Theo đó hơn 7.200 hộ thuộc các đối tượng chính sách xã hội được nhận đầu thu từ nguồn hỗ trợ của tỉnh. Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ đầu thu từ nguồn viễn thông công ích do Bộ TT&TT thực hiện.
Từ trung tuần tháng 11 đến nay, việc lắp đặt đầu thu cho các hộ thuộc các đối tượng chính sách xã hội đang được khẩn trương thực hiện nhằm đảm bảo cho các hộ có thể xem được truyền hình khi thực hiện việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự để chuyển sang truyền hình số.
Gia đình anh Rơ Chăm Lun ở làng D, xã Gào, TP.Pleiku là 1 trong những hộ thuộc đối tượng chính sách xã hội vừa được lắp đặt đầu thu truyền hình số. Mặc dù chỉ mới tiếp nhận, bàn giao đầu thu để sử dụng nhưng gia đình anh cảm thấy rất phấn khởi vì so với trước đây thì chất lượng hình ảnh, âm thanh trên truyền hình rõ nét hơn rất nhiều và lại có nhiều kênh để gia đình có thể theo dõi thông tin và giải trí những lúc rảnh rỗi.
Anh Lun vui vẻ nói: Hồi xưa ănten lắp ngoài trời lòng thòng. Giờ ănten lắp trong nhà nhiều kênh, xem được nhiều kênh, gia đình rất phấn khởi.
Qua thống kê, toàn tỉnh có hơn 7.200 hộ thuộc đối tượng chính sách xã hội được hỗ trợ đầu thu truyền hình số. Để đảm bảo cho các hộ có thể xem được truyền hình khi tỉnh kết thúc phát sóng truyền hình tương tự để chuyển sang truyền hình số mặt đất, từ giữa tháng 11 đến nay, đơn vị lắp đặt đã cử nhân công lắp đặt đầu thu truyền hình số cho các đối tượng được thụ hưởng ở 17/17 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đến thời điểm này đã lắp đặt đầu thu cho gần 3.000 hộ. Trong quá trình lắp đặt, bàn giao, đơn vị thi công cũng hướng dẫn người dân cách sử dụng nhằm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và độ bền lâu của đầu thu trong quá trình sử dụng.
Ông Jah – Làng Mrah, xã Kdang, huyện Đak Đoa bày tỏ: "Cảm ơn nhà nước lắp đặt đầu thu được nhiều kênh, gia đình cảm ơn nhà nước. Mình biết thông tin của Nhà nước, xem học hỏi, làm ăn kinh tế. Mình sẽ cố gắng bảo quản máy thu cho bền".
Ông Phạm Công Trường – Phó Giám đốc Kỹ thuật, Chi nhánh Viettel Gia Lai cho biết: "Để đảm bảo chất lượng thì ăn ten giữ nguyên vị trí để đảm bảo hình ảnh rõ nét, tiếng động tốt. Đối với đầu thu, trên remote khi hết pin thì bà con thay pin mới, khi không có nhu cầu sử dụng thì bà con rút dây luôn để phòng mưa dông, sấm sét và đầu thu đã cài đặt thì bà con không được chỉnh, cài đặt đầu thu, vì cài lại đầu thu dẫn đến sai tần số, dẫn đến việc không xem được hình ảnh, chất lượng nó kém hơn".
Ngoài việc lắp đặt đầu thu cuốn chiếu theo từng thôn, làng, Sở TT&TT đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành đạt và vượt kế hoạch lắp đặt đầu thu cho các hộ thuộc đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 này. Theo đó, tùy theo từng vùng, các hộ dân được lắp đặt đầu thu truyền hình số mặt đất (DVB-T2) gồm 9 kênh. Đối với những vùng không thu được truyền hình số mặt đất được lắp đặt đầu thu truyền hình số vệ tinh gồm 16 kênh.
Ông Nguyễn Văn Minh – Trưởng Phòng Bưu chính – Viễn thông, Sở TT&TT nói: "Khuyến cáo bà con đầu thu này không được cho, tặng bất cứ ai và chỉ phục vụ trong gia đình mình. Đầu thu này sẽ bảo hành trong vòng 12 tháng kể từ ngày lắp đặt, bàn giao. Trên đầu thu cũng thể hiện rõ số điện thoại hỗ trợ, khi gặp trục trặc thì bà con điện thoại vào số đó để được bảo hành, bảo trì trong vòng 24 giờ".
Đối với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS còn nhiều khó khăn, sau những giờ lên nương lên rẫy thì chiếc tivi chính là người bạn đồng hành giúp người dân nắm bắt thông tin và giải trí. Chính vì vậy, việc được lắp đặt đầu thu truyền hình số với nhiều kênh phong phú sẽ góp phần giúp người dân nâng cao đời sống văn hóa-tinh thần. Trong thời gian tới, việc lắp đặt đầu thu cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng sẽ được thực hiện nhằm đảm bảo cho 100% số hộ trên địa bàn tỉnh được xem truyền hình bằng các phương thức khác nhau khi tỉnh Gia Lai thực hiện lộ trình phát sóng truyền hình số mặt đất