Cụ thể, Bộ TT&TT đã kiện toàn lại Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương và Đội liên ngành của một số địa phương. Đồng thời, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, tập huấn pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ phòng, chống in lậu được phối hợp, tăng cường.
Đẩy mạnh các công tác này, ông Phạm Tuấn Vũ, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành - Bộ TT&TT, Phó trưởng Đoàn thường trực liên ngành phòng chống in lậu Trung ương, đã trao đổi với PV Tạp chí TT&TT.
Một số tình hình kiểm tra và phối hợp thanh tra, xử lý vi phạm
Ông Phạm Tuấn Vũ cho biết: Năm 2021, Đoàn liên ngành và các Đội liên ngành, Thanh tra các Sở TT&TT địa phương đã tiến hành 722 1.281 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy, giảm 43,6% và ban hành 32 Quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt 782.000.000 đồng, giảm 4,4%; tịch thu, tiêu hủy 145.033 xuất bản phẩm tăng 15% so với năm 2020.
Một số địa phương có kết quả nổi bật về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm như: Hà Nội tiến hành 105.478 cuộc (giảm 78%), xử phạt 420.000.000 đồng (giảm 13%), tịch thu 140.405 27.086 xuất bản phẩm (tăng 418%) so với năm 2020; TP. Hồ Chí Minh tiến hành 5 cuộc, xử phạt 155.000.000 đồng; Hòa Bình tiến hành 53 cuộc, Ninh Bình tiến hành 51 cuộc, Vĩnh Long tiến hành 31 cuộc.
Vụ việc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an bắt gần 4 triệu sách giáo dục lậu của Công ty CP in và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát và các đơn vị liên quan là vụ việc được ghi nhận lớn nhất từ trước tới nay trên cả nước.
Để đảm bảo sự phối hợp, gắn bó chặt chẽ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên lĩnh vực TT&TT giữa các đơn vị thuộc Bộ TT&TT và Bộ Công an và kịp thời động viên, cổ vũ tinh thần cho Cán bộ chiến sỹ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ trưởng Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1335/QĐ-BTTTT ngày 30/8/2021 về việc tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho 01 tập thể và 05 cá nhân là cán bộ, chiến sỹ của Cục C03.
Đẩy mạnh tập huấn pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ và phối hợp phòng, chống in lậu
Năm 2021, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương không tổ chức tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu, chỉ tập trung vào công tác trao đổi nghiệp vụ với một số Sở và Đội liên ngành địa phương (TP. Hà Nội, TP. HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Điện Biên, Sơn La...) về công tác quản lý in và phối hợp, phòng chống in lậu; thường xuyên cung cấp thông tin, hỗ trợ nghiệp vụ, hướng dẫn xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản, in và phát hành bằng hình thức trao đổi văn bản hoặc qua điện thoại với các Sở và Đội liên ngành địa phương; giải đáp thắc mắc trên 50 nội dung liên quan nghiệp vụ quản lý xuất bản và công tác phòng, chống in lậu.
Cục Xuất bản, In và Phát hành tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) trên Cổng thông tin điện tử của Cục (www.ppdvn.gov.vn) để cung cấp thông tin kịp thời cho Sở TT&TT và các Đội liên ngành địa phương trong việc xác minh, đối chiếu khi tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên địa bàn, qua đó đã phát huy tác dụng, hỗ trợ kịp thời cho công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực xuất bản, in, phát hành của các Đội liên ngành địa phương và Thanh tra Sở TT&TT.
Đội liên ngành, Thanh tra Sở đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Sở TT&TT các tỉnh, thành phố tổ chức được 89 đợt tuyên truyền phổ biến pháp luật, tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn (giảm 41,8%) cho các lực lượng có liên quan ở cấp tỉnh, quận (huyện), phường (xã) như: Lạng Sơn (6 đợt), Hưng Yên, Kon Tum, Phú Thọ (4 đợt) và nhiều tỉnh, thành phố khác.
Các Sở TT&TT tỉnh/thành phố đã ban hành 123 văn bản điều hành, quản lý nhà nước về công tác quản lý hoạt động in, công tác thanh tra, kiểm tra và công tác phòng, chống in lậu.
"Với kết quả đạt được như vậy, trong một năm đại dịch với nhiều tháng giãn cách xã hội, có thể nhận thấy đây là một khối lượng công việc lớn mà Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương, các Đội liên ngành và Thanh tra Sở TT&TT trên cả nước đã nỗ lực thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng công tác phòng, chống in lậu, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành nói riêng, lĩnh vực TT&TT nói chung", ông Phạm Tuấn Vũ nhận định.
Ông Phạm Tuấn Vũ cũng nhấn mạnh: Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, giải quyết khó khăn do đại dịch COVID-19, đảm bảo công tác phòng, chống in lậu đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, góp phần tạo nên sự ổn định và phát triển chung của toàn ngành, Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương và các Đội liên ngành phòng, chống in lậu địa phương cần chú trọng tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Đối với Đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương
Tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt kế hoạch công tác của Đoàn liên ngành đã được lãnh đạo Bộ TT&TT ban hành, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Tăng cường nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan về phương án, cơ chế phối hợp với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để xây dựng, ban hành theo thẩm quyền các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các Đội liên ngành địa phương; cũng như có phương án giải quyết khó khăn về kinh phí, nhân sự đối với Đội liên ngành địa phương.
Chủ động xây dựng, hoàn thiện qui chế phối hợp giữa Đoàn liên ngành Trung ương với các cơ quan liên quan, đặc biệt giữa Đoàn liên ngành Trung ương với Tổ công tác 304 (Tổng Cục Quản lý thị trường); Hiệp hội In Việt Nam.
Đổi mới, tăng cường công tác phổ biến, tập huấn pháp luật liên quan đến hoạt động in và phòng, chống in lậu; trao đổi, hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ phòng, chống in lậu cho các Đội liên ngành theo hình thức phù hợp, đảm bảo nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Đẩy mạnh công tác nắm tình hình, diễn biến của các loại vi phạm pháp luật trong hoạt động in, kịp thời trao đổi, cung cấp thông tin tới các Đội liên ngành biết và nghiên cứu, hình thành phương án phòng, chống in lậu hiệu quả.
Đoàn liên ngành sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương, để nắm bắt tình hình công tác phòng, chống in lậu trên từng địa bàn, cũng như phối hợp cơ quan chức năng thực hiện một số cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất tại một số địa phương trọng điểm.
Đối với các Đội liên ngành địa phương và Thanh tra Sở TT&TT
Tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt kế hoạch công tác của Đội liên ngành, Thanh tra Sở đã được lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt, ban hành, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố giải pháp tăng cường trách nhiệm, phối hợp với các ngành, các cấp tại địa phương đấu tranh chống in lậu, in giả, mua - bán xuất bản phẩm lậu.
Chủ động đề xuất UBND tỉnh, thành phố củng cố, bổ sung thành phần tham gia Đội liên ngành (Công an, Quản lý thị trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư...); Tham mưu với lãnh đạo các địa phương quan tâm, bố trí tài chính và các điều kiện khác để Đội liên ngành triển khai hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ.
Chủ động xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan Cục Quản lý thị trường, Cục Thuế... ở địa phương; phối hợp thực hiện công tác phổ biến pháp luật cho các cơ sở in, tập huấn nghiệp vụ phòng, chống in lậu cho các thành viên Đội liên ngành và các cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện, xã.
Lãnh đạo Sở TT&TT chỉ đạo phòng chuyên môn khẩn trương rà soát, cấp phép, đăng ký hoạt động của các cơ sở in hoạt động trên địa bàn, cập nhật thông tin lên Cổng thông tin điện tử của Cục Xuất bản, In và Phát hành để hình thành CSDL quốc gia dùng chung, phục vụ công tác quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương; Nhanh chóng khắc phục ngay các hạn chế, tồn tại của năm 2020 về chế độ báo cáo, cập nhật dữ liệu cơ sở in..., góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý hoạt động in nói chung, công tác phòng, chống in lậu nói riêng.
Phối hợp đồng bộ với các lực lượng (Thanh tra Sở TT&TT, Đội 814, Cục quản lý thị trường ở địa phương và các cơ quan liên quan) đẩy mạnh công tác trinh sát địa bàn, nắm tình hình, diễn biến của các cơ sở in, tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; lập hòm thư điện tử, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân và các đơn vị trong ngành về tổ chức, cá nhân có dấu hiệu thực hiện hành vi in lậu, in giả, kinh doanh xuất bản phẩm trái phép, vi phạm bản quyền; Kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động in, nhất là các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự./.