Gặp gỡ nữ sáng lập startup edtech muốn học sinh Việt Nam vươn tầm

Hoàng Linh| 18/10/2021 17:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Cũng giống như các nước châu Á và khu vực Đông Nam Á khác, Việt Nam quan tâm lớn đến giáo dục. Tuy nhiên, các chương trình giảng dạy cần tiếp tục được cải tiến và tăng cường giáo viên có trình độ cho các môn học quan trọng như khoa học máy tính.

Mới đây trang công nghệ Techinasia đã giới thiệu về Đào Lan Hương, người sáng lập và chủ tịch điều hành của Teky, một công ty khởi nghiệp edtech Việt Nam với nỗ lực trang bị cho học sinh sẵn sàng tham gia nền kinh tế số.

Đào Lan Hương chia sẻ: Có một khoảng cách lớn giữa những gì được giảng dạy trong lớp học và nhu cầu của lực lượng lao động. Công ty có triết lý giáo dục tập trung vào khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học (STEAM), giúp học sinh trở nên ham học hỏi và tìm kiếm các giải pháp sáng tạo cho những vấn đề trong thế giới thực.

Gặp gỡ nữ sáng lập startup edtech muốn học sinh Việt Nam vươn tầm - Ảnh 1.

Đào Lan Hương, người sáng lập và chủ tịch điều hành Teky (Ảnh: Teky)

Nếu khoảng cách này tiếp tục mở rộng, 78% lực lượng lao động của Việt Nam sẽ có nguy cơ mất việc làm trong vòng hai thập kỷ tới khi nền kinh tế toàn cầu vượt ra ngoài lao động phổ thông giá rẻ.

Sự ra đời của Teky

Năm 2016, Đào Lan Hương đã tham dự nhiều hội nghị quốc tế khác nhau để học hỏi từ các nhà sáng lập edtech có trụ sở tại các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Singapore và Australia. Trong những cuộc trò chuyện đó, cô nhận thấy một số vấn đề chính trong lĩnh vực giáo dục của Việt Nam.

"Tôi thấy rằng cơ sở hạ tầng giáo dục của các nước khác so với Việt Nam. Ở các nước phát triển, họ có thể cung cấp các chương trình trong trường học. Nhưng ở Việt Nam, cơ sở hạ tầng trường học phần nào chưa đáp ứng. Có máy tính thậm chí chưa thể cài đặt phần mềm. Ngoài ra, hầu hết các tài liệu học tập của Việt Nam trước đây đều hướng đến học sinh lớn tuổi hơn, khiến các em nhỏ tuổi khó theo kịp các lớp học".

Quyết tâm giải quyết những thách thức đó, Đào Lan Hương đã thí điểm lớp học lập trình và robot của riêng mình, dựa trên hai tài nguyên phổ biến dành cho trẻ nhỏ là Scatch của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) để học lập trình và các bộ lego như Lego WeDo và Lego Mindstorms dành cho robot.

Gặp gỡ nữ sáng lập startup edtech muốn học sinh Việt Nam vươn tầm - Ảnh 2.

Học sinh tham gia lớp học chế tạo robot bằng lego (Ảnh: Teky)

Lớp học thí điểm đã thành công tốt đẹp. Trong vòng 6 tháng, lớp học đã thu hút hơn 20 học sinh khi cha mẹ mong muốn đăng ký cho con mình các khóa học lập trình và chế tạo robot.

Ngay sau khi chương trình thử nghiệm kết thúc, Đào Lan Hương đã mở một trung tâm giảng dạy tại Hà Nội, đánh dấu sự ra đời chính thức của Teky - nền tảng giáo dục STEAM đầu tiên với các giải pháp cho trẻ em từ 5 - 18 tuổi tại Việt Nam. Từ năm 2017 - 2019, công ty tiếp tục mở thêm 15 trung tâm trên toàn quốc, phục vụ hơn 30.000 học viên hiện nay.

Ứng dụng công nghệ mới

Để phục vụ cho các học sinh mới, startup này đã mở rộng các dịch vụ và bổ sung các lớp học về phát triển ứng dụng, web, kỹ thuật và người máy cũng như in 3D. Là một phần của triết lý STEAM, các khóa học này kết hợp những ví dụ thực tiễn và mô hình học tập theo dự án để trang bị cho học sinh các kỹ năng giao tiếp và hợp tác, Đào Lan Hương chia sẻ.

Những nỗ lực này đã không vô ích, các học sinh đã cán đích đầu tiên tại cuộc thi lập trình ứng dụng di động AppJamming tại Việt Nam, một cuộc thi quốc tế dành cho các nhà phát triển ứng dụng bằng phần mềm dành cho trẻ từ 8 - 16 tuổi trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cùng năm đó, một trong những học sinh của Teky cũng đã giành được giải thưởng Ứng dụng sáng tạo nhất tại vòng chung kết châu Á AppJamming Summit ở Hồng Kông.

Gặp gỡ nữ sáng lập startup edtech muốn học sinh Việt Nam vươn tầm - Ảnh 3.

Một trong những trung tâm học tập của Teky ở Hà Nội (Ảnh: Teky)

Đầu năm nay, Teky cũng đã ra mắt Toppy, một nền tảng trực tuyến sử dụng phân tích dữ liệu lớn để cải thiện cách thức giảng dạy của các lớp học bằng cách cá nhân hóa tài liệu học tập và trao quyền tự học trực tuyến cho sinh viên trên khắp Việt Nam.

"Chúng tôi muốn thay đổi trải nghiệm học tập từ cách truyền thống bằng cách sử dụng AI để cá nhân hóa các mô hình học tập để học sinh có thể có kết quả tốt hơn", Đào Lan Hương chia sẻ.

Theo Đào Lan Hương, tính hiệu quả của nền tảng này đã chưa được chú ý cho tới khi Toppy có số lượt tải xuống cao thứ ba trong số các ứng dụng giáo dục K-12 (hệ phổ thông 12 năm) trên cả thiết bị Apple và Android.

Đứng trên vai những người khổng lồ

Tuy nhiên, Đào Lan Hương cho biết việc mở rộng quy mô và xây dựng Teky cũng gặp nhiều thách thức. Một trong những bước nhảy vọt quan trọng mà công ty thực hiện là chuyển các lớp học sang định dạng trực tuyến, đặc biệt đúng vào dịp các trường học và trung tâm đào tạo phải đóng cửa do đại dịch COVID-19 vào năm ngoái. Hơn nữa, Đào Lan Hương nhận thấy Việt Nam còn thiếu nhiều giải pháp trong việc tổ chức các bài học trực tuyến và muốn Teky cũng có thể giải quyết lĩnh vực này.

Tìm cách thúc đẩy học tập trực tuyến, Teky đã tiến hành nghiên cứu và tìm thấy một nền tảng công nghệ ở Bắc Kinh cung cấp các giải pháp phát trực tiếp (livestreaming) với các công cụ được điều chỉnh đặc biệt cho học sinh và giáo viên. Tuy nhiên, Teky đã gặp khó khăn khi bắt đầu hợp tác vì không có thời gian và nhân lực để giải quyết những khó khăn do COVID-19 mang lại.

Đào Lan Hương đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ Conrad Tsang, người sáng lập và chủ tịch của Strategic Year, một công ty đầu tư tư nhân có trụ sở tại châu Á với các kết nối toàn cầu. Năm 2020, Strategic Year đã đầu tư vào Teky và trở thành nhà đầu tư bên ngoài đầu tiên của startup này, mặc dù công ty đã hợp tác với Teky từ năm 2019.

Gặp gỡ nữ sáng lập startup edtech muốn học sinh Việt Nam vươn tầm - Ảnh 4.

Conrad Tsang (phải), sáng lập và chủ tịch của Strategic Year và Đào Lan Hương (trái) (Ảnh: Strategic Year)

Đào Lan Hương biết Strategic Year có những mối quan hệ tại thị trường Trung Quốc để giúp cô đạt được thỏa thuận. Tsang đã giúp Teky kết nối với nền tảng ở Bắc Kinh để khởi động bàn thảo. Sau một số thương lượng - với Strategic Year đóng vai trò trung gian - cuối cùng Teky đã được cấp phép công nghệ và triển khai nó trên nền tảng của riêng mình.

Bằng cách sử dụng các công cụ này, Teky đã tổ chức các bài học được phát trực tiếp với các tính năng như bảng đen tương tác mà cả học sinh và giáo viên đều có thể vẽ trên đó. Nền tảng này cũng dựa vào kinh nghiệm của Strategic Year trong lĩnh vực giáo dục toàn cầu để bắt kịp các xu hướng mới nhất của ngành, đặc biệt là khi ra mắt sản phẩm và khám phá các thị trường mới.

Mở rộng thị trường

Trong tương lai, Teky dự định trở thành nền tảng công nghệ giáo dục hàng đầu với giáo dục STEAM làm nền tảng. "Chúng tôi muốn đóng vai trò đầu tàu trong việc đổi mới hệ thống giáo dục Việt Nam".

Ngoài ra, Teky cũng đang tìm cách mở rộng sang các thị trường khác như Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan và Philippines, những quốc gia có hệ thống giáo dục có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, Đào Lan Hương cho hay.

Khi cơ sở hạ tầng giáo dục của Việt Nam ngày càng tiến bộ, Đào Lan Hương tin tưởng Teky đã sẵn sàng để tận dụng tối đa các cơ hội từ doanh nghiệp (DN) đến người tiêu dùng trong quá trình học tập ở giai đoạn đầu cho trẻ em dưới 5 tuổi. Các trường học cũng sẽ phải số hóa nội dung và cập nhật chương trình giảng dạy, điều này có thể tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh với DN hơn, vì các công ty edtech khác chưa có các môn học STEAM, Đào Lan Hương chia sẻ thêm.

Đào Lan Hương nhấn mạnh rằng khi thế giới phát triển và các công nghệ mới như AI, thực tế ảo và robot ngày càng trở nên phổ biến, hệ thống giáo dục của Việt Nam sẽ phải thay đổi song song để đảm bảo lực lượng lao động của mình có thể thích ứng và cạnh tranh với nhân tài từ các thị trường khác.

"Xu hướng giáo dục trong tương lai không chỉ là số hóa nội dung mà còn là tất cả những công nghệ mới mà sinh viên có thể tìm hiểu. Học sinh của chúng tôi có quyền học những điều tốt nhất", bà Đào Lan Hương chia sẻ./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Gặp gỡ nữ sáng lập startup edtech muốn học sinh Việt Nam vươn tầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO