Du lịch nội địa sẽ thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững

Hải Anh| 05/11/2022 09:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong những thời kỳ có nhiều biến động của môi trường bên ngoài, như những diễn biến dịch bệnh vừa qua, du lịch nội địa luôn được coi là một điểm tựa để thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững.

Đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch toàn cầu và du lịch Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nhu cầu, thị hiếu của thị trường du lịch, người tiêu dùng có sự thay đổi lớn trước và sau đại dịch COVID-19. Tuy vậy, sau khi dịch bệnh được kiểm soát và nền kinh tế dần mở cửa, du lịch Việt Nam đã có những tín hiệu khởi sắc. Song để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ, đảm bảo thích ứng với các điều kiện, bối cảnh kinh tế xã hội chung, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Tổng cục Du lịch đã giao Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới”.

Thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới

Mới đây, Viện nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới - thách thức và giải pháp”. Hội thảo diễn ra dưới cả hai hình thức, trực tiếp và trực tuyến.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn đã bày tỏ mong muốn Hội thảo sẽ được tham vấn nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các diễn giả, chuyên gia du lịch, nhằm giúp Viện Nghiên cứu phát triển du lịch hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Tổng cục Du lịch đã giao. Thông qua Hội thảo, các vấn đề về đặc điểm, xu hướng mới của thị trường khách du lịch nội địa sẽ được xác định, từ đó có thể đề xuất các giải pháp khả thi thúc đẩy thị trường trong giai đoạn tới.

Cùng với du lịch quốc tế thì du lịch nội địa đang khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường du lịch nói chung. Đặc biệt, trong những thời kỳ có nhiều biến động của môi trường bên ngoài, như những diễn biến dịch bệnh vừa qua, do đó du lịch nội địa luôn được coi là một điểm tựa để thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững.

Theo số liệu thống kê, lượng khách du lịch nội địa tại Việt Nam vẫn tăng đều qua các năm và đạt đỉnh cao nhất vào năm 2019, trước khi đại dịch bùng nổ, với 85 triệu lượt khách. Trong khi đó, khi dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế mở cửa dần, lượng khách du lịch nội địa 10 tháng đầu năm 2022 đã đạt 91,8 triệu lượt người, vượt qua con số cả năm 2019. Trong khi đó, 10 tháng năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là khoảng 2,35 triệu lượt. Mặc dù là kết quả của 10 tháng, song con số này chưa đạt 50% mục tiêu năm 2022. Qua các cuộc khủng hoảng, có thể thấy thị trường nội địa luôn là cứu cánh của ngành du lịch, giúp ngành này phục hồi nhanh và lấy lại đà phát triển hơn cả mong đợi.

Trên thế giới, du lịch nội địa cũng được các quốc gia ưu tiên thúc đẩy phát triển. Do đó, thị trường nội địa vẫn được các doanh nghiệp du lịch đánh giá là chủ lực. Do đó, khi những thị trường du lịch quốc tế truyền thống như khách Châu Âu, Mỹ chưa phục hồi, chiến lược dành riêng cho thị trường nội địa đã được các doanh nghiệp du lịch triển khai để bù đắp cho khoảng trống của khách quốc tế. 

Tại sự kiện Tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch COVID-19” tổ chức hồi tháng 10/2022, các sở, ngành, địa phương, cơ quan quản lý du lịch, chuyên gia kinh tế, các đơn vị lữ hành, lưu trú, điểm đến đã tham gia và cùng cho rằng thị trường khách du lịch nội địa đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ và phục hồi nhanh chóng. Trước việc lượng du khách quốc tế còn ít và vẫn chưa thực sự trở lại giai đoạn phục hồi, ngành du lịch đang nỗ lực nhiều giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển du lịch nội địa. Riêng đối với du lịch thủ đô, ông Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, cho biết Hà Nội vẫn đang nỗ lực để thu hút khách du lịch trong nước song vẫn chưa đạt được mục tiêu như mong muốn. 

Lượng khách nội địa thường rất đông vào các dịp lễ hội. Điều này vừa giúp tăng trưởng thị trường song cũng đặt ra những vấn đề về sự quá tải các dịch vụ. Chính vì thế, vấn đề lớn đặt ra đối với các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành là phải có sự chuẩn bị sẵn sàng để không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.

Chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ du khách vào những dịp lễ lớn

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cũng nhấn mạnh thị trường du lịch nội địa thời gian qua đã có những bước tăng trưởng rất mạnh mẽ. Cùng với sự tăng trưởng này, nhiều xu hướng du lịch mới xuất hiện, chú trọng tới việc gắn liền du lịch với chăm sóc sức khỏe, gần gũi thiên nhiên.  

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ nhiệm Nhiệm vụ “Nghiên cứu thúc đẩy thị trường khách du lịch nội địa trong bối cảnh mới”, đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống, đến nền kinh tế và xã hội đất nước. Không chỉ vậy, đại dịch cũng gây ảnh hưởng lớn lên tâm lý, tình cảm, sở thích, nguyện vọng của khách du lịch. Chính vì vậy, thị trường du lịch có những đặc điểm thay đổi nhất định trong các giai đoạn trước, trong và sau đại dịch. Việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá hiện trạng khách du lịch nội địa phải tính tới những thay đổi này. Trên cơ sở đó, các giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa được đưa ra sẽ đóng góp vào sự phục hồi và phát triển của du lịch trong bối cảnh mới.

Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia, thông thường vào những ngày lễ lớn, như Tết Nguyên đán, các dịp lễ được nghỉ từ 3-4 ngày, hoặc vào dịp hè, lượng khách du lịch nội địa sẽ tăng cao. Các điểm đến thường được lựa chọn là những địa danh nổi tiếng về du lịch, tiện nghi, trong đó nổi lên là các khu  nghỉ dưỡng ở biển, resort như Phú Quốc, Đà Nẵng, Huế, Bình Định, Nha Trang, Mũi Né, Ninh Thuận, Vũng Tàu hoặc các khu nghỉ dưỡng miền Bắc như ở Sa Pa, Hà Giang… Nhìn chung, lựa chọn điểm đến của du khách nội địa khá đa dạng, từ biển, núi và thống kê cho thấy, có 49% khách yêu thích và thường sử dụng các sản phẩm nghỉ dưỡng biển, 41,8% khách lựa chọn nghỉ dưỡng núi và 50% khách lựa chọn du lịch sinh thái.

Du lịch nội địa sẽ thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững - Ảnh 1.

Yêu cầu đổi mới sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch cũng được đề xuất nhằm thu hút du khách hơn nữa

Với những kết quả trên, nhiều đề xuất đã được đưa ra để giúp phát triển mảng du lịch nội địa trong tình hình mới. Một số chính sách hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng thị trường như các giải pháp về đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được khuyến khích đưa ra các giải pháp về phát triển sản phẩm, xúc tiến, quảng bá du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch. Năng lực của các doanh nghiệp lữ hành cần được nâng cao, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đẩy nhanh phát triển.

Yêu cầu đổi mới sáng tạo trong phát triển sản phẩm du lịch cũng được đề xuất nhằm thu hút du khách hơn nữa. Nguồn nhân lực du lịch sau đại dịch Covid-19 cũng cần được chú trọng, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ, mang lại nhiều trải nghiệm mới cho du khách, góp phần phát triển mảng du lịch nội địa. Các đơn vị lữ hành, các khu du lịch cần có sự liên kết để phát triển sản phẩm du lịch dành cho khách nội địa…

Đối với Hà Nội, để bảo đảm phục vụ khách du lịch tốt hơn, tiếp tục duy trì lượng khách nội địa, từ nay đến hết năm 2022 và sang năm 2023, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú cần có sự chuẩn bị chu đáo, khắc phục tốt tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách, tạo uy tín cho du lịch Thủ đô./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Quản lý hoạt động quảng cáo số có sự tham gia của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới
    Quảng cáo số trên Internet đang dần thay thế quảng cáo truyền thống và trở thành trọng tâm của các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Việc này đặt ra nhiều thách thức về quản lý nhà nước.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Du lịch nội địa sẽ thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO