Chúng ta đang kết nối ngày càng nhiều với thế giới thông qua các thiết bị IP thông minh, bao gồm từ thiết bị gia dụng, thiết bị y tế cho tới thiết bị công nghiệp. Những thiết bị mới được kết nối này mang lại những phương thức mới để chia sẻ thông tin và thay đổi cuộc sống của chúng ta. Quá trình chuyển đổi công nghệ này được gọi là Mạng Internet của Sự vật (the Internet of Things - IoT) và đang phát triển từng ngày.
Khi cuộc sống được kết nối của chúng ta phát triển và trở nên phong phú hơn, nhu cầu về một mô hình an ninh mạnh mẽ cũng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Điều này đòi hỏi chúng ta phải cùng hợp tác trong một cộng đồng chung để tìm kiếm những giải pháp sáng tạo nhằm đảm bảo rằng IoT phát huy được tối đa tiềm năng của mình một cách an toàn mà vẫn duy trì được sự thuận tiện mà nó mang lại.
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ và Đối tác của Cisco Việt Nam |
“An ninh mạng là một nhân tố mang tính hợp nhất để đảm bảo những luồng chảy thông tin tin cậy, liên tục từ thiết bị đầu cuối đến máy chủ và từ người dùng đến ứng dụng. Trong tương lai, khi công nghệ điện toán đám mây được ứng dụng một cách rộng rãi, sẽ có một áp lực lớn hơn trong việc đảm bảo cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang môi trường điện toán đám mây một cách an toàn,” ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Công nghệ và Đối tác của Cisco Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo-Triển lãm Security World 2014. Đi sâu vào nội dung “Gắn kết các chương trình an ninh thông tin để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh”, đại diện Cisco đã chia sẻ về cách mà tiến trình chuyển đổi sang môi trường điện toán đám mây giúp các tổ chức vượt qua nhiều thách thức an ninh và cách thức được những tổ chức đó sử dụng để ứng dụng các giải pháp an ninh.
Theo Báo cáo an ninh thường niên năm 2014 của Cisco luôn có những tấn công an ninh liên tục nhằm vào các doanh nghiệp. Từ tin tặc cho tới mã độc, rõ ràng là các nguy cơ an ninh mạng đang gia tăng với một tốc độ chóng mặt. Cơ hội cho các doanh nghiệp tại Việt Nam là có được sự thấu hiểu về nguồn gốccủa những tấn công an ninh này. Họ cũng cần phải hiểu về lý do để họ cần phải quan tâm, cũng như họ có thể được hỗ trợ như thế nào bởi những người có chuyên môn kỹ thuật để giải quyết những vấn đề này trong tương lai.
“Giải pháp an ninh thông minh trong môi trường điện toán đám mây đồng nghĩa với việc đảm bảo sự tin tưởng vào hoạt động quản lý rủi ro, mà trong đó an ninh là đáp ứng và thích ứng, bảo vệ các đường biên giới mạng trong khi vẫn phân tách được những tài nguyên vật lý và tài nguyên ảo hóa, phát hiện được các vấn đề và áp dụng các chính sách phù hợp. Việc chỉ bảo vệ những đường biên giới của mạng không còn đáp ứng được yêu cầu nữa bởi vì các nguy cơ an ninh sẽ thâm nhập vào bên trong và chỉ khi có được cái nhìn với những thông tin này thì bạn mới thấy rõ những hoạt động phá hoại đang diễn ra, và sau đó có thể đối phó với chúng một cách kịp thời và giảm thiểu những thiệt hại và rủi ro. Tội phạm mạng là các chuyên gia và được trang bị nhiều nguồn lực cũng như sẽ đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc để làm tổn hại mạng của bạn. Sau khi chúng đã thâm nhập được vào mạng, chúng sẽ cố gắng ẩn nấp và thâm nhập sâu hơn nữa vào trong các hệ thống. Khác với những tin tặc nghiệp dư trong những thời kỳ đầu của mạng Internet – chúng không muốn bị bạn phát hiện,”ông Sơn nhấn mạnh.
Với các dịch vụ dựa trên nền tảng điện toán đám mây, Cisco có cái nhìn vào bên trong các ứng dụng và cung cấp một trải nghiệm nhất quán trên nhiều thiết bị đang truy cập vào mạng và các ứng dụng điện toán đám mây. Ngoài ra, với thương vụ mua lại công ty SourceFire mới đây giúp Cisco có thể cung cấp một giải pháp tường lửa thế hệ mới với khả năng chống mã độc cao cấp (Advanced Malware Protection - AMP) được bao hàm trong danh mục sản phẩm an ninh nội dung của công ty.
Minh Thiện