Autodesk mới đây đã công bố quan hệ hợp tác với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nhằm triển khai công nghệ Mô hình Thông tin Công trình (Building Information Modeling - BIM) cho các dự án và công trình.
Đây là một bước đầu tư chiến lược của Tập đoàn nhằm củng cố lợi thế cạnh tranh, với tư cách là doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng BIM và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh ngành xây dựng tại Việt Nam.
Cam kết nhiều năm của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đối với việc áp dụng BIM trong các dự án xây dựng bao gồm sử dụng giải pháp BIM 360 của Autodesk nhằm hỗ trợ tích hợp, số hóa và tự động hóa quy trình làm việc để đạt năng suất cao hơn. Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các dự án dân sinh, công nghiệp, cơ sở hạ tầng và nhà ở.
Tập đoàn đã hoàn thành hơn 400 công trình xây dựng độc đáo bao gồm Khu đô thị Mizuki Park, Khách sạn năm sao Le Meridien và dự án mở rộng Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Hòa Bình cũng đã thực hiện các dự án quốc tế tại Malaysia và Myanmar, với dự định tham gia vào các dự án ở Lào, Kuwait, Australia, Canada, Nhật Bản, Dubai và Qatar.
Lãnh đạo Autodesk và lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ký biên bản hợp tác
Công nghệ BIM 360 được áp dụng trong nhiều dự án của Tập đoàn đã và đang triển khai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm nguồn lực trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Các giải pháp như Revit, Civil 3D, InfraWorks, AutoCAD và những cái tên khác trong AEC Industry Collection cũng tạo nên quá trình vận hành xuyên suốt, đem lại thành quả cho người dùng trong toàn bộ vòng đời của dự án thông qua việc kết nối từ khâu thiết kế tới thi công.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình chia sẻ: “Công nghệ tiên tiến của Autodesk đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển không ngừng của doanh nghiệp, cho phép chúng tôi đảm nhận các dự án lớn và phức tạp hơn. Nhờ tính linh hoạt và khả năng thích ứng của các giải pháp Autodesk, chúng tôi có thể tích hợp xuyên suốt các giải pháp của Autodesk với hệ thống sẵn có của mình như Hệ thống quản lý dự án (PMS). Chúng tôi tin tưởng rằng việc ứng dụng các sản phẩm Autodesk sẽ nâng cao hơn nữa vị thế của chúng tôi trong ngành với tư cách là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng và ứng dụng BIM".
BIM 360 Build là bộ công cụ hỗ trợ cho việc đọc dữ liệu trên công trường, phản hồi báo cáo từ công trường về phòng thiết kế hằng ngày. BIM 360 Design là công cụ kết nối và đồng bộ giữa Revit và BIM 360 Docs. BIM 360 Design không giới hạn người dùng, không giới hạn bộ nhớ, hỗ trợ tất cả các loại tệp.
Nền tảng Autodesk BIM 360 là một loạt các công cụ giúp đẩy nhanh công việc phân công dự án và giảm những rủi ro trong quá trình làm việc bằng cách tăng cường sự kết nối làm việc giữa các phòng ban. Sự kết nối giữa các văn phòng tới công trường diễn ra xuyên suốt và đảm bảo nguồn dữ liệu đồng nhất.
Vào lúc bắt đầu tiếp cận Việt Nam, BIM gần như tích hợp vào một số dự án liên doanh nước ngoài (nhà đầu tư nước ngoài hoặc thuê tư vấn viên nước ngoài, thiết kế nước ngoài). Hiện nay, các công ty tư nhân đã bắt đầu học tập và triển khai BIM vì lợi ích của nó.
Nhiều nhà đầu tư cũng đã yêu cầu tích hợp BIM trong các dự án đầu tư lớn như: tập đoàn Vingroup, Vietinbank, công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc. Các dự án tiêu biểu tích hợp hiệu quả của BIM là Park Hill 6, tòa tháp Vietinbank, cảng Cửa Lò, cầu Thủ Thiêm 2, KCN Nhơn Trạch 6 Đồng Nai,...
