Vì điều này, thời gian qua Bộ TT&TT đã cùng các đơn vị tổ chức nhiều chương trình hỗ trợ nhiều DN thực hiện việc CĐS và sử dụng các nền tảng SMEdx, đến nay đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Gần 500.000 DN sử dụng nền tảng SMEdx
Cụ thể, theo Bộ TT&TT, tính đến tháng 9/2022, tổng số SME tiếp cận nền tảng SMEdx tại Việt Nam đạt trên 490.000 DN, chiếm 61% tổng số DN trên cả nước, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/tháng.
Điển hình trong việc tiếp cận, sử dụng các nền tảng SMEdx, tính đến hết tháng 9/2022, tỷ lệ các DN tham gia 9 nhóm nền tảng xuất sắc của Chương trình SMEdx như sau: Nền tảng quản trị tổng thể DN (39,8%); nền tảng nhân sự, tổ chức (17%); nền tảng du lịch, khách sạn (16%); nền tảng hạ tầng công nghệ (14%), nền tảng kế toán tài chính (10%); nền tảng quảng cáo, tiếp thị, chăm sóc khách hàng (1,2%); nền tảng giáo dục trực tuyến (0,7%); nền tảng vận tải, logistic (0,5%); nền tảng an toàn, an ninh mạng (0,3%) và nền tảng mạng xã hội (0,1%).
Cùng với đó, để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa triển khai CĐS hiệu quả, Chương trình SMEdx do Bộ TT&TT phát động, thực hiện cũng đã cam kết cung cấp từ 3 - 6 tháng miễn phí cho các SME có quy mô dưới 50 người - điều này chính là một nỗ lực thể hiện quyết tâm cao của Bộ TT&TT trong mục tiêu hướng đảm bảo tăng cường số lượng các DN SME dễ dàng tiếp cận các nền tảng SMEdx.
"Nhờ điều thực hiện tốt điều này, tính hết tháng 9/2022, tổng số SME sử dụng các nền tảng của Chương trình SMEdx đã đạt trên 62.000 DN, chiếm 13% tổng số lượng SME tiếp cận chương trình. Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng tháng khoảng 15%", theo phân tích của Bộ TT&TT.
Đặc biệt, cũng theo Bộ TT&TT trong mục tiêu tổng thể của Chương trình SMEdx, khi các SME sử dụng nền tảng số, sẽ yên tâm, dễ dàng, không cần đầu tư vận hành nhưng vẫn đảm bảo an toàn, hiệu quả liên thông các quy trình vận hành của DN.
Có sự chênh lệc về tỷ lệ sử dụng nền tảng SMEdx tại các địa phương
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực đạt được, đến nay, theo Bộ TT&TT vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Đó là tỷ lệ các SME sử dụng các nền tảng SMEdx đang có sự chênh lệch lớn giữa các tỉnh, thành phố.
Một số địa phương đứng đầu về tỷ lệ SME sử dụng nền tảng SMEdx trên tổng số DN sử dụng các nền tảng SMEdx bao gồm: Hà Nội (34%), Hồ Chí Minh (32,7%), Đà Nẵng (11,5%), Cà Mau (7,5%), Bình Dương (2,5%).
Đối nghịch với các địa phương có tỷ lệ cao là nhóm DN tham gia thấp phải kể đến như: Điện Biên, Hòa Bình, Tây Ninh, Hậu Giang. Mới chỉ có số ít SME sử dụng nền tảng SMEdx trên địa bàn các địa phương này.
Chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu của hai tình trạng trên, Bộ TT&TT nêu: Các địa phương có tỷ lệ SME sử dụng nền tảng số SMEdx cao cơ bản là các địa phương trải qua đợt đại dịch COVID-19 khá nặng nề, do đó nhận thức của các DN về CĐS đều rất cao.
Đặc biệt, các địa phương này tập trung số lượng lớn các SME và các DN có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin, các chính sách cũng như công nghệ CĐS. Các địa phương cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN CĐS.
Ví dụ, TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch "Hỗ trợ CĐS cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025" hướng tới đối tượng hỗ trợ là các DN nhỏ và vừa được xác định tại Điều 5 Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021, đăng ký trụ sở chính trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhu cầu hỗ trợ CĐS. Dự kiến kinh phí thực hiện hỗ trợ DN CĐS là 315,164 tỷ đồng; trong đó, ngân sách thành phố chi 195,364 tỷ đồng, còn lại DN đóng góp và huy động từ các nguồn khác là 119,8 tỷ đồng. Hà Nội nâng cấp, xây dựng, tích hợp, vận hành kênh thông tin CĐS tại Cổng thông tin hỗ trợ DN tại địa chỉ http://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn.
Đối với các địa phương tiếp cận, sử dụng các nền tảng SMEdx tỷ lệ thấp là do hạn chế về địa lý - các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn gặp nhiều trở ngại trong công tác hỗ trợ CĐS, tiếp cận các nền tảng số để phát triển DN, trong đó chủ yếu vẫn là về nhận thức và năng lực của DN.
Cũng theo Bộ TT&TT việc hiểu, hình dung và nhận thức được các thay đổi đang diễn ra sẽ ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của DN là điều chưa dễ dàng và phần lớn DN tại địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ số.
"Do đó, DN sẽ cần nhiều thời gian hơn để quyết định thực hiện có CĐS hay không. Sự hạn chế của DN xuất phát từ việc không chắc chắn về lợi nhuận đầu tư công nghệ, năng lực sử dụng công nghệ trong nội bộ còn yếu, tài chính hạn hẹp và khó khăn trong thay đổi mô hình vận hành", Bộ TT&TT nhận định.
Để phát huy hơn nữa những kết quả tích cực đạt được và khắc phục những hạn chế, Bộ TT&TT đưa ra đề xuất: Đối với các bộ, ngành cần xây dựng, thực hiện đúng tiến độ,lộ trình đối với các SME thuộc lĩnh vực mình phụ trách, đảm bảo tỷ DN sử dụng SMEdx đạt trên 50% vào năm 2025 theo Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; quyết liệt chỉ đạo việc sử dụng các nền tảng số quốc gia dùng chung, liện kết, mở, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với các nền tảng số quốc gia nhằm đồng bộ, liên thông, tạo hệ sinh thái chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; xây dựng mạng lưới lãnh đạo công nghệ thông tin trong từng cộng đồng SME trong lĩnh vực quản lý để giới thiệu và hướng dẫn sử dụng các nền tảng số dùng chung.
Đối với các địa phương, UBNDcác tỉnh, thành phố cần tăng cường bố trí nguồn lực để hỗ trợ cho SME trong địa phương tham gia Chương trình SMEdx; tổ chức thông tin, tuyên truyền về CĐS cho DN thông qua các báo, đài, hệ thống thông tin cơ sở và các tổ công nghệ số cộng đồng.
Đối với các hội, hiệp hội, cơ quan, tổ chức liên quan đến DN cần phối hợp với mạnh mẽ với Bộ TT&TT để triển khai các hoạt động tập huấn, đào tạo cho các DN về CĐS, tuyên truyền, vận động các DN tham gia Chương trình SMEdx, sử dụng hiệu quả các nền tảng số SMEdx…
DN nhận lợi ích do nền tảng SMEdx tạo ra
Bên cạnh những phân tích, đề xuất nêu trên, khi đưa ra báo cáo về chủ đề DN SME thực hiện SMEdx hiệu quả, Bộ TT&TT cũng nêu ra điển hình DN thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng trên như: Công ty cổ phần Đại Thành Vinh đã triển khai kinh doanh mạng lưới nhanh chóng nhờ nền tảng CĐS MISA AMIS.
Theo đó, đơn vị này khi sử dụng nền tảng CĐS MISA AMIS, bước đầu có những bước chuyển dịch trong chiến lược bán hàng khi đưa hình thức kinh doanh mạng lưới vào hoạt động.
Thông qua nền tảng MISA AMIS đã cung cấp cho đơn vị cả 2 nền tảng: Kế toán và quản lý bán hàng (CRM) - điều này giúp Đại Thành Vinh thực hiện mọi quy trình vận hành trực tuyến, tạo bước tiến mới trong quản lý, kinh doanh.
Cũng thông qua nền tảng MISA AMIS đã giúp Đại Thành Vinh đáp ứng đầy đủ các phương pháp tính giá thành khác nhau, cho phép tính giá thành cho từng sản phẩm, đơn hàng và hợp đồng, giúp việc tính toán và quản lý nhanh và tiện lợi hơn.
Cán bộ quản lý khi sử dụng nền tảng MISA AMIS có thể theo dõi, làm việc trực tuyến mọi lúc, mọi nơi trên các thiết bị như điện thoại, máy tính bảng, laptop cá nhân, xử lý công việc tức thời phát sinh ngay cả khi ở ngoài.
"Bên cạnh đó, DN sử dụng MISA AMIS không cần tốn chi phí thuê máy chủ riêng mà tất cả dữ liệu sẽ được lưu trữ lại trên hệ thống điện toán đám mây nên vừa đơn giản, dễ kiểm soát lại có mức độ bảo mật cao", ưu điểm, lợi ích do SMEdx tạo ra./.