Doanh nhân 9x và giấc mơ "số hoá" Việt Nam

Thắng Hoàng| 30/10/2022 06:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Báo cáo Digital 2020, Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á về năng lực số, điều đó thể hiện rõ rệt qua cả số lượng và chất lượng của các tương tác trong môi trường số.

Với tỷ lệ thâm nhập Internet, thâm nhập mạng xã hội đều ở mức cao (khoảng 70%), thói quen tương tác trên môi trường số bằng điện thoại thông minh (smartphone) đã trở thành một chuẩn mực phổ biến, đồng thời ảnh hưởng đến năng lực số của người Việt Nam.

Nhờ trải nghiệm phong phú trong môi trường số, người Việt Nam cũng thể hiện sự sẵn sàng thích ứng với các công nghệ mới như: nhận dạng giọng nói, đăng ký xem nội dung trả phí, các thiết bị smarthome hoặc tiền ảo được người Việt Nam tiếp cận nhanh chóng và có tỷ lệ sử dụng ngày một cao. Với hơn hai giờ mỗi ngày sử dụng mạng xã hội, việc tham gia tương tác trong các cộng đồng số, tận dụng những ưu thế và tiện ích của mạng xã hội đã trở thành một thói quen và có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và công việc. 

Ngoài ra, đại dịch COVID-19 với các giai đoạn giãn cách xã hội kéo dài tại các thành phố lớn cũng đã góp phần thúc đẩy người Việt Nam làm quen và thực hành mua sắm bằng thương mại điện tử, cũng như thực hiện các hành vi khác trên thiết bị số một cách thường xuyên, hiệu quả hơn. Đây đều là những tín hiệu cho thấy chúng ta hiện có một dân số trẻ, giàu tiềm năng, đã hội tụ nhiều điều kiện phù hợp để tập trung phát triển năng lực số.

Thực tế, chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc chuyển các tài sản vật lý hữu hình thành các tài sản số hay tăng tốc các quy trình làm việc sẵn có nhờ các ứng dụng số, mà xa hơn là thay đổi toàn diện cách thức hoạt động của nền kinh tế qua việc tạo ra các phương thức kinh doanh và vận hành hoàn toàn mới. Trong bối cảnh đó, người trẻ chính là nhóm đối tượng tiên phong dẫn đầu xu hướng số hoá.

Hàng chục dự án khởi nghiệp, gồm các dự án khởi nghiệp áp dụng chuyển đổi số ra đời trong những năm gần đây đã tạo dấu ấn không chỉ với cộng đồng doanh nghiệp và khách hàng trong nước, mà còn với các quỹ đầu tư và khách hàng quốc tế. Lãnh đạo những dự án, doanh nghiệp chuyển đổi số này cũng có những đóng góp quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. 

Nguyễn Hoàng Trung: Tham vọng mỗi người Việt đều dùng Loship

Doanh nhân 9x và giấc mơ

Nguyễn Hoàng Trung

Năm 2014, trở về Việt Nam sau hai năm du học tại Hàn Quốc để theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp, anh Nguyễn Hoàng Trung (sinh năm 1992) và các cộng sự sáng lập ra Lozi, một ứng dụng chuyên đánh giá đồ ăn, thức uống. Qua thời gian, Lozi dần mở rộng thành một nền tảng thương mại điện tử kết nối người mua và người bán với nhau.

Nhưng trong quá trình phát triển Lozi, những nhà sáng lập nhận ra một vấn đề trong hệ thống. Đó là sự không chắc chắn về việc “giao dịch giữa người mua và người bán có thật sự được hoàn thành trên nền tảng Lozi hay không?”, nói khác đi, toàn bộ quá trình diễn ra từ điểm bắt đầu đến điểm kết thúc vẫn thiếu sự kiểm soát.

Vậy là từ một ứng dụng tìm kiếm đồ ăn, anh Trung và đội ngũ đã phát triển startup Lozi thành trang thương mại điện tử, đồng thời cho ra mắt nền tảng Loship với chức năng giao đồ ăn, thức uống đến người dùng vào tháng 12/2017.

Với tiêu chí giao hàng nội thành trong 1 giờ, Loship cung cấp một loạt dịch vụ như giao đồ ăn, giao hàng, thuê xe, giao thuốc và nhiều dịch vụ theo yêu cầu khác. “Giao hàng nội thành trong 1 giờ”, theo anh Trung, vừa là lợi thế cạnh tranh, vừa là động lực tăng trưởng cho startup, vì nhu cầu khách hàng hiện tại là nhanh chóng và chính xác. “Tốc độ giao hàng của startup càng nhanh, thì cơ hội chiếm thị phần lớn càng cao”, anh Trung cho biết.

Từ dịch vụ ban đầu là giao đồ ăn và thức uống, Loship đã mở rộng ra nhiều dịch vụ khác gồm: đi siêu thị, thuê xe, dịch vụ giặt ủi, giao thuốc, giao hoa, chuyển phát nhanh, giao đồ cho thú cưng. Đó là cách Loship vận hành và phát triển khi tất cả đều xoay quanh người tài xế. “Anh tài xế này hoàn toàn có thể giao thêm bánh xà phòng, bó rau, hay một bộ đồ đã được giặt ủi. Bản chất ở đây là cùng một hành động giao hàng, anh tài xế hoàn toàn có thể làm được nhiều việc hơn”, anh Trung phân tích. Sau nhiều năm phát triển, Loship đã có chỗ đứng tại thị trường Việt Nam với mạng lưới gồm hơn 50.000 tài xế, 190.000 đối tác, khoảng 1.500.000 khách hàng trên cả nước.

Với mục tiêu làm chủ thị trường giao hàng nội địa và gia nhập thị trường một số quốc gia trong khu vực, Loship đã xây dựng riêng một đội ngũ “tăng trưởng” dựa trên các yếu tố dài hạn, gồm: chiến lược, tuyển dụng và văn hóa. “Đội ngũ này được dẫn dắt trực tiếp bởi tôi - CEO với một nhiệm vụ duy nhất và tiên quyết: Mỗi người Việt Nam đều sử dụng Loship”, anh Trung nhấn mạnh.

Về mặt chiến lược, anh Trung cho biết Loship tập trung cung cấp tới người dùng những dịch vụ tốt với mức giá phải chăng. Về tuyển dụng và văn hóa, CEO này sẽ trực tiếp phỏng vấn và lựa chọn ứng viên trong đội ngũ “tăng trưởng”. “Đó nên là một nhân sự khiêm tốn, nhưng luôn khát khao, sẵn sàng chấp nhận rủi ro và ứng phó trong mọi tình huống. Hơn hết, họ sẽ là những người luôn nhìn thẳng vào vấn đề để hoàn thành công việc, luôn đặt khách hàng lên hàng đầu và chinh phục họ”, anh Trung chia sẻ.

Theo anh Trung, một startup muốn thành công trước hết phải hiểu khách hàng, sau đó tạo ra một sản phẩm giải quyết vấn đề của họ. Với Loship, anh cho biết đội ngũ điều hành luôn đặt khách hàng lên hàng đầu qua việc quan tâm, lắng nghe, nhanh chóng phản hồi của khách hàng. “Nếu giao hàng trễ, chúng tôi sẽ hoàn trả lại toàn bộ số tiền. Nếu khách hàng không hài lòng với dịch vụ, chúng tôi cũng sẽ hoàn lại tiền”, anh Trung nói và cho biết điều này giúp mối quan hệ giữa khách hàng và startup được cải thiện, qua đó nâng cao các chỉ số tiếp thị, kinh doanh, tăng trưởng. 

Ngô Thuỳ Anh: Ứng dụng công nghệ giúp người cao tuổi sống vui, sống khoẻ

Doanh nhân 9x và giấc mơ

Ngô Thuỳ Anh

Chị Ngô Thùy Anh (sinh năm 1994) là một trong 30 gương mặt trẻ trong danh sách Forbes Under 30 năm 2022 của Tạp chí Forbes Việt Nam, hạng mục hoạt động xã hội.

Tháng 3/2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam, chị Thùy Anh thành lập HASU và cho ra đời ứng dụng cùng tên với hỗ trợ chăm sóc tinh thần, thể chất dành cho những người từ 50 tuổi. “HASU”, theo chị Thuỳ Anh, trong tiếng Nhật có ý nghĩa là “Hoa sen”, tượng trưng cho sự thanh khiết, từ bi, vô thường và hướng thiện.

“Khi đặt cái tên này tôi nghĩ nhiều đến những người cao tuổi và đặc biệt là ông ngoại, một trong hai người thân yêu nhất của tôi. Ông luôn vui vẻ, trìu mến yêu thương, hy sinh cho tất cả mọi người trong gia đình và chẳng bao giờ kêu than bất kỳ chuyện gì cả kể khi đau đớn. Vì thế nên khi ông phát hiện có khối u to như nắm tay ở trong phổi, bệnh viện cũng như gia đình tôi đều sững sờ vì sự thể hiện của ông không có vẻ gì là đau đớn”, chị Thuỳ Anh nói và bày tỏ mong muốn làm những việc có ích để những người cao tuổi khác khoẻ mạnh hơn, bớt cô đơn hơn.

Theo chị Thuỳ Anh, công nghệ đang giúp ích cho cuộc sống rất nhiều, nhưng vô hình chung tạo ra một khoảng cách rất lớn giữa các thế hệ trong một gia đình. Với mong muốn không để họ bị bỏ lại phía sau vì rào cản công nghệ, ứng dụng HASU được thiết kế phù hợp cho người trên 50 tuổi, không chỉ về nội dung mà còn cả ở giao diện, sao cho đơn giản, dễ hiểu, dễ thao tác, sử dụng.

Các giải pháp Hasu mang đến cho người cao tuổi gồm:

- Sức khỏe: cung cấp các kiến thức y học thường thức về bệnh tuổi già, dinh dưỡng cho người cao tuổi; video các bài tập luyện nâng cao sức khỏe thể chất dành riêng cho độ tuổi trên 50 được xây dựng và hướng dẫn trực tiếp bởi các bác sĩ nổi tiếng.

- Đào tạo: các chương trình ngoại ngữ, âm nhạc, hội họa, kỹ năng online được thiết kế phù hợp với độ tuổi, đáp ứng nhu cầu học tập trọn đời của người cao tuổi - theo các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

- Kết nối: tạo ra “sân chơi” riêng cho người cao tuổi, giúp kết nối những người có chung độ tuổi, sở thích, nhằm giảm bớt sự cô đơn, nỗi lo lắng thường trực ở họ.

Bên cạnh mục tiêu chăm sóc sức khoẻ, mục tiêu đưa công nghệ thành chiếc cầu kết nối đa thế hệ cũng được Thùy Anh gửi gắm khéo léo vào trong ứng dụng HASU. Cụ thể, cả gia đình có thể cùng nhau luyện tập buổi sáng với bài khí công tăng cường nội lực, hoặc bài luyện tập cho người đau cổ - vai - gáy. Ông bà có thể cùng các cháu học hát, học đàn, học vẽ tranh để tạo ra những khoảnh khắc đầm ấm, vui vẻ. 

Theo đó, việc hướng dẫn bố mẹ, ông bà sử dụng smartphone, sử dụng ứng dụng cũng là một cách lý tưởng để gắn kết các thế hệ, để công nghệ không tạo ra rào cản mà ngược lại, trở thành công cụ để mọi người dành thời gian cho nhau. Kết quả, sau 2 năm ra đời, HASU đã nhận được sự ủng hộ của hơn 12.000 người cao tuổi trên khắp cả nước. 

Phan Thanh Tùng: Hành trình xây dựng “thế giới ảo của người Việt”

Doanh nhân 9x và giấc mơ

Năm 2020, khi Phan Thanh Tùng, đồng sáng lập Moon Knight Labs, và 5 người bạn chọn khởi nghiệp với NFT qua việc viết Faraland - một tựa game NFT của Việt Nam. Tương tự các tựa game khác, Faraland kiếm tiền thông qua việc người dùng tham gia, nạp tiền và chơi. Họ cũng nhận được phần trăm khi người dùng mua bán, trao đổi vật phẩm trong game và các hoạt động khác.

Tuy nhiên, Faraland thực tế không đơn thuần là thu tiền từ người dùng mà có tổ chức và cơ chế hoạt động phức tạp hơn nhiều dự án khác. Với hướng đi Metaverse (vũ trụ ảo), Faraland là một thế giới mở và là một tựa game nguyên bản, họ có thể thêm bất kỳ nội dung nào vào game mà không gặp phải các vấn đề kỹ thuật như một số đơn vị mua lại game để phát hành. Từ đó họ có thể biến Faraland thành một nền tảng quảng cáo tương tự Facebook Ads.

“Thực tế chúng tôi đã ký kết được với nhiều đối tác để đưa họ vào thế giới game của mình như một hình thức quảng cáo cho họ”, Tùng chia sẻ. Chỉ hơn một năm, game dần có chỗ đứng trên thị trường. Song hành cùng với cú bứt phá ngoạn mục của người anh Axie Infinity, một loạt studio bắt đầu lao vào cuộc đua. Điều này đã giúp số đoạn mã công khai và ý tưởng của Faraland thành tiêu chuẩn cho game NFT hiện tại.

Còn Moon Knight Labs - công ty do Tùng đồng sáng lập đã gọi vốn thành công 2,4 triệu Faraland là một thế giới mở được xây dựng nguyên bản từ nội dung đến code, nên tiềm năng mở rộng của game gần như không giới hạn. Năm 2022, bên cạnh tiếp tục mở rộng, hoàn thiện thế giới ảo với Faraland, doanh nghiệp của Tùng cũng dự định ra mắt truyện tranh và bản tiểu thuyết riêng. “Chúng tôi muốn biến Faraland trCở thành một thương hiệu tương tự cách Marvel tạo dựng nên vũ trụ của mình”, Tùng cho biết.

Vũ Thị Thái An: Cá nhân hóa trải nghiệm du khách

Doanh nhân 9x và giấc mơ

Ứng dụng Tubudd - Tour Buddy - “Tour bắt đi” - bắt mọi khoảnh khắc, đi mọi nẻo đường” là tên gọi của nền tảng kết nối khách du lịch với bạn bè địa phương, hướng đến đi du lịch tự do tự túc không biên giới do chị Vũ Thị Thái An xây dựng tại Anh năm 2017. Năm 2018, ứng dụng này chính thức có mặt tại Việt Nam.

Trải qua 4 năm phát triển, Tubudd có mặt tại gần 20 quốc gia trên thế giới. Riêng tại Việt Nam, nền tảng phủ sóng 15 tỉnh thành, với gần 200 “buddy” trên toàn hệ thống. Được đón nhận rộng rãi, ứng dụng này mới đây gọi vốn thành công và nhận đầu tư khoản đầu tư 6 con số từ quỹ The Ventures, Hàn Quốc. Ứng dụng này cũng là đối tác của các startup về du lịch như Tripbtoz, dichungtaxi.com, ADDI Global... để cung cấp những dịch vụ du lịch toàn diện cho khách hàng.

Theo chị Thái An, khách hàng của Tubudd thường là những gia đình, cặp đôi, nhóm bạn bè đi du lịch tự túc, không có nhiều hiểu biết về các vùng miền tại Việt Nam. “Nền tảng của chúng tôi giúp họ kết nối với các hướng dẫn viên bản địa”, chị Thái An cho biết. Với khách du lịch nước ngoài, thông qua Tubudd, du khách khi đến một quốc gia sẽ dễ dàng tìm được hướng dẫn viên bản địa (buddy - PV) có thể giao tiếp bằng nhiều thứ tiếng tại bất kỳ địa điểm nào ở quốc gia này. Ngoài ra, ứng dụng còn giúp kết nối người nước ngoài với các phiên dịch viên bản địa hiểu phong tục văn hóa, món ăn, trải nghiệm trong quá trình du lịch, làm việc, sinh sống ở đó. Điều này giúp du khách đến gần hơn với trải nghiệm “local” (địa phương), còn gọi là “the local point of view” của mình.

Để bảo đảm quyền lợi và nâng cao trải nghiệm của khách hàng, chị An cho biết hồ sơ của các hướng dẫn viên sẽ được đăng tải trên nền tảng với nhận xét của những khách hàng trước. Tùy theo kinh nghiệm và khả năng của các hướng dẫn viên sẽ có mức giá khác nhau. Theo đó, hướng dẫn viên muốn tham gia nền tảng của Tubudd sẽ phải nộp hồ sơ và trải qua quá trình kiểm duyệt.

Về định hướng phát triển, chị An cho biết với mong muốn góp phần tạo môi trường du lịch an toàn và bền vững hơn tại Việt Nam, cũng như giúp các hướng dẫn viên bản địa có thu nhập tốt hơn, Tubudd sẽ chú trọng hai việc: phân loại các “buddy” để đáp ứng đa dạng nhu cầu du khách, chuẩn hóa “buddy” bằng các chương trình đào tạo chuyên nghiệp”. Cụ thể, Tubudd phiên bản mới phân thành 6 nhóm để đào tạo và chuẩn hóa các tiêu chuẩn cho hướng dẫn viên của mình. Đó là: The Adventure Buddy (người bạn cùng phiêu lưu, thám hiểm), The Lifestyle Buddy (người bạn cùng trải nghiệm cuộc sống bản địa, như ẩm thực, mua sắm...), The Art Buddy (người bạn cùng thưởng thức nghệ thuật), The History and Culture Buddy (người bạn cùng tìm hiểu lịch sử, văn hóa), The Medical and Beauty Buddy (người hỗ trợ chăm Csóc sức khỏe, sắc đẹp...), và The Business Buddy (trợ lý hỗ trợ việc kinh doanh, công tác). 

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2022)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Doanh nhân 9x và giấc mơ "số hoá" Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO