(Ảnh minh họa)
Trong bối cảnh thương mại không chắc chắn, Hiệp định EVFTA được coi là điểm sáng trong lộ trình phục hồi kinh tế Việt Nam. Sau khi được phê chuẩn và có hiệu lực, Hiệp định này sẽ loại bỏ gần như toàn bộ thuế quan, đồng thời mở ra các lĩnh vực mới cho đầu tư. Với lộ trình thực hiện kéo dài một thập kỷ, EVFTA sẽ xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Thị trường EU bao gồm 27 quốc gia, dân số 450 triệu người, GDP hằng năm đạt khoảng 16.000 tỷ USD cho thấy sự rộng lớn và sức hấp dẫn với Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng tốc xuất khẩu qua thị trường này.
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU 41,7 tỷ USD, ngang bằng với kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc. Những thị trường của các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều có sự xuất hiện của các thành viên EU. Trong đó, điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 12,36 tỷ USD; Nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,06 tỷ USD; Nhóm nông lâm thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam (chiếm 15-17% kim ngạch xuất khẩu), chỉ sau Trung Quốc (20-22%); Ngoài ra, dệt may; giày dép; nông sản; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng… đều đang duy trì được kim ngạch hàng tỷ USD.
Cơ hội rộng mở
EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Theo đó, Hiệp định sẽ mang đến cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam cơ hội "truy cập" vào thị trường châu Âu, thị trường rộng lớn với khoảng 450 triệu người tiêu dùng. Ngược lại, người tiêu dùng Việt Nam cũng được tiếp cận với hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao và sáng tạo của châu Âu. EVFTA cũng góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và đưa quốc gia này trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư châu Âu ở châu Á.
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, với cam kết xóa bỏ gần 100% biểu thuế quan, mở cửa thị trường trong thời gian ngắn, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ là cú hích lớn cho tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam. Hiểu một cách đơn giản, nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang các nước châu Âu sẽ được miễn, giảm thuế và người Việt cũng có cơ hội sử dụng các sản phẩm đến từ châu Âu với mức giá thấp hơn nhiều so với hiện tại.
Với ngành giày dép, EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. (Ảnh: Thiên Hương)
Cụ thể, các nhóm ngành hàng quan trọng được hưởng lợi sau khi Hiệp định có hiệu lực đó là: dệt may, giày dép, thủy sản, gạo.
Đối với ngành dệt may, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, 22,7% kim ngạch còn lại sẽ được xóa bỏ sau 7 năm.
Với ngành giày dép, EU cam kết giảm thuế xuống 0% đối với 42,1% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 3 năm và 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực thì tỷ lệ này sẽ lần lượt là 73,2% và 100%.
Về ngành thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên), EU sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 86,5% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong vòng 3 năm, 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm. Đối với cá ngừ đóng hộp, EU dành Việt Nam hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn/năm; đối với cá viên, hạn ngạch thuế quan là 500 tấn/năm.
Với ngành hàng gạo, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm (cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm). Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3 đến 5 năm.
Ngoài ra, đối với các sản phẩm rau quả tươi, rau củ quả chế biến, cà phê, hạt tiêu, túi xách, vali, sản phẩm nhựa, sản phẩm gốm sứ thủy tinh về cơ bản được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Ở chiều ngược lại, hàng hóa của Việt Nam nhập từ các thành viên EU cũng đa dạng. Điển hình như năm 2019, nước ta nhập khẩu mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Iceland với trị giá đến gần 2,3 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dược phẩm; hàng tiêu dùng; ô tô nguyên chiếc; mặt hàng thực phẩm: Trứng, sữa, mật ong, thịt gà, thịt bò, rau củ xứ lạnh… từ các thành viên EU.
Với việc xóa bỏ ngay lập tức 85,6% dòng thuế giữa Việt Nam với EU, nhiều ngành hàng của Việt nam sẽ có lợi thế vì giảm được chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất...
Nhiều ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày, nông sản sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vào EU khi Hiệp định EVFTA thực thi. (Ảnh: TTXVN)
Nhiều thách thức chờ đón
Bên cạnh những cơ hội, thì EVFTA cũng đặt các DN Việt Nam trước hàng loạt thách thức, như việc thực thi các cam kết trong EVFTA về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật...
EU có thu nhập đầu người 36.000 USD/năm, cao hơn 3 lần thu nhập đầu người của Trung Quốc là 10.000 USD nên đây là thị trường khó tính, đòi hỏi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn của các quốc gia EU mới tận dụng được thời cơ của EVFTA.
Theo các cam kết kèm theo thì DN có thể gặp phải khó khăn khi đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA. Thông thường, hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU và/hoặc Việt Nam). Đây là một thách thức lớn đối với các DN Việt bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước trong ASEAN. Thêm vào đó là các yêu cầu bắt buộc về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường... của EU rất khắt khe và không dễ để đáp ứng.
Bên cạnh đó, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, sẽ tạo ra sức cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, DN và hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.
Ngoài ra, khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ nữa, DN ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp như chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa và nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại rất lớn.
Đặc biệt, Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, hiện tại, hiểu biết về Hiệp định EVFTA của cộng đồng DN Việt Nam không nhiều. Hơn nữa, khả năng thay đổi để thích hợp với EVFTA cũng khá hạn chế khi có tới 40% DN khó cải thiện điều kiện lao động; 55% DN khó đầu tư vào công nghệ mới; 59% DN khó đáp ứng yêu cầu nội địa hóa…
Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh mà EVFTA mang lại được nhận định là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. EVFTA là cơ hội, nhưng cũng là sức ép hợp lý để các DN Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Do đó, để khai thác hiệu quả lớn từ Hiệp định EVFTA, DN cần chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm nâng cao sức cạnh tranh thông qua việc xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản. Nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ, học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.
Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường Việt Nam để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam. Cùng đó, các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới.