In phiếu cân điện tử, kiểm soát xe trên mạng
Tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư 06/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo đó, phiếu cân kiểm tra tải trọng xe (phiếu cân) ghi kết quả từ thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe, có chữ ký và họ tên của người sử dụng thiết bị cân, góc trái phía trên của phiếu có dấu treo của đơn vị được giao trực tiếp quản lý, sử dụng thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe.
Phiếu cân gồm các thông tin cơ bản như: tên lái xe, tên chủ xe hoặc đơn vị vận tải, tên Sở Giao thông Vận tải nơi cấp phù hiệu xe; thông tin ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe (biển số xe, loại xe, số trục, khối lượng bản thân, khối lượng hàng hóa chuyên chở, khối lượng kéo theo, chiều dài cơ sở, kích thước bao, kích thước thùng chở hàng); thông tin về tải trọng trục, tổng trọng lượng (khối lượng toàn bộ); kết quả và kết luận đo lường kiểm tra.
Hoạt động cân tải trọng xe thông thường trước đây, đòi hỏi phải có nhiều lực lượng như cảnh sát giao thông, công an trật tự, thanh tra giao thông…tham gia. Việc duy trì việc kiểm tra này có sự tham gia của nhiều lực lượng do vậy duy trì vận hành cần sự phối hợp chặt chẽ, nên mất khá nhiều thời gian và chi phí vận hành.
Mới đây, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ hệ thống cân tải trọng điện tử tự động và Tổng cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan vừa tiếp nhận.
Theo đánh giá, đây được xem là hệ thống cân tải trọng hiện đại bậc nhất của Việt Nam được đặt trên tuyến Quốc lộ 5 (Hải Phòng) theo phương án thí điểm.
Các chuyên gia đánh giá đây là hệ thống cân có độ chính xác và có vòng đời cao, kiểm soát 100% xe đi trên hệ thống đường bộ, khắc phục nhược điểm chỉ kiểm soát được 2 làn tại các trạm thu phí hiện nay.
Cân được vận hành theo cách: Xe đi qua hệ thống cân, chỉ mấy giây, ngồi ở bất kỳ đâu, lực lượng kiểm soát chỉ cần vào mạng in phiếu cân sẽ biết được xe đó có vi phạm hay không, có thể biết chính xác các lỗi vi phạm như: Vi phạm quá tải trọng trục hay quá tổng trọng lượng xe, hay quá khối lượng hàng hóa được phép chuyên chở bao nhiêu tấn, quá tải bao nhiêu phần trăm, đối chiếu với Nghị định 46/2016 có bị phạt hay không.
Xe quá tải giảm 21 lần, hiệu quả quản lý tăng lên
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong 3 ngày đầu đưa bộ cân kiểm tra tải trọng xe tự động vào hoạt động, mức xử phạt xe vi phạm về khối lượng toàn bộ (tổng trọng lượng của xe) đã giảm 21,3 lần (từ 6,4% xuống 0,3%) và không có xe vi phạm mức từ trên 30% trở lên.
Cân điện tử sẽ giúp giảm tải thủ tục hành chính và sự tham gia các lực lượng chức năng. Ảnh: Bình Minh
Trong 3 ngày đầu thực hiện thí điểm 15,16,17/8/2020 trên Quốc lộ 5, tổng số xe tải đã được cân kiểm tra là 8.098 xe, trong đó có 24 xe (bằng 0,3%) vi phạm vượt khối lượng toàn bộ >10% (mức bị xử phạt theo quy định tại Điều 33 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Trong đó có 22 xe (bằng 0,27%) vi phạm mức từ trên 10% ÷ 20%; 02 xe (bằng 0,03%) vi phạm mức từ trên 20% ÷ 30%. Đặc biệt là không có xe vi phạm mức trên 30% trở lên.
So với kết quả của 14 ngày đầu tháng 8/2020 (từ ngày 01 đến ngày 14), tổng số xe tải đã được cân kiểm tra là 46.413 xe, trong đó có 2.984 xe (bằng 6,4%) vi phạm vượt khối lượng toàn bộ >10%. Trong đó có 1.907 xe (bằng 4,11%) vi phạm mức từ trên 10% ÷ 20%; 1.036 xe (bằng 2,23%) vi phạm mức từ trên 20% ÷ 50%; 36 xe (bằng 0,07%) vi phạm mức từ trên 50% ÷ 100%; 03 xe vi (bằng 0,006%) phạm mức từ trên 100% ÷ 150%; 02 xe vi (bằng 0,004%) phạm mức từ trên 150%.
"Như vậy, trong 03 ngày đầu đưa bộ cân KTTTX tự động vào hoạt động, số xe vi phạm về khối lượng toàn bộ (tổng trọng lượng của xe), mức bị xử phạt đã giảm 21,3 lần (từ 6,4% xuống 0,3%) và không có xe vi phạm mức từ trên 30% trở lên" - Ông Đặng Văn Chung - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.
Kiểm tra xe quá tải trọng trên một đoạn đường cao tốc. Ảnh: Bình Minh
Bước đầu thí điểm hệ thống cân điện tử tại Quốc lộ 5 cho thấy, thủ tục hành chính và sự tham gia của các lực lượng vào kiểm soát tải trọng xe giảm đáng kể. Tỷ lệ thuận với đó là tỷ lệ vi phạm về xe quá tải trọng. Rõ ràng, đây là giải pháp ứng dụng CNTT vào quản lý nhà nước về lĩnh vực phòng, chống xe quá tải hiệu quả. Vì vậy, sau thời gian thí điểm, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tổng kết đánh giá và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để đưa vào áp dụng đại trà.