Dù liên tục bị chê, giải pháp smart home Việt vẫn "chốt deal" đầu tư của Shark Phú

NK| 07/06/2021 12:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhận xét về công ty Shart home Việt AnHome trong tập Shark Tank mới nhất, Shark Bình cho rằng, dân lập trình đi làm kinh doanh thường yếu về định vị thị trường và năng lực bán hàng. Sau khi bị 3 Shark từ chối, AnHome đồng ý với deal của Shark Phú với cam kết sẽ về làm cho Sunhouse nếu thất bại.

Chưa tạo ra sự khác biệt, AnHome liên tục nhận lợi chê của các Shark

Xuất hiện trong tập 6 Shark Việt Nam tập 6, AnHome - công ty chuyên nghiên cứu và phát triển các thiết bị điện thông minh kêu gọi số vốn là 100.000 USD cho 10% cổ phần. Chia sẻ về ý tưởng thành lập AnHome, Nhà sáng lập và điều hành Bùi Thành Ninh cho biết, sản phẩm ra đời để giúp nhà sản xuất dễ dàng chuyển đổi các sản phẩm truyền thống thành các sản phẩm thông minh với giải pháp các module tích hợp lõi chip IoT với chi phí từ từ 5 USD cho một thiết bị. Giải pháp nhắm vào thị trường ngách, ít đối thủ cạnh tranh với nhòm khách hàng từ 25 - 35 tuổi, có mức thu nhập tầm trung.

"Thị trường nhà thông minh (smart home) ở Việt Nam hiện tại đang tăng trưởng nhanh chóng với tỷ lệ tăng trưởng lên đến 63%/năm. Tuy nhiên chỉ mới 2,8% căn hộ sử dụng smart home. Đấy là lý do mà chúng tôi tin tưởng đây là một thị trường rất tiềm năng", ông Bùi Thành Ninh nói. Anh cũng tiết lộ, từ đầu năm 2020, AnHome có doanh thu 1,5 tỷ đồng. Tổng đầu tư là 3,4 tỷ đồng  trong đó hơn 2 tỷ đồng  là đầu tư nghiên cứu và sản xuất sản phẩm mẫu.

Với kinh nghiệm của mình, Shark Hưng nhận thấy tỷ lệ sử dụng smart home rất cao, trong đó điểm hay nhất của AnHome là khả năng chuyển đổi từ nhà bình thường sang nhà thông minh, dùng kết nối không dây. Tuy nhiên, Shark Hưng cho rằng hơn 1 năm nhưng AnHome chỉ có doanh thu 1,5 tỷ đồng thì quá kém.

Shark Phú lại đặt ra dấu hỏi về điểm khác biệt của AnHome so với các đơn vị khác hiện nay trên thị trường cũng như lợi thế, tính ưu việt của module chuyển đổi.

Cho rằng sản phẩm không có gì khác biệt và có tốc độ phát triển hơi chậm, Shark Liên, Shark Bình và Shark Phú đã rút khỏi deal này. "Dân lập trình đi kinh doanh thì giỏi kỹ thuật nhưng kinh doanh thì thuần quá, yếu giác quan (sense) về định vị thị trường và bán hàng, đặc biệt là năng lực bán hàng", Shark Bình nhận xét. 

Chính vì vậy, Shark Bình đã đưa ra lời khuyên cho AnHome nên "bám" lấy một "ông lớn" nào giỏi kinh doanh trong lĩnh vực này. Sau đó tập trung vào R&D, làm sản phẩm, làm công nghệ.

Dù liên tục bị chê, giải pháp Smarthome Việt vẫn

Ông Bùi Thành Ninh, nhà sáng lập AnHome: Thị trường smart home ở Việt Nam hiện tại đang tăng trưởng nhanh chóng nhưng chỉ mới 2,8% căn hộ sử dụng Smarhome.

Shark Hưng tiếp tục nhận xét, sản phẩm AnHome không đủ thời gian để thẩm định tính thông minh, mô hình kinh doanh hơi mông lung, kết quả kinh doanh kém "nhưng nếu bạn vẫn muốn vào hệ sinh thái của tôi, tôi cũng đang cần một nhóm (team) để phát triển sản phẩm này nên tôi đề nghị, tôi bỏ ra 100.000 USD, bạn bỏ ra 3 tỷ tức đốt mất bao nhiêu rồi thì tìm cách hoàn lại coi như xóa đánh lại từ đầu. Bạn bỏ ra 3 tỷ, tôi bỏ ra 2.3 3. Tôi chiếm 45%, bạn chiếm 55%. Chúng ta làm lại từ đầu". Vì vậy, Shark Hưng đề nghị 100.000 USD cho 45%.

Trước khi đưa ra quyết định, Shark Phú hỏi thêm cách cấu trúc giá sản phẩm của AnHome và đưa ra bài học cho startup: "15 USD giá vốn khi đến tay người dùng là phải 45 USD. Đấy là nguyên tắc của kinh doanh... Đây là một trở ngại cực kỳ lớn liên quan đến giá…Đấy cũng là lý do vì sao các sản phẩm lớn như điều hòa, tivi, tủ lạnh người ta còn chưa dám lắp vì lắp vào không bán được...Đây là cản trở liên quan đến mặt thương mại…". 

Chính vì vậy, Shark Phú đưa ra đề nghị đầu tư 100.000 USD đổi lấy 40% cổ phần kèm điều kiện: nếu trong vòng một năm thất bại, Shark Phú sẽ ra một đề tài cho đội ngũ AnHome để trừ nợ.

Sau thời gian hội ý, 2 đại diện AnHome đưa ra đề nghị ngược lại với Shark Phú: 100.000 USD cho 10% cổ phần kèm quyền mua 30% cổ phần vòng sau với định giá discount (giảm giá) 30%.

Shark Phú không chấp nhận đề nghị này và đưa ra một con số khác để đạt được thỏa thuận tốt nhất cho cả hai bên: 100.000 USD đổi lấy 40% cổ phần. Nếu gọi vốn vòng sau, có nhà đầu tư mới trả giá tốt hơn thì Shark Phú cam kết nhượng lại phần cổ phần đấy kèm thêm 10% lãi suất/năm.

Sau cùng, AnHome đồng ý đề nghị của Shark Phú và chia sẻ, sau khi gọi vốn thành công tại Shark Tank, AnHome sẽ tiếp tục bắt tay nghiên cứu phát triển và làm việc với các nhà sản xuất.

Dù liên tục bị chê, giải pháp Smarthome Việt vẫn

Shark Bình: Dân lập trình đi kinh doanh thì giỏi kỹ thuật nhưng yếu về định vị thị trường và bán hàng.

Thị trường sẽ đạt 251 triệu USD vào năm tới nhưng khó có "cửa" cho AnHome

Theo báo cáo công bố trong giai đoạn 2019 - 2020, Statista dự đoán thị trường Smarthome tại Việt Nam sẽ đạt doanh thu 225,3 triệu USD vào năm 2021 và 330,4 triệu USD vào năm 2022. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất được công bố cuối 2020, những số liệu này đã có sự thay đổi vì những ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid-19. Cụ thể, doanh thu Smarthome tại thị trường Việt Nam được dự đoán sẽ lần lượt đạt mức 183,9 triệu USD vào 2021, 251 triệu USD vào 2022 và con số này sẽ tiếp tục tăng lên 449,1 triệu đô vào 2025.

Những số liệu của Statista chỉ ra rằng, quy mô thị trường smart home Việt sẽ vẫn ngày càng mở rộng, cộng hưởng cùng với xu thế phát triển chung trên thế giới. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 sẽ kìm hãm sự "giãn nở" của thị trường smart home nói chung. Thực tế này xuất phát từ tâm lý e ngại và dè dặt hơn của người tiêu dùng trong quyết định chi trả cho những sản phẩm phần nào còn mới mẻ và cần giáo dục thị trường như Smarthome.

Theo thông tin trên trang web của mình, AnHome hiện đang là đơn vị chuyên nghiên cứu và phát triển, nhà sản xuất, cung cấp các thiết bị điện thông minh với các thiết bị đa dạng từ cảm biến, cho đến các thiết bị an ninh - cảnh báo an toàn, thiết bị camera, cho đến các thiết bị gia dụng thông minh khác (khoá vân tay, robot hút bụi). 

Cũng thông tin trên trang web của mình, AnHome khẳng định làm chủ hoàn toàn công nghệ từ khâu thiết kế, sản xuất bởi 100% đội ngũ kĩ sư người Việt có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và phát triển các sản phẩm, thiết bị IoT.

Dù liên tục bị chê, giải pháp Smarthome Việt vẫn

Trên các trang TMĐT, sản phẩm của Anhome còn khá nghèo nàn và mức giá chưa thực sự cạnh tranh.

Các sản phẩm của công ty đều có thể điều khiển được thông qua WifFi, Zigbee (một phương thức giao tiếp không dây phổ biến giữa các thiết bị smart home) và hỗ trợ loa thông minh của Google, Alexa (Amazon). Tuy nhiên, module tích hợp để biến các thiết bị "supid home" sang "Smarthome" - điểm được cho là sự khác biệt của công ty, mà AnHome giới thiệu trong chương trình chưa được giới thiệu trên trang web của họ, mà chỉ có các sản phẩm thông thường.

Trên trang các thương mại điện tử, sản phẩm của AnHome cũng khá "nghèo nàn" với một vài mẫu ổ cắm, công tắc, khoá thông minh và mức giá cũng chưa thực sự đủ sức cạnh tranh. Trong khi khoá thông minh, công tắc có mức giá chấp nhận được, từ khoảng gần 900.000 đồng cho đến hơn 1.200.000 đồng cho công tắc và khoảng 4.800.000 đồng cho khoá, dù đắt hơn các thương hiệu đến từ Trung Quốc như Xiaomi, Tuya… nhưng rẻ hơn mức giá của các công ty Việt khác như Lumi, AppotaHome. Còn ổ cắm thông minh lại có mức giá cao hơn hẳn so với sản phẩm cùng loại của Điện Quang, Rạng Đông.

Chưa kể đến, thị trường Smarthome tại Việt Nam đang ngày càng có sự "tham chiến" của những ông lớn. Nếu như trước đây, thị trường Smarthome mới chỉ có sự tham gia của Bkav và một số sản phẩm đến từ Trung Quốc, rồi sau đó có sự xuất hiện của các hãng Việt như Lumi thì hiện nay thị trường đã xuất hiện rất nhiều gương mặt mới, từ các hãng nước ngoài như Samsung, LG…, cho đến những các công ty Việt lớn như FPT, Vingroup, thậm chí những nhà sản xuất thiết bị truyền thống như Điện Quang, Rạng Đông cũng đã có các sản phẩm Smarthome của riêng mình.

Như vậy, nếu chỉ cạnh tranh về giá, AnHome rất khó "địch" lại các sản phẩm của Trung Quốc còn về thương hiệu và tiềm lực tài chính, công ty này cũng sẽ rất thua thiệt hơn nhiều so với những gương mặt quen thuộc như Lumi hay có tiềm lực tài chính, sản xuất như Điện Quang, Rạng Đông hay FPT. Do đó, nhiều ý kiến lo ngại cho công ty sẽ sớm "tiêu hết" số tiền 100.000 USD đầu tư của Shark Phú khi thị trường Smarthome đòi hỏi nguồn vốn lớn và dài hơi.

Coolmate là một trong số những startup "tận dụng" lợi thế của chương trình Shark Tank mùa này tốt nhất. Ở tập phát sóng đầu tiên, trong số 3 startup tham gia, Coolmate gây chú ý khi có màn thương thảo giằng co căng thẳng với Shark Bình và cuối cùng chốt "deal" thành công khi huy động được 500.000 USD đổi lấy 10% cổ phần, cộng thêm 2,5% cổ phần cố vấn (advisory shares).

5 ngày sau khi lên song, CEO Coolmate Phạm Chí Nhu chia sẻ, 5 ngày bán hàng của Coolmate sau sự kiện Sharktank mang về doanh số bằng cả năm 2019. Điều thành công hơn nữa là đội ngũ Coolmate từ Marketing, phát triển (dev), vận hành, chăm sóc khách hàng, sản phẩm... vẫn đứng vững trong suốt cả tuần. Cụ thể hơn, doanh số tăng gấp 5 lần ngày thường trong 5 ngày liên tiếp, đã có 30.000 sản phẩm được bán ra, lượt truy cập website mỗi giờ tăng gấp 15 lần so với ngày thường, trong khi đó không mất chi phí PR nào./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Dù liên tục bị chê, giải pháp smart home Việt vẫn "chốt deal" đầu tư của Shark Phú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO