Theo thông tin từ Ericsson, thỏa thuận bao gồm cấp phép chéo liên quan đến các công nghệ di động thiết yếu được cấp bằng sáng chế và cấp một số quyền sáng chế khác.
Mặt khác, Ericsson và Apple đã cùng đồng ý tăng cường hợp tác công nghệ và kinh doanh, bao gồm cả phát triển công nghệ, khả năng tương tác và xây dựng tiêu chuẩn.
Thỏa thuận này chấm dứt các vụ kiện do cả hai công ty đệ trình ở một số quốc gia, bao gồm cả tại Tòa án cấp quận Hoa Kỳ của quận phía Đông Texas cũng như các khiếu nại được đệ trình lên Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC).
Doanh thu cấp phép sở hữ trí tuệ (IPR) của Ericsson tiếp tục bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, bao gồm các thỏa thuận cấp phép bằng sáng chế đã hết hạn đang chờ gia hạn, sự chuyển đổi công nghệ từ 4G sang 5G và các tác động tiền tệ cũng như tác động địa chính trị có thể xảy ra trong tương lai.
Những tác động của thỏa thuận với Apple về doanh số bán hàng từ ngày 15/1/2022 và bao gồm cả hoạt động kinh doanh IPR đang diễn ra với tất cả những đơn vị được cấp phép khác, Ericsson ước tính doanh thu từ giấy phép IPR trong quý 4 năm 2022 sẽ là 5,5 - 6,0 tỷ SEK.
Christina Petersson, Giám đốc sở hữu trí tuệ tại Ericsson cho biết: "Chúng tôi rất vui khi giải quyết các vụ kiện tụng với Apple bằng thỏa thuận này. Thỏa thuận này có tầm quan trọng chiến lược đối với chương trình cấp phép 5G của chúng tôi. Điều này sẽ cho phép cả hai công ty tiếp tục tập trung vào việc đưa công nghệ tốt nhất ra thị trường toàn cầu".
Trong nhiều thập kỷ, Ericsson đã đóng góp hàng đầu cho 3GPP (Dự án đối tác thế hệ thứ ba) và phát triển các tiêu chuẩn di động toàn cầu vì lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp ở khắp mọi nơi. Giá trị của danh mục bằng sáng chế với hơn 60.000 bằng sáng chế đã được cấp của Ericsson được củng cố nhờ vị trí hàng đầu của Ericsson với tư cách là nhà cung cấp 5G và khoản đầu tư hàng năm hơn 4 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Công ty tự tin tăng doanh thu IPR của mình với các thỏa thuận 5G mới và bằng cách mở rộng sang các lĩnh vực cấp phép khác trong dài hạn./.