Theo kết quả nghiên cứu với một số dự án, ứng dụng BIM giúp nhà đầu tư rút ngắn tiến độ, tiết kiệm chi phí bằng việc tối ưu hóa kế hoạch xây dựng và những khó khăn sửa chữa trước trong giai đoạn xây dựng. Ví dụ: phát hiện và giải quyết hơn 1500 xung đột trong bản vẽ trước khi xây dựng dự án tháp Vietinbank; tối ưu hóa tiến độ xây dựng và lắp đặt trong dự án nhà máy Cheeky (đầu tư bởi Procter & Gamble, SEA), rút ngắn khoảng 10% thời gian dự án, giảm 8% nhiệm vụ công việc và khoảng 40% thời gian để khắc phục sự thay đổi khi xây dựng trong dự án Park Hill 6.
Mô hình Thông tin Công trình (BIM) là chính sách quốc gia tại Việt Nam, với mục tiêu đặt ra của Chính phủ trong việc triển khai các hướng dẫn quy mô cấp quốc gia tầm nhìn đến năm 2021.
Trong năm 2017, Autodesk và Ban chỉ đạo BIM, Cơ quan trực thuộc Bộ Xây dựng (MOC), đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm phối hợp để đạt được mục tiêu này; trong đó, Autodesk cung cấp các chỉ dẫn về ứng dụng quốc tế tốt nhất cho ứng dụng BIM thông qua kinh nghiệm từ những hoạt động hợp tác với các chính phủ quốc tế trong việc triển khai hướng dẫn và xây dựng hành lang pháp lý để ứng dụng BIM.
Ông Kiều Mạnh Toàn, Giám đốc Quốc gia tại thị trường Việt Nam và Campuchia của Autodesk nhấn mạnh: “Chúng tôi rất vui mừng được hỗ trợ các nỗ lực tăng trưởng và mở rộng của Hòa Bình thông qua chuyển đổi số. Hoà Bình đang là công ty tiên phong trong việc thực hiện chính sách BIM của Việt Nam và tôi tin tưởng rằng sự hợp tác của chúng tôi sẽ là bàn đạp để đạt được mục tiêu quốc gia về triển khai BIM rộng rãi trong toàn ngành”.
Năm 2016, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 2500/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án áp dụng BIM vào hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Đề án được chủ trì thực hiện bởi Viện kinh tế xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng. Qua nhiều diễn đàn, hội thảo đóng góp ý kiến, khảo sát ý kiến các đối tượng liên quan, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn ngành xây dựng Việt Nam của các thành viên tham gia, đề án đã chính thức được phê duyệt và bắt đầu lộ trình thực hiện vào tháng 1/2017.
Từ năm 2017 đến nay, các công ty xây dựng Việt Nam đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết và đào tạo kỹ năng cho việc áp dụng BIM, bao gồm: Nâng cao nhận thức và khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp áp dụng BIM; Xây dựng hành lang pháp lý để áp dụng BIM, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan; Xây dựng các hướng dẫn về BIM; Xây dựng chương trình khung cho việc đào tạo các kiến thức về BIM và triển khai thực hiện đào tạo nâng cao năng lực cho các cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp, một số Ban quản lý dự án, Chủ đầu tư, tổ chức tư vấn để triển khai áp dụng BIM.
Cũng trong khoảng thời gian này, các tập đoàn, công ty xây dựng trong nước đã bắt đầu triển khai áp dụng thí điểm BIM trong thiết kế, thi công, quản lý dự án cho một số công trình xây dựng mới thuộc các loại khác nhau từ cấp I trở lên thuộc dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước và các nguồn vốn khác.
Một số doanh nghiệp áp dụng BIM trong công tác quản lý vận hành trong quá trình sử dụng cho công trình quan trọng, có yêu cầu kỹ thuật phức tạp được đầu tư xây dựng bằng vốn nhà nước. Đồng thời, các đơn vị cũng tổ chức đánh giá cụ thể tình hình áp dụng BIM trên cơ sở áp dụng thí điểm và hoàn thành các bước công việc để áp dụng rộng rãi trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình từ năm 2021.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá áp dụng BIM, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư, hướng dẫn cụ thể để áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Quyết định trên cho thấy chính phủ đã coi BIM là 1 bước phát triển cần thiết, từ đó có những sự đầu tư nghiêm túc về tiến trình áp dụng BIM nhằm cải tiến ngành Xây dựng trong nước, kết nối với kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.