Giải pháp nâng cao hiệu quả CCHC trên địa bàn tỉnh
Năm 2023, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo thường xuyên, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị, góp phần thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ.
Kết quả cải cách hành chính năm 2023
Theo báo cáo số 490/BC-UBND ngày 20/12/2023 của UBND tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh Vĩnh Long đã nhận được 53 văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với 184 nhiệm vụ giao cho tỉnh thực hiện. Đến thời điểm báo cáo (19/12/2023), tỉnh thực hiện hoàn thành đúng hạn 138 nhiệm vụ (đạt 90,79%); hoàn thành nhưng trễ hạn 14 nhiệm vụ (đạt 9,21%); đang thực hiện 32 nhiệm vụ. Tỉnh đã triển khai thực hiện 15 sáng kiến, giải pháp đã được công nhận của năm 2023.
Về cải cách thể chế, tỉnh đã ban hành 48 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thuộc phạm vi quản lý của tỉnh (trong đó có 09 nghị quyết và 39 quyết định); UBND cấp huyện đã ban hành 43 văn bản QPPL (01 nghị quyết và 42 quyết định); Tự kiểm tra 32 VBQPPL do UBND tỉnh ban hành và kiểm tra theo thẩm quyền 38 VBQPPL của UBND cấp huyện. Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh đã ban hành 101 quyết định công bố danh mục TTHC, trong đó công bố mới 67 TTHC; bãi bỏ, thay thế 636 TTHC (72 TTHC bị bãi bỏ); Cập nhật công khai 1.672 TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, có 1.518 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Về cải cách tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện rà soát, sắp xếp, sáp nhập 19 đơn vị sự nghiệp. Số đơn vị sự nghiệp đến tháng 12/2023 là 472 đơn vị, giảm 19 đơn vị so với năm 2022. Trong đó, cấp tỉnh là 99 đơn vị (giảm 01 đơn vị so với năm 2022); cấp huyện là 373 đơn vị (giảm 18 đơn vị so với năm 2022). Tỉnh cũng đã ban hành và triển khai thực hiện Quyết định số 2476/QĐ-UBND ngày 31/10/2023 về Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030.
Về cải cách tài chính công, tiến độ, kết quả thực hiện thu ngân sách nhà nước theo Kế hoạch được giao là 5.768.000 triệu đồng, ước thực hiện thu đến ngày 31/12/2023 là 6.127.800 triệu đồng đạt 106,24% so với kế hoạch giao. Kết quả thực hiện Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công (chi đầu tư phát triển) theo Kế hoạch được giao là 5.244.857 triệu đồng, ước thực hiện chi đến ngày 31/12/2023 được 5.105.229 triệu đồng, đạt 96,88% so với kế hoạch giao.
Về xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, Vĩnh Long đã ban hành danh mục 24 cơ sở dữ liệu dùng chung và Danh mục dữ liệu mở tỉnh. Ngày 06/9/2023, tỉnh ban hành Quyết định số 2036/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch triển khai quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2023. Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) được triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu với nền tảng NDXP của quốc gia. Cụ thể: có 07/24 ứng dụng có dữ liệu dùng chung được kết nối ứng dụng qua LGSP, tỷ lệ 29,16%; Có 13/23 dịch vụ dữ liệu có trên NDXP, tỷ lệ 56,52%
Một số hạn chế và giải pháp khắc phục
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long vẫn gặp những hạn chế, khó khăn nhất định. Việc thống kê số liệu về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên ứng dụng triển khai chưa đầy đủ gây khó khăn cho công tác tổng hợp báo cáo, hồ sơ liên thông của các đơn vị chưa thực hiện đầy đủ; Người dân chưa quan tâm sử dụng dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích; Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử đã đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính nhưng vẫn chưa ổn định, dẫn đến việc nộp hồ sơ trực tuyến có những khó khăn nhất định.
Công tác triển khai thực hiện chuyển đổi số của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới và mong muốn của người dân, doanh nghiệp do nhận thức của một số cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức về chuyển đổi số chưa cao; Một số cơ quan, đơn vị chưa chủ động tham gia chuyển đổi số; Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan còn hạn chế; Nguồn nhân lực phục vụ công tác chuyển đổi số hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả cải cách hành chính ở tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
- Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong tỉnh về cải cách hành chính. Công tác tuyên truyền cần nêu rõ về sự cần thiết, nội dung cải cách hành chính, từ đó tạo được sự đồng thuận và nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia của mỗi cá nhân cũng như tổ chức trong việc xây dựng nền hành chính của tỉnh ngày càng hiện đại, hiệu quả.
- Chủ động hơn nữa trong việc ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản triển khai thực hiện nhiệm vụ và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm kịp thời, đúng luật định; thực hiện theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật và xử lý các văn bản trái pháp luật qua kiểm tra trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên, đầy đủ đúng quy định.
- Kịp thời cập nhật các thủ tục hành chính do trung ương ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ. Tiếp tục rà soát đánh giá, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ, quy trình, thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trên các lĩnh vực có nhiều bức xúc, gây tắc nghẽn trong công tác quản lý và các hoạt động liên quan đến người dân và doanh nghiệp, gắn với công bố công khai, minh bạch các thủ tục hành chính và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, tình hình giải quyết thủ tục hành chính.
- Tiếp tục rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để giảm biên chế bảo đảm phù hợp với biên chế được giao và tình hình của tỉnh; tiếp tục triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra tình hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Chú trọng thực hiện kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đã phân cấp cho cấp huyện, cấp xã.
- Bố trí cán bộ, công chức, viên chức theo đúng vị trí việc làm; thường xuyên cập nhật, bổ sung đề án vị trí việc làm của các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp trực thuộc đã được phê duyệt; bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa công chức giữ chức vụ lãnh đạo và công chức không giữ chức vụ lãnh đạo.
- Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ ngân sách nhà nước trong chi thường xuyên và chi đầu tư công; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cải cách tài chính công gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính theo quy định. Tăng cường theo dõi, kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện các kiến nghị sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước về tài chính, ngân sách tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
- Tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế phục vụ xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trên địa bàn tỉnh; xây dựng và phát triển các nền tảng cơ sở dữ liệu; phát triển các ứng dụng, dịch vụ trong nội bộ cơ quan nhà nước; phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, tổ chức; triển khai thực hiện bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh 3 cấp; triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho các hệ thống thông tin thuộc trách nhiệm quản lý để kịp thời khắc phục các lổ hổng, nguy cơ mất an toàn thông tin, cơ sở dữ liệu.