Đưa thư viện vào nhà văn hóa thôn, tạo không gian đọc cộng đồng

Bích Ngọc| 04/11/2022 10:37
Theo dõi ICTVietnam trên

Cả nước có khoảng 73.000 nhà văn hóa cấp thôn, làng, tổ dân phố, ấp, bản, bon, buôn được xây dựng nên trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Nhưng trong số đó, chỉ mới có một nhà văn hóa thôn được tích hợp không gian văn hóa đọc cộng đồng.

Mơ một không gian văn hóa đọc cộng đồng

Nhà văn hoá thôn kết hợp không gian văn hoá đọc cộng đồng đầu tiên ở thôn Như Lân, xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Tại không gian này có hơn 6.000 đầu sách, do Công ty Cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt (Tân Việt Books) cùng nhiều nhà tài trợ hỗ trợ.

Nguyễn Phương Anh và Phạm Thuỳ Chi, học sinh trường Tiểu học Long Hưng, nhanh tay lựa cho mình bộ sách Bé khám phá môi trường xung quanh. Chưa từng được nhìn thấy nhiều sách tranh dành cho thiếu nhi đến vậy nên hai đứa trẻ rất hào hứng. Đã từng học trích đoạn Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố nên Nguyễn Thu Hiền luôn mong được đọc đầy đủ tiểu thuyết này. Nay thì thư viện thôn không chỉ có Tắt đèn mà còn nhiều tiểu thuyết văn học khác của các nhà văn lớn.

Nhà văn hoá thôn Như Lân được trang bị hơn 6.000 đầu sách các thể loại: lịch sử, văn hoá, kỹ năng sống, ngoại ngữ, thiếu nhi, danh nhân và doanh nhân, kinh tế, quản trị kinh doanh… dành cho người xem mọi lứa tuổi. Một người dân nói: "Nhà văn hoá thôn là nơi sinh hoạt cộng đồng, bây giờ được tài trợ nên thêm công năng sử dụng là không gian văn hoá đọc cộng đồng. Đây là điều mà dân làng chúng tôi từ ngày trước mơ không thấy, nay đã trở thành hiện thực, là điều rất hạnh phúc với dân làng".

Bà Vũ Dương Bích Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Chủ tịch Hội đồng cố vấn dự án này, cho rằng: "Là một mô hình gắn liền với không gian văn hoá là các nhà văn hoá hoặc trung tâm văn hoá của thôn của xã, thì đấy là nền tảng rất tốt bởi vì tận dụng được không gian mà chính quyền địa phương đã bố trí cho sinh hoạt văn hoá cộng đồng".

Sau khi được trang bị sách và một không gian đọc thân thiện, Nhà văn hoá thôn Như Lân còn tổ chức các buổi thảo luận về sách, nhằm hình thành thói quen đọc và vận dụng những điều trong sách.

Theo bà Nguyễn Kim Thoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt (Tân Việt Books), các nhà văn hóa thôn đang được sử dụng chưa hết chức năng và công suất, rất lãng phí: "Tôi quan sát, các nhà văn hoá của các thôn được nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng rất tốt, nhưng khai thác thì gần như chưa được là bao. Tôi mới nghĩ sẽ đưa không gian đọc, không gian sách vào trong nhà văn hoá, chúng tôi cải tạo lại để có không gian mới hoàn toàn".

Dự án Nhà văn hoá - Không gian văn hoá đọc cộng đồng đặt mục tiêu cải tạo và xây dựng 300 nhà văn hoá ở nông thôn thành nhà văn hoá và không gian đọc cộng đồng. Sau khi cải tạo, dự án sẽ cùng chính quyền địa phương thành lập ban quản lý để duy trì hoạt động thường xuyên không gian sách trong nhà văn hóa.

Hoạt động cộng đồng tại nhà văn hóa thôn Như Lân

Hoạt động cộng đồng tại nhà văn hóa thôn Như Lân

Lãng phí các nhà văn hóa cấp thôn

Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2010-2020), đến cuối năm 2019, cả nước có hơn 7.000 trung tâm văn hóa, thể thao xã; gần 73.000 nhà văn hóa cấp thôn. Trung bình một năm có gần 41 triệu lượt người tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, sinh hoạt câu lạc bộ ở nông thôn. Nhiều địa phương đã hoàn thiện các thiết chế văn hoá cơ sở, xây dựng quy chế hoạt động, quy chế quản lý thiết chế văn hoá theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Tuy nhiên, hầu hết nhà văn hóa chỉ được sử dụng làm nơi hội họp, mỗi tháng mở cửa một đôi lần, rất lãng phí, trong khi vốn đầu tư lớn, được trang bị khá đầy đủ các thiết bị nghe, nhìn, không gian rộng rãi. Theo thống kê của Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, 34% nhà văn hoá chỉ tổ chức hoạt động 1 lần/tháng.

Trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới,Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định: "Tỷ lệ thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố: có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng": đạt 100% theo tất cả các vùng". Tuy nhiên, những thiết chế văn hóa cơ sở này mới chỉ được nhìn nhận, đánh giá về mặt hình thức. Nhìn lại trước đây, việc xây dựng các điểm bưu điện văn hóa xã với mong muốn trở thành tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thư viện công cộng thất bại, ngoài yếu tố chủ quan là sự phát triển mạnh và nhanh của điện thoại thông minh, có yếu tố sự đầu tư không tương xứng giữa chất và lượng.

Xót xa trước việc hàng loạt nhà văn hóa cộng đồng được đầu tư chỉ cái vỏ mà không quan tâm lắm đến nội dung, tác giả Phạm Thanh Hải, trường Trung học cơ sở thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, từng nêu ý tưởng "Xây dựng thư viện cộng đồng trong nhà văn hóa thôn bản tại xã đạt chuẩn nông thôn mới". Ý tưởng được viết rất chi tiết, cụ thể. 

Có thể liệt kê vài chi tiết trong đề án mà tác giả này viết khá dài:

+ Sách: Huy động từ nguồn Điểm bưu điện văn hóa xã; huy động đóng góp ủng hộ của tổ chức cá nhân; nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm; nguồn sách cho mượn, luân chuyển từ thư viện huyện (có thời hạn);

+ Báo và tạp chí: huy động đóng góp từ nguồn báo cấp phát cho ban lãnh đạo thôn, làng (báo Đảng các cấp, tạp chí chuyên ngành…), nguồn ủng hộ…

+ Trang thiết bị vật chất ban đầu: Đóng góp ủng hộ; kêu gọi tài trợ hoặc trích kinh phí địa phương.

Thư viện cộng đồng dành một tỉ lệ sách cho mượn về nhà (với đối tượng học sinh), tài liệu cho mượn chủ yếu thuộc loại sách, truyện phù hợp với lứa tuổi. Nếu chậm trả sẽ được nhắc nhở qua chi đoàn thanh niên, hội phụ nữ… Nếu làm mất, hỏng phải đền và không được mượn…

Theo tác giả Phạm Thanh Hải, việc xây dựng Thư viện cộng đồng trong nhà văn hóa cơ sở là việc hoàn toàn khả thi, bởi địa điểm triển khai đã có sẵn, kinh phí thấp, dễ dàng huy động từ các nguồn đóng góp và sự ủng hộ của xã hội; vận hành đơn giản, gọn nhẹ. Ý tưởng này hoàn toàn có thể được triển khai trong thực tế, góp phần giải quyết nhu cầu thưởng thức các giá trị văn hóa; nâng cao dân trí, củng cố mối quan hệ gắn kết cộng đồng tại khu dân cư.

Nhà văn hóa thôn Bình Vọng, thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội có thư viện dành cho bà con

Nhà văn hóa thôn Bình Vọng, thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội có thư viện dành cho bà con

Bà Nguyễn Kim Thoa cũng cho rằng: tại rất nhiều địa phương, các nhà văn hóa cũ, xuống cấp, chưa phát huy hết công năng, mục đích sử dụng nên khá lãng phí. Tích hợp nhà văn hóa cũ thành không gian văn hóa và không gian đọc trong cộng đồng phát huy được công năng sử dụng của nhà văn hóa, tránh lãng phí tài sản của nhà nước, tạo ra địa điểm sinh hoạt cộng đồng cho người dân, đảm bảo đáp ứng được cả hai tiêu chí chính trị và văn hóa giáo dục.

Với quan điểm "Các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các cơ sở giáo dục và các tổ chức khác liên quan cùng gia đình, cộng đồng có trách nhiệm tham gia và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa đọc', Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng của Chính phủ đặt ra nhiệm vụ "Đa dạng hóa các dịch vụ thư viện; tăng cường phổ biến, hướng dẫn về phương pháp sử dụng thư viện có hiệu quả; đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; thúc đẩy phối hợp, liên kết giữa các thư viện với trung tâm văn hóa, thể thao, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã; tăng cường luân chuyển sách, báo, tài liệu giữa các thư viện, chú trọng luân chuyển từ hệ thống thư viện công cộng tới các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đến các trường học, đồn biên phòng, trại giam, các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng..." .

Hơn 73 ngàn điểm nhà văn hóa cấp thôn không nên đứng ngoài nhiệm vụ này./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Đưa thư viện vào nhà văn hóa thôn, tạo không gian đọc cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO