọng, đáng chú ý nhất là mục tiêu của ông lớn Minh Phú (MPC) với kế hoạch lợi nhuận 2020 gấp 3 lần kết quả năm trước dự kiến đạt 1.368 tỷ đồng lãi trước thuế.

Không đưa ra con số cụ thể, Thực phẩm Sao Ta (FMC) lên kế hoạch lãi trước thuế 2020 trong khoảng 240-250 tỷ đồng, tương đương tăng từ 4-9% so với kết quả năm trước. Trong khi đó, doanh số 2020 của FMC được mong đợi tăng trưởng 10%, đạt 176 triệu USD. Bên cạnh đó, mục tiêu sản lượng tôm chế biến và tôm tiêu thụ năm 2020 là 17.500 tấn (tăng 6,4%) và 16.000 tấn (tăng 6,7%).

Mặc dù thua lỗ trong năm 2019, Hùng Vương (HVG) đặt kế hoạch cao cho năm 2020 với tổng doanh thu đạt 12.524 tỷ đồng, gấp 3 lần so với kết quả thực hiện năm trước, và lãi sau thuế đạt 790 tỷ đồng - Đây là kế hoạch cao nhất từ trước đến nay của Công ty.

Sau 3 năm lỗ liên tiếp từ 2017-2019, năm 2020 Ntaco (ATA) kỳ vọng thoát lỗ với mục tiêu lãi sau thuế 5 tỷ đồng. Tương tự là trường hợp của Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF) với sự rót vốn hỗ trợ từ phía Thaco AGF đặt mục tiêu năm 2020 lãi trước thuế 22 tỷ đồng sau 3 năm lỗ liên tục từ 2017-2019.

Doanh nghiệp thủy sản quý 1 lãi thấp, kỳ vọng phục hồi hậu Covid - 19 - Ảnh 3.

Ông lớn Vĩnh Hoàn (VHC) lần đầu tiên đưa ra kế hoạch đi lùi, cho cả 2 kịch bản "cao" và "thấp". Với kế hoạch thấp, doanh thu dự kiến giảm 18% đạt 6,450 tỷ đồng và LNST giảm 68% xuống mức 800 tỷ đồng so với kết quả 2019. Kế hoạch cao dự kiến lãi sau thuế giảm 9% xuống 1.063 tỷ đồng và doanh thu chỉ tăng 9% đạt 8.600 tỷ đồng.

Cũng gặp khó khăn trong đầu ra, kế hoạch lãi sau thuế 2020 của Nam Việt (ANV) giảm mạnh 72%, được kỳ vọng ở mức 200 tỷ đồng. Theo ANV, từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước Châu Âu, Châu Á… đã làm tăng thêm cái khó cho việc xuất khẩu cá tra trong thời gian tới. Trong khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã giảm một nửa so với cùng kỳ và sẽ giảm mạnh cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát .

Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI) đặt kế hoạch công ty mẹ với doanh thu gần 7.145 tỷ đồng, tăng đến 37% so với năm 2019. Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế kế hoạch sẽ giảm 39% xuống còn hơn 160 tỷ đồng.

Trên sàn niêm yết hàng loạt cổ phiếu ngành thủy sản như VHC, MPC, FMC, CMX, ACL, ANV, IDI… tăng điểm mạnh trong tuần qua nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ hậu dịch Covid-19 hồi phục khi các thị trường xuất khẩu chính, đặc biệt là Trung Quốc đang mở cửa trở lại.

Mặt hàng tôm được dự báo có nhiều cơ hội xuất khẩu hậu Covid-19 khi các đối thủ chính như tôm Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan bị đình trệ bởi lệnh phong tỏa quốc gia, đơn hàng dịch chuyển sang Việt Nam sẽ nhiều hơn. Yếu tố thuận lợi khác có thể kể đến là EVFTA sắp được thực thi sẽ giúp ngành tôm xâm nhập mạnh hơn ở châu Âu, cùng với đó là thuế xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ cũng về 0%.

Mới đây "vua tôm sinh thái" Camimex Group thông báo doanh số tháng 4 đạt hơn 6,5 triệu USD, tăng 86% so với cùng kỳ và là mức doanh số tháng cao nhất trong vòng 7 năm qua. Doanh nghiệp này cũng dự kiến doanh số xuất khẩu trong tháng 5-6 cũng sẽ ở mức 7-8 triệu USD/tháng, tăng 60-70% nếu tình hình không có gì thay đổi.

Thực phẩm Sao Ta sở hữu vùng nuôi tôm riêng rộng 190 hecta đạt chuẩn BAP và ASC. Công ty vừa mở rộng diện tích nuôi và kho lạnh tại Sóc Trăng, dự kiến hoàn thành trong quý II giúp triển vọng tích cực hơn.

Trong khi đó đối với ngành cá tra khả năng phục hồi hoàn toàn được dự báo sẽ là từ quý 3/2020 và riêng thị trường Trung Quốc có thể phục hồi vào cuối tháng 5/2020. Trước khó khăn của ngành hàng cá tra, Hiệp hội Cá tra Việt Nam mới đây cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ giảm, giãn nợ, kéo dài thời gian nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách tài chính ngân hàng, đo lường thiệt hại doanh nghiệp để đề xuất Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ vốn vay, lãi suất phù hợp; đề ra các giải pháp hỗ trợ hộ nuôi, doanh nghiệp ngành hàng cá tra Việt Nam trong thời gian có dịch và sau dịch.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tập đoàn VNPT tăng trưởng 7% năm 2024
    Năm 2024, mặc dù thị trường viễn thông - công nghệ thông tin gặp khá nhiều khó khăn, song với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, Tập đoàn VNPT vẫn giữ vững thị phần với các dịch vụ trọng điểm, tối ưu chi phí, để doanh thu, lợi nhuận toàn Tập đoàn được duy trì và tăng trưởng so với cùng kỳ.
  • ‏FPT nhận chứng nhận CREST, củng cố vị thế dẫn đầu dịch vụ SOC‏
    Mới đây, FPT chính thức đạt chứng nhận quốc tế CREST cho dịch vụ giám sát và ứng cứu sự cố an toàn thông tin 24/7 (dịch vụ SOC), khẳng định cam kết của FPT với khách hàng về chất lượng dịch vụ an toàn thông tin đạt chuẩn thế giới.‏
  • Hướng tới vinh danh các "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2024
    Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" là giải thưởng vinh danh những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.
  • 5,5 tỷ người trên thế giới sử dụng Internet
    Theo báo cáo mang tên “Thực tế và Con số 2024” của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), năm 2024 đã có thêm 227 triệu người được tiếp cận Internet, nâng tổng số người sử dụng Internet lên 5,5 tỷ người, chiếm 68% dân số toàn cầu.
  • Bưu điện hợp tác với công ty hàng đầu Hàn Quốc về công nghệ, sàn giao dịch dữ liệu
    Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Công ty DataStreams Corp (DataStreams) hợp tác trong lĩnh vực công nghệ dữ liệu nhằm khai thác sức mạnh dữ liệu để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực cạnh tranh và mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng.
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp thủy sản quý 1 lãi thấp, kỳ vọng phục hồi hậu Covid - 19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO