GapoWork không cạnh tranh với Base, 1Office mà hướng đến việc xây dựng văn hoá DN

Thế Phương| 10/06/2021 07:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo ông Hà Trung Kiên, CEO Gapo, mô hình GapoWork không cạnh tranh với 1Office hay Base - những sản phẩm hướng đến việc quản trị doanh nghiệp (DN). GapoWork đi vào vấn đề cốt lõi, đó là kết nối và phát triển con người, từ đó giúp các công ty xây dựng nền tảng giao tiếp nội bộ cho DN.

Tiên phong trong nền tảng giao tiếp nội bộ cho DN

Cuối tháng 5/2021, nền tảng giao tiếp nội bộ "Make in Vietnam" GapoWork đã chính thức được ra mắt với các tính năng như chat nhóm, livestream, gọi audio/video HD... giúp DN có thể làm việc từ xa một cách dễ dàng trong thời điểm phải làm việc từ xa do dịch Covid-19. Đây được cho là một câu trả lời cho bài toán mà Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra cho các DN công nghệ số tại Hội nghị giao ban Quản lý nhà nước Quý 1/2021. Cụ thể, Bộ trưởng đã đặt ra bài toán về mạng xã hội thế hệ mới, trong đó có câu chuyện về mạng xã hội DN phục vụ truyền thông nội bộ (Enterprise Social Networking  - ESN).

Chia sẻ về lý do ra mắt nền tảng giao tiếp nội bộ GapoWork, ông Hà Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty CP  công nghệ Gapo cho biết, việc ra đời xuất phát từ nhu cầu thực tế, khi bản thân ông Kiên cũng là người đứng đầu DN. Để rồi, đội ngũ ban lãnh đạo Gapo luôn đau đáu một điều là làm thế nào chúng ta có thể kết nối được toàn bộ đội ngũ nhân sự, các phòng ban gắt kết chặt chẽ, tối ưu được hiệu suất vận hành, xây dựng văn hoá DN mạnh mẽ. "Từ nhu cầu đó và với nền tảng mạng xã hội Gapo, chúng tôi cho ra đời GapoWork - nền tảng giao tiếp dành cho DN", ông Kiên bày tỏ.

Cũng theo ông Kiên, mặc dù, trên thế giới hiện nay cũng đã có những mô hình tương tự nhưng tại Việt Nam, để tiếp cận được mô hình này lại khá khó khăn vì những nền tảng đó được tạo ra không phải là dành riêng cho người Việt - không phù hợp cũng như là khó khăn trong quá trình sử dụng vì không có đội ngũ hỗ trợ và chi phí cũng khá là lớn đối với các DN Việt Nam. "Còn tại Việt Nam chưa có mô hình tương tự như vậy và GapoWork là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực thiết yếu này", ông Kiên chia sẻ thêm.

GapoWork không cạnh tranh với Base, 1Office mà hướng đến việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp - Ảnh 1.

CEO Gapo Hà Trung Kiên: Tại Việt Nam chưa có mô hình tương tự cho DN và GapoWork là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực thiết yếu này.

Khi được hỏi về mối liên hệ giữa Gapo và Gapowork khi 2 mạng xã hội này đang nhắm đến những tập khách hàng khác nhau, ông Kiên cho rằng, công ty muốn Gapo và GapoWork trở thành một thương hiệu quen thuộc và thiết yếu trong lòng người Việt. Mạng xã hội Gapo đã có được những thành công nhất định với đời sống giải trí nên đội ngũ phát triển quyết định chọn cái tên GapoWork vừa để dành cho thời gian làm việc vừa là một sự quen thuộc đối với người Việt Nam. Ngoài ra, việc đặt tên như một hệ sinh thái cũng giúp khách hàng có thể biết đến và trải nhiệm cả hai nền tảng này nhiều hơn.

Sau 2 năm phát triển, mục tiêu của Gapo vẫn đang trên con đường mà công ty đã đặt ra. "Chúng tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quá trình phát triển sản phẩm mạng xã hội Gapo. Do đó, GapoWork là hướng đi mới trên con đường hoàn thành mục tiêu và sứ mệnh của mình: Sản phẩm của người Việt và vì người Việt", ông Kiên bày tỏ.

Nhận xét về việc xây dựng văn hoá nội bộ của DN hiện nay, ông Kiên cho rằng, theo quan sát, hiện có 2 trường phái DN, một là chú trọng ngay việc phát triển con người đội ngũ ngay từ đầu để có nền tảng vững chắc, hai là cần phải đủ sống đã rồi mới quay lại xây dựng văn hoá và gắn kết đội ngũ. "GapoWork tập trung vào các DN chú trọng vào việc phát triển con người, kết nối, xây dựng đội ngũ gắn kết và xây dựng văn hoá DN", ông Kiên nói.

GapoWork không cạnh tranh với Base, 1Office mà hướng đến việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp - Ảnh 2.

Một trong số những quan điểm phát triển văn hoá DN mà đội ngũ lãnh đạo Gapo tâm đắc.

Mục tiêu trong năm 2021 sẽ có 100.000 người dùng

Cũng theo ông Kiên, với sự kế thừa của nền tảng mạng xã hội Gapo, công ty đã đi nhanh hơn rất nhiều trong quá trình phát triển và ra mắt nền tảng GapoWork. Trong quá trình thử nghiệm, đội ngũ phát triển cũng rất may mắn là được áp dụng ở các công ty có quy mô nhân sự lớn và tích cực cải tiến dựa trên những phản hồi thực tế của các doanh nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, GapoWork cũng đã có hàng trăm DN đăng ký sử dụng, giúp họ giải quyết được bài toán kết nối, tiết kiệm được thời gian, chi phí, tăng hiệu suất vận hành cũng như xây dựng văn hoá doanh nghiệp mạnh mẽ.

Trong năm 2021, GapoWork đặt mục tiêu có 100.000 người dùng. Mục tiêu của GapoWork cũng rất tham vọng khi muốn đi đầu thị trường Việt Nam và trong khu vực nên sẽ còn nhiều khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, đội ngũ lãnh đạo hoàn toàn tự tin vào sản phẩm và đội ngũ con người của Gapo.

Về kế hoạch trong thời gian tới, bên cạnh việc tối ưu các tính năng hiện có của phiên bản miễn phí, GapoWork sẽ triển khai phiên bản nâng cao với các tính năng ưu việt hơn như: Đo NPS (Net Promoter Score - chỉ số đo lường sự hài lòng khách hàng), Các tối ưu cho mô hình Tập đoàn, Đánh giá nhân sự 360, Tạo khảo sát định kỳ, Thống kê và biểu đồ… và tập trung vào các tính năng giúp mọi người được kết nối, DN có thể tối hiệu được hiệu suất của vận hành của DN mình.

GapoWork không cạnh tranh với Base, 1Office mà hướng đến việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp - Ảnh 3.

GapoWork sẽ có 2 phiên bản miễn phí và nâng cao. Trong năm 2021, nền tảng này đặt mục tiêu có 100.000 người dùng.

Ông Kiên cho rằng, mặc dù ở Việt Nam cũng có một số nên tảng phục vụ nội bộ cho DN nhưng thiên về quản trị, quản lý nhân sự nhiều hơn là việc kết nối mọi người trong tổ chức hay xây dựng văn hoá DN.

Còn Facebook Workplace, do đây là sản phẩm quốc tế nên có những điểm chưa thể áp dụng hoặc áp dụng không triệt để được với con người, văn hoá DN Việt Nam. Đồng thời, việc không có đội ngũ hỗ trợ trực tiếp và chi phí cũng là một điều khiến các DN phải suy nghĩ khi sử dụng.

Với GapoWork, do lợi thế là DN Việt, hiểu rõ về con người, môi trường văn hoá làm việc của người Việt nên nền tảng này hiểu các DN cần gì và đặc biệt chúng tôi hoàn toàn cung cấp miễn phí cho các DN. Từ đó, công ty sẽ có những tính năng cao cấp hơn để các DN tuỳ chọn nâng cấp với chi phí cực kì hợp lý trong thời gian tới.

Trước câu hỏi về việc tại sao lại ra mắt sản phẩm thời điểm này, ông Kiên cho rằng, với nền tảng mạng xã hội phục vụ cho hơn 6 triệu người dùng, GapoWork sẽ kế thừa rất nhiều về mặt công nghệ cũng như có đủ độ chín về sản phẩm, về trải nghiệm người dùng.

Chưa kể đến, thời điểm dịch như hiện nay, các lãnh đạo DN muốn tìm kiếm giải pháp hỗ trợ. Họ sẽ nắm bắt được nhịp độ vận hành của tổ chức mình, một công cụ có thể kết nối mọi người dù họ ở bất kỳ đâu thì vẫn đảm bảo tổ chức được kết nối, mọi người vẫn đang chung một mục tiêu, một tầm nhìn.

GapoWork không cạnh tranh với 1Office hay Base mà tập trung vào kết nối và phát triển con người, giúp các công ty xây dựng nền tảng văn hoá doanh nghiệp mạnh mẽ.

GapoWork không cạnh tranh với 1Office hay Base mà tập trung vào kết nối và phát triển con người, giúp các công ty xây dựng nền tảng văn hoá DN mạnh mẽ.

"Chúng tôi không cạnh tranh với 1Office hay Base vì sản phẩm của họ là dành cho quản trị DN. GapoWork đi vào vấn đề cốt lõi của DN là tập trung vào kết nối và phát triển con người, giúp các công ty xây dựng nền tảng văn hoá DN mạnh mẽ", ông Kiên nói.

Ông Kiên cho rằng, mặc dù chuyển đổi số (CĐS) đang được "người người, nhà nhà" nhắc đến nhưng Gapo xác định xây dựng GapoWork để phát triển bền vững thay vì chạy theo xu hướng. GapoWork tự tin sẽ giúp các DN Việt Nam tối ưu được chi phí vận hành, kết nối được mọi người trong công ty và tổ chức, phát triển văn hoá DN một cách tự nhiên và mạnh mẽ, tăng được hiệu suất các hoạt động vận hành.

Cần sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm đối với mô hình hình kinh doanh mới

CEO Gapo cho rằng các chính sách "Make in Vietnam" được ra đời gần đây là một sự thay đổi quan trọng, kịp thời và cần thiết cho ngành công nghệ nói riêng và quá trình CĐS quốc gia nói chung. Cơ quan quản lý đã có những chủ trương, chính sách, chương trình hành động liên quan đến CĐS nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển DN công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về CNTT sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. 

Tuy nhiên, các chính sách hiện mới có tính chất vạch ra đường lối và định hướng hành động. "Tôi hy vọng thời gian tới Nhà nước sẽ cụ thể hóa bằng việc hoàn thiện, bổ sung các văn bản pháp luật để thực sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm "Make in Việt Nam" nói chung và mạng xã hội Việt nói riêng phát triển", ông Kiên nhấn mạnh.

GapoWork không cạnh tranh với Base, 1Office mà hướng đến việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp - Ảnh 5.

Gapo đề xuất cơ quan quản lý sớm ban hành các chính sách ưu đãi về đầu tư, điều kiện kinh doanh... để khuyến khích DN phát triển sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới.

Về kiến nghị đối với cơ quan quản lý, đứng từ góc nhìn của một đơn vị đang vận hành một mạng xã hội Việt, ông Kiên mong muốn thời gian tới cơ quan quản lý sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến đóng góp liên quan đến xây dựng văn bản pháp luật từ những DN như Gapo nói riêng và các DN đang sản xuất các sản phẩm, dịch vụ "Make in Việt Nam" nói chung. 

Một số bổ sung, thay đổi mà cơ quan quản lý có thể cân nhắc như việc ban hành các chính sách ưu đãi về đầu tư, điều kiện kinh doanh, và các nghĩa vụ tài chính (thuế, bảo hiểm) để khuyến khích các DN Việt Nam phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số, Internet và không gian mạng. Đồng thời, cần đưa ra định nghĩa, điều kiện để các DN được coi là sản xuất sản phẩm, dịch vụ Make in Việt Nam thuộc phạm vi được ưu đãi.

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; Sửa đổi quy định pháp luật về đầu tư để tạo điều kiện cho việc thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư vào các DN sản xuất sản phẩm, dịch vụ Make in Việt Nam; Sửa đổi các quy định pháp luật để tạo ra một môi trường kinh doanh thực sự công bằng giữa các sản phẩm, dịch vụ "Make in Việt Nam" đối với các sản phẩm, dịch vụ nước ngoài và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
GapoWork không cạnh tranh với Base, 1Office mà hướng đến việc xây dựng văn hoá DN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO