Gia tộc Rockefeller và gia tộc Morgan - hai đế chế kiến tạo nước Mỹ

Hoài Phương| 19/04/2021 08:02
Theo dõi ICTVietnam trên

Nếu có hai thứ khiến nước Mỹ trở nên hùng mạnh và trở thành siêu cường số một thế giới, thì không ai có thể phủ nhận rằng đó là dầu mỏ và đồng đô-la.

Trong thế kỉ XX, cùng với khí đốt tự nhiên mới được khai phá, dầu mỏ đã hạ bệ ngôi vua nguồn năng lượng của thế giới công nghiệp của than đá. Dầu mỏ là ngành kinh doanh toàn diện và lớn nhất thế giới, là ngành công nghiệp đã đưa nước Mỹ đến với Thời đại Cất cánh (Gilded Age). Cuối thế kỉ XIX, John D. Rockefeller trở thành người giàu nhất nước Mỹ chủ yếu nhờ buôn bán dầu lửa. Từ đối đầu tranh giành giữa thị trường tài chính phố Wall sang liên kết nhằm kiểm soát chính trị Mỹ với John D. Rockefeller này, còn có John Pierpont Morgan - kẻ khuynh đảo ngành công nghiệp sắt thép và tài chính. 

Gia tộc Rockefeller và gia tộc Morgan - hai đế chế kiến tạo nước Mỹ - Ảnh 1.

Với thế lực của mình, hai đế chế Rockefeller và Morgan đã biến nền kinh tế non trẻ của Mỹ thành một cường quốc công nghiệp mạnh nhất thế giới và khiến trung tâm tài chính thế giới dịch chuyển từ London sang New York.

Hai cuốn sách Titan: Gia tộc Rockefeller và Gia tộc Morgan của tác giả Ron Chernow cung cấp cho độc giả thông tin về hai gia tộc lẫy lừng có công sức lớn trong việc kiến tạo nên vị thế ngày nay của nước Mỹ, đồng thời cũng từng làm khuynh đảo quốc gia này trong một thời gian dài.

"Titan: Gia tộc Rockefeller" - cuốn tiểu sử chân thật về chân dung một vị tỷ phú phức tạp đầy bí ẩn, một chặng đường lịch sử của kinh doanh và một trận chiến pháp lý tại Mỹ.

John D. Rockefeller sinh năm 1839 tại New York, là con trai thứ hai trong một gia đình có cha làm nghề bán hàng lưu động và mẹ làm nội trợ. Trong khi cha ông nổi tiếng chuyên lừa gạt mọi người thì mẹ ông, Eliza lại dạy cho John tính tiết kiệm ‘’mọi sự lãng phí cố ý đều mang đến ước muốn tồi tệ’’. Vậy nên Rockefeller từng chia sẻ rằng: ‘’Ngay từ nhỏ, tôi được học cách lao động, tiết kiệm và học cách cho đi’’.

Gia tộc Rockefeller và gia tộc Morgan - hai đế chế kiến tạo nước Mỹ - Ảnh 2.

Trong suốt cuộc đời của Rockefeller, tiền bạc là một động lực đầy ám ảnh. Ngay từ khi còn là một cậu bé, ông dùng tiền mua kẹo, sau đó chia thành nhiều miếng nhỏ, rồi bán lại cho các anh chị em để lấy chút tiền lời. Khi ấy, hai tham vọng lớn nhất của chàng thanh niên 16 tuổi là kiếm được 100.000 USD (tương đương với 2.74 triệu đô bây giờ) và sống được đến 100 tuổi.

Và quả thực John D. Rockefeller còn đạt được nhiều hơn thế. Sau khi trải qua nhiều ngành nghề để kiếm sống, sau khi cuộc nội chiến Mỹ xảy ra, ông đã nhanh nhạy nắm bắt thời cơ và thành lập công ty cung cấp đồ ăn cho quân nhân. Đến khi chiến tranh kết thúc, Rockefeller đã có một khoản tiền đủ lớn để lập nên một công ty dầu mỏ mang tên Standard Oil.

Nhà triết học Bertrand Russell từng nhận định rằng John D. Rockefeller là một trong hai người quan trọng nhất đóng góp cho việc kiến thiết thế giới hiện đại. Rockefeller luôn được nhắc đến với tư cách ‘’ông vua dầu mỏ’’, vị tỷ phú giàu nhất mọi thời đại của nước Mỹ.

Trong cuốn sách "Titan - Gia tộc Rockefeller", Ron Chernow có ghi lại rằng vào năm 1887, một người cộng sự của Rockefeller đã viết thư cho ông như thế này: "Chúng ta đã gặt hái được thành công vô song trong lịch sử thương mại, tên tuổi của chúng ta được cả thế giới biết đến, còn thanh danh của chúng ta lại không phải là điều khiến người ta thèm muốn. Chúng ta bị coi là hiện thân của quỷ khát máu, sự vô lương tâm, giả nhân giả nghĩa…" Nhưng bản thân Rockefeller chưa bao giờ phiền lòng đến thế, ông nghĩ rằng mình chỉ hành động theo tinh thần của giấc mơ Mỹ, của chủ nghĩa tư bản. Thậm chí ông còn tranh thủ được sự ủng hộ của các nhà truyền giáo Tin Lành và các giáo sĩ Social Gospel. Đối với các chỉ trích từ những người trái quan điểm, ông tỏ ra phớt lờ và luôn tin rằng Standard Oil là công cụ để thiết lập trật tự xã hội loài người.

Gia tộc Rockefeller và gia tộc Morgan - hai đế chế kiến tạo nước Mỹ - Ảnh 3.

Với cuốn sách Titan: Gia tộc Rockefeller của Ron Chernow, bạn đọc không chỉ được hé lộ những bí ẩn về cuộc đời của ông vua dầu mỏ mà qua đó còn đưa chúng ta thời điểm khi chủ nghĩa tư bản công nghiệp vẫn còn nguyên sơ và mới lạ ở Mỹ. Rockefeller và Standard Oil là hiện thân của cuộc cách mạng tư bản, của việc từ bỏ giấc mơ tự do về một niềm hạnh phúc phổ quát thông qua cạnh tranh cá nhân, mà hướng đến chủ nghĩa độc quyền.

Ngoài ra, cuốn sách cũng đem đến cơ hội thảo luận về vấn đề tại sao độc quyền lại là một sự phát triển đáng sợ trong nền kinh tế, và nếu nỗi sợ này được đặt đúng chỗ, làm thế nào chúng ảnh hưởng đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp khác.

Ngay từ khi ra mắt, tác phẩm nhận được đón nhận nhiệt tình từ phía các nhà phê bình cũng như đông đảo độc giả. Cuốn sách nằm trong top những quyển sách mà Bill Gates và Steves Jobs đánh giá cao và nằm trong danh sách mà các nhà đầu tư phố Wall khuyên đọc.

"Gia tộc Morgan" - không chỉ là câu chuyện của một gia tộc lẫy lừng, mà còn thấy cả lịch sử nền tài chính Mỹ.

Cuốn sách Gia tộc Morgan cung cấp cho độc giả bức tranh toàn cảnh về gia tộc lẫy lừng này kể từ năm 1838 đến năm 1989, qua bốn thế hệ thay nhau nắm giữ, chèo lái và phát triển đế chế, trải qua sự phồn vinh, sụp đổ, rồi lại hồi sinh ngoạn mục ít ai có thể ngờ tới.

Lần theo lịch sử đế chế Morgan từ những khởi đầu ở London thời Victoria đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 1987, tác giả Ron Chernow vẽ nên bức chân dung hấp dẫn về gia đình Morgan nói riêng và thế giới tài chính Mỹ, Anh nói chung. Ở đó, các thế hệ trong gia tộc thay nhau nắm giữ, phát triển đế chế, trải qua sự phồn vinh, sụp đổ rồi lại hồi sinh ngoạn mục.

Đế chế tài chính Morgan từng phục vụ nhiều gia tộc đình đám, cung cấp tài chính cho nhiều gã khổng lồ trong ngành công nghiệp.

Cuốn sách của Ron Chernow không chỉ nói về hoạt động tài chính của Morgan, mà còn cho thấy mối liên hệ giữa gia tộc này với chính phủ.

Trong cuộc khủng hoảng năm 1893, gia tộc Morgan và gia tộc Rothschild đã cho Bộ Tài chính Mỹ vay 3,5 triệu ounce vàng (tương đương gần 100 nghìn tấn vàng) để ổn định nền kinh tế.

Nhờ cung cấp vàng cho chính phủ, Morgan đã thành lập những tập đoàn lớn của Mỹ. Đến năm 1989, JP Morgan & Co. vẫn có vị trí quan trọng trong nền tài chính Mỹ từ trụ sở trên phố Wall.

Gia tộc Morgan được đánh giá là "tài liệu thuyết phục về một tổ chức đáng chú ý và những người điều hành nó, đồng thời là cuốn sách cần thiết để hiểu về tiền bạc và quyền lực đằng sau các sự kiện lịch sử lớn trong 150 năm qua".

Cuốn sách Gia tộc Morgan được trao tặng Giải sách Quốc gia của Mỹ năm 1990. Cuốn sách Gia tộc Rockefeller được đề cử cho Giải thưởng National Books Critics Circle Award (giải do giới phê bình trao tặng) trở thành tác phẩm bán chạy nhất tại Mỹ. Hai cuốn sách đều nhận được rất nhiều lời ngợi khen trên khắp các tờ báo danh tiếng ở nước Mỹ, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.

Để viết nên hai cuốn sách Titan - Gia tộc Rockefeller và Gia tộc Morgan, tác giả Ron Chernow - nhà văn, nhà báo, nhà sử học danh tiếng đã mất hàng năm trời nghiên cứu, tìm kiếm hàng nghìn trang dữ liệu trong Trung tâm thông tin của hai gia tộc, cũng như những trung tâm thông tin, thư viện lớn khác tại nước Mỹ như: thư viện của trường Kinh doanh Harvard, Amherst, Yale, Columbia, trường Đại học Virginia…

Không chỉ viết lại lịch sử thăng trầm của hai dòng họ nổi tiếng nhất nước Mỹ, hai cuốn sách Gia tộc Rockefeller và Gia tộc Morgan còn là những thước phim quay lại một khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử nước Mỹ, với sự chuyển đổi đầy kịch tính sau cuộc nội chiến: từ hình thức doanh nghiệp nhỏ chuyển sang sự trỗi dậy của các tập đoàn khổng lồ, làm thay đổi diện mạo nước Mỹ.

(Bài báo đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào mừng ngày Sách Việt Nam 21/4/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Gia tộc Rockefeller và gia tộc Morgan - hai đế chế kiến tạo nước Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO