Đồng chí Đặng Văn Thân - Người lãnh đạo tiên phong đổi mới ngành Bưu điện Việt Nam

03/11/2015 20:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Sự đổi mới và phát triển về kinh tế, kỹ thuật nhanh chóng của ngành Bưu điện đã được Đảng và Nhà nước đánh giá cao: năm 1990 được Nhà nước tặng thưởng huân chương Độc lập hạng nhất và năm 1995, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Truyền thống, ngành Bưu điện đã được vinh dự nhận huân chương Sao Vàng và Đồng chí Đặng Văn Thân được tuyên dương là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

 Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trao Huy hiệu Anh hùng Lao       động cho đồng chí Đặng Văn Thân năm 2000

Ngành Bưu điện là một trong số rất ít ngành đi đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, và đã đạt được những thành tựu rực rỡ sau 30 năm đổi mới. Đó là công lao chung của tập thể lãnh đạo Tổng cục Bưu điện và toàn thể cán bộ, công nhân viên trong ngành thời kỳ đó, nhưng vai trò tiên phong quyết định của tiến trình đó thuộc về đồng chí Đặng Văn Thân, Tổng cục trưởng lúc bấy giờ. Đồng chí không có nhiều điều kiện để nghiên cứu sâu về kinh tế và kỹ thuật như các đồng chí khác, nhưng Đồng chí đã biết lắng nghe và quyết đoán, dám làm và chịu trách nhiệm đến cùng.

Đổi mới tư duy kinh tế

Tôi còn nhớ vào năm 1985, ngành gặp nhiều khó khăn về vốn để đầu tư phát triển, yêu cầu bảo đảm phục vụ thông tin liên lạc theo yêu cầu mới ngày càng tăng. Có ý kiến đề xuất báo cáo với Trung ương cho phép vừa phục vụ vừa kinh doanh; cho thực hiện hạch toán toàn ngành; cho tự vay tự trả, tự chịu trách nhiệm về lỗ lãi; được sử dụng 50% ngoại tệ làm ra, được sử dụng 50% lợi nhuận vượt kế hoạch thu được (50% còn lại nộp cho Nhà nước) để nhập vật tư, thiết bị tăng cường cho mạng lưới và khuyến khích sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống của cán bộ công nhân viên - thì Đồng chí đã cho nghiên cứu, họp bàn và quyết định triển khai. Đây là một sự đổi mới đầu tiên về tư duy kinh tế, chuyển biến từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang thực hiện tự chủ kinh doanh theo yêu cầu của xã hội mà sau này được gọi là cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhờ đó mà trong điều kiện ngân sách nhà nước còn rất thiếu thốn, ngành Bưu điện đã tự cân đối để bắt đầu đẩy mạnh phát triển.

Vượt qua cấm vận, tiến thẳng lên kỹ thuật số

Đi đôi với đổi mới về tư duy kinh tế, chuyển mạnh sang kinh doanh, có ý kiến đề xuất đổi mới về khoa học - kỹ thuật, mạnh dạn từ bỏ các phương tiện kỹ thuật tương tự (analog) cũ kỹ, lạc hậu, như dây trần, cáp đối xứng, vô tuyến sóng ngắn, tổng đài tự động cơ-điện .v.v., chuyển hẳn sang sử dụng kỹ thuật số (digital), như tổng đài tự động kỹ thuật số, viba băng rộng, cáp quang, thông tin vệ tinh kỹ thuật số, v.v.. được gọi chung là số hóa (digitization). Lúc đó có nhiều người không tin tưởng, cho rằng với điều kiện kinh tế - kỹ thuật của Việt Nam thì không thể nào thực hiện được, nhưng với ý chí và sự quyết tâm đổi mới, Đồng chí cũng cho họp bàn tìm cách giải quyết.

Vào thời kỳ đó, Mỹ còn chưa từ bỏ cấm vận về mọi mặt đối với Việt Nam, dù một số nước muốn hợp tác làm ăn với nước ta nhưng cũng e ngại. Chúng ta đã thăm dò đối với Pháp, Nhật Bản, v.v.. nhưng vẫn thấy bế tắc. Riêng phía Úc lúc đầu có thống nhất với ta mở liên lạc điện thoại vô tuyến sóng ngắn, nhưng do chất lượng quá kém và nối mạng gặp nhiều khó khăn nên lưu lượng không tăng lên được. Trong khi ta đã kế thừa địa vị của chính quyền miền Nam trước giải phóng trong Tổ chức thông tin vệ tinh quốc tế Intelsat, phía Úc bàn với ta đặt hai trạm mặt đất thông tin vệ tinh loại nhỏ VISTA ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thử liên lạc điện thoại quốc tế với Úc và chuyển tiếp qua Úc với nhiều nước khác, thì kết quả rất tốt, lưu lượng tăng đột biến. Từ đó cho thấy có triển vọng tiếp tục phát triển hợp tác viễn thông giữa hai bên.

Đồng thời đàm phán với phía Úc (là Tập đoàn Viễn thông quốc tế OTCI, sau này đổi tên thành Telstra), ta cũng đàm phán với phía Pháp (Tập đoàn Viễn thông Alcatel), nhưng thấy làm ăn với Úc có lợi hơn về nhiều mặt, nên ta đã chấp nhận ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh dịch vụ viễn thông với Úc, trong đó phía Úc đầu tư 68% thực hiện số hóa mạng lưới thông tin, trước hết lắp đặt hai trạm mặt đất thông tinh vệ tinh Intelsat tiêu chuẩn B cùng mạng lưới điện thoại tự động kỹ thuật số ở Hà Nội, còn ta chịu trách nhiệm đầu tư 32% trang bị mạng thông tin liên tỉnh và nội hạt, cũng bằng kỹ thuật số (đầu tiên là vi ba băng rộng của Đức và điện thoại E-10 của Pháp); do có xét đến thương quyền khai thác dịch vụ viễn thông ở Việt Nam, ta được hưởng 68% còn Úc 32% doanh thu của hai bên nhận được từ việc hợp tác đó.

Việc hợp tác đã được triển khai nhanh, liên lạc trong nước và quốc tế giữa ta với nhiều nước chuyển tiếp ở Úc tăng lên rất nhiều, doanh thu cho cả hai bên đã vượt xa các con số dự liệu, nhờ đó ta càng có điều kiện phát triển rất nhanh việc số hóa mạng lưới thông tin. Vì vậy các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong cả nước, cũng như các tổ chức quốc tế sử dụng tiện lợi hơn nhiều.

Trên cơ sở đó, sau này đã phát triển thêm thông tin di động và Internet được sử dụng rộng rãi, có tác dụng to lớn đối với kinh tế, xã hội không thua kém nhiều nước phát triển xung quanh. Dĩ nhiên, ngành Bưu điện phải cố gắng rất nhiều trong học tập nâng cao trình độ, cải tiến tổ chức quản lý theo hướng hiện đại mới có thể đáp ứng được. Thành tích đó có sự đóng góp to lớn của Đồng chí Tổng cục trưởng Đặng Văn Thân.

Nhà lãnh đạo dũng cảm, quyết đoán

Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, theo đề nghị của Chính phủ ta, Liên Xô (cũ) đã đưa vào kế hoạch viện trợ xây dựng tuyến thông tin vi ba Hà Nội -Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong lúc chúng ta đang xây dựng tuyến vi ba này, đã nhận đủ sắt thép làm trụ anten và thiết bị nguồn điện cho cả tuyến, thì cán bộ ta nhận định hệ thống thông tin vi ba mà bạn sẽ chuyển giao cho ta là loại cũ, lạc hậu, dùng kỹ thuật tương tự (không phải là kỹ thuật số), chủ yếu bằng đèn điện tử, đắt tiền, tiêu nhiều điện, mau hư hỏng, phải có sẵn nhiều linh kiện phụ tùng thay thế, nên đã đề nghị cho phép không nhận tiếp. Nghe theo ý kiến thống nhất của tập thể lãnh đạo, Đồng chí Thân đã mạnh dạn trình bày cặn kẽ với Chính phủ và Chính phủ đã phải khó khăn lắm mới giải quyết được việc đó với phía bạn.

Việc thứ hai cũng xảy ra trong thời gian này, Chính phủ Liên Xô (cũ) đang triển khai kế hoạch viện trợ 90 triệu rúp vàng (trị giá còn cao hơn đô la Mỹ) trang bị hệ thống thông tin vô tuyến sóng ngắn trong cả nước cho ngành Công An của chúng ta. Biết được điều đó, Đồng chí Thân mạnh dạn làm việc với Bộ Công an và báo cáo Chính phủ trình bày với phía Liên Xô cho dừng lại dự án đó, nếu không sẽ có khó khăn lớn và lãng phí lâu dài cho ngành Công An nước ta. Đồng chí Thân đã dũng cảm làm việc đó với cam kết đem sinh mạng chính trị của mình để bảo đảm trước Đảng và Chính phủ, điều mà nhiều cán bộ lãnh đạo khác không chắc đã dám làm.

Sự đổi mới và phát triển về kinh tế, kỹ thuật nhanh chóng của ngành Bưu điện đã được Đảng và Nhà nước đánh giá cao: năm 1990 được Nhà nước tặng thưởng huân chương Độc lập hạng nhất và năm 1995, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Truyền thống, ngành Bưu điện đã được vinh dự nhận huân chương Sao Vàng và Đồng chí Đặng Văn Thân được tuyên dương là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. 

LÊ ĐỨC NIỆM
Nguyên Tổng cục phó Tổng cục Bưu điện

(TCTTTT Kỳ 1/8/2015)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Đồng chí Đặng Văn Thân - Người lãnh đạo tiên phong đổi mới ngành Bưu điện Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO