Đời sống xã hội

Giải pháp nào để công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển đạt hiệu quả?

Hồng Trang 23/11/2023 10:27

"Chúng ta thường không thực hiện được ngay việc cứu hộ, cứu nạn trong những vụ tai nạn ngoài biển lúc thời tiết rất xấu, bởi phương tiện không bảo đảm. Đó là lúc những người gặp nạn cần giúp nhất nhưng chúng ta lại không có đủ nguồn lực".

Việt Nam là quốc gia ven biển, có nhiều tuyến hàng hải quốc tế đi qua, lại đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, nên tình hình thiên tai, tai nạn, sự cố ở vùng biển nước ta xảy ra với tần suất cao, tính chất phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động quân sự, quốc phòng. Trong mấy năm gần đây, tình hình tai nạn, sự cố trên vùng biển nước ta không chỉ gia tăng về số vụ, quy mô mà còn phức tạp về tính chất, diễn biến khó lường, nhất là sự cố về hóa chất, tràn dầu có thể hủy hoại môi trường trên phạm vi rộng..v.v.

Những lý do chủ quan khiến việc cứu hộ gặp khó

Theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Khoa Hàng hải, Trường ĐH Hàng hải Việt Nam, việc tìm kiếm cứu nạn được nhiều quốc gia có biển trên thế giới đầu tư bài bản, chuyên nghiệp về nhân lực và phương tiện thiết bị, đáp ứng yêu cầu cứu nạn ở những vùng biển xa. Ở nước ta, do nguồn lực hạn chế nên đầu tư cho việc này chưa thỏa đáng, nhiều vụ cứu nạn chưa thể thực hiện kịp thời.

"Chúng ta thường không thực hiện được ngay việc cứu hộ, cứu nạn trong những vụ tai nạn ngoài biển lúc thời tiết rất xấu, bởi phương tiện không bảo đảm. Đó là lúc những người gặp nạn cần giúp nhất nhưng chúng ta lại không có đủ nguồn lực" - ông Cường nói.

abai8tkcn.jpg

Lãnh đạo Vietnam MRCC cho rằng những tai nạn, sự cố trong thời gian gần đây thường xảy ra với tàu vỏ gỗ, sức chịu đựng yếu, máy móc kém chất lượng, tàu hỏng kỹ thuật, trôi dạt trên biển, tàu bị thủng vỏ, đâm va với tàu biển. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn, sự cố bên cạnh do thiên tai, nguyên nhân khách quan, còn có một phần nguyên nhân từ chủ quan của ngư dân như đi biển không trang bị đủ áo phao, không có pháo sáng; nhiều tàu nhỏ không được trang bị thiết bị thông tin liên lạc tầm xa mà chỉ thiết bị liên lạc tầm ngắn (liên lạc nội bộ). Vì vậy, khi gặp thời tiết xấu, biển động, sóng lớn hay bị nạn thì việc liên lạc giữa các tàu gặp khó khăn.

Những năm qua, Vietnam MRCC tích cực tuyên truyền, trang bị kỹ năng đi biển cho ngư dân để hạn chế rủi ro nếu gặp nạn trên biển. "Nếu pháo sáng bắn báo hiệu thì ngư dân có thể kịp thời được cứu hộ hoặc duy trì sự sống lâu hơn trên biển. Nhiều khi ngư dân nghĩ trang bị pháo sáng đắt tiền nhưng thực ra nó rất rẻ bởi cả năm hoặc mấy năm, thậm chí không bao giờ dùng đến nếu không gặp nạn" - ông Hùng nói.

Để nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn trên biển, Vietnam MRCC đã đề xuất Cục Hàng hải và Bộ GTVT có dự án đóng tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng loại 62 m chịu được gió cấp 9, cấp 10, hoạt động được trong điều kiện thời tiết xấu và có khả năng đi biển dài ngày. Dự kiến năm 2023 sẽ đưa tàu này vào hoạt động. Theo yêu cầu của Vietnam MRCC, trong thời gian tới, cần 3 tàu chuyên dụng như trên để trang bị cho 3 khu vực Bắc - Trung - Nam, phục vụ cứu hộ, cứu nạn.

Trước hết cần ngư dân có ý thức tự trang bị khả năng ứng phó với nguy hiểm trên biển

Ông Trần Quang, ngư dân tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Trước việc 2 chiếc thúng trên tàu gặp nạn nhiều ngày lênh đênh trên biển nhưng các tàu qua lại không biết để ứng cứu, tôi nghĩ rằng cần phải trang bị nhiều hơn nữa thiết bị an toàn cho tàu cá để ứng phó trong trường hợp sự cố xảy ra. Ngư dân đi biển nên chuẩn bị những túi cứu hộ khẩn cấp gồm có lương khô, nước uống và súng bắn pháo sáng cho những trường hợp sinh tồn như thế này. Ngoài ra, có thể nghiên cứu trang bị thêm phao cứu sinh, đèn, còi, pháo tín hiệu...

Thời hiện đại rồi, không thể cứ kiểu đi biển như thời xưa được nữa. Hiện đại hóa nghề cá thì phải đầu tư tàu lớn, trang bị cả xuồng cứu nạn với đầy đủ thiết bị cứu sinh hiện đại. Việc này ngoài tầm tay của ngư dân nên cần sự hỗ trợ, đầu tư từ nhà nước”.

Lão ngư Nguyễn Thanh Là (có 3 con trai và người em trên con tàu gặp nạn BTh 97478 TS) nói: Tôi đi biển đã gần 50 năm. Thực tế cho thấy lúc trời giông sét thì các thiết bị hỗ trợ tín hiệu rất khó liên lạc. Khi tàu khai thác vùng khơi thì không còn sóng di động, mọi liên lạc đều qua máy đường dài (sóng vô tuyến - PV). Tuy nhiên, bộ đàm này khi gặp mùa mưa mà có sấm sét lớn là phải tắt. Ngay cả máy định vị khi giông sét cũng không thể mở thường xuyên vì có nguy cơ bị sét đánh trúng. Đây là những thiết bị hữu hiệu nhất mà ngư dân có được hiện nay. Nếu ngưng hoạt động thì phải tự lực cánh sinh. Oái ăm là tàu cá gặp nạn thường là mùa mưa bão - mùa giông sét.

Trong khi đó, ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa: Tàu cá của ngư dân hiện nay chỉ là tàu nhỏ nên không thể trang bị xuồng cứu nạn mà chỉ là thúng chai. Do đó, khi gặp sự cố thường chịu rủi ro rất lớn. Chi cục chỉ khuyến khích ngư dân sắm các thiết bị cầm tay đề phòng sự cố như đèn pin, áo phao, pháo sáng. Rất khó quy định ngư dân phải trang bị xuồng cứu nạn vì tốn kém chi phí, tàu không đủ diện tích. Điều cần thiết hiện nay là trang bị kiến thức và nâng cao khả năng cơ động ứng cứu của lực lượng cứu nạn hàng hải. Trước biến đổi khí hậu mang tính cực đoan cũng hết sức chú trọng, nâng cao khả năng dự báo thời tiết để kịp thời thông báo cho các tàu cá chuẩn bị phòng ngừa.

Từ năm 2022 đến nay, lực lượng Cảnh sát biển đã điều động, sử dụng hơn 900 lượt tàu, xuồng thực hiện nhiệm vụ trên biển, đi được hơn 200.000 hải lý an toàn; phát hiện, tuyên truyền, xua đuổi 2.078 lượt tàu nước ngoài vi phạm; lập biên bản, điểm chỉ hải đồ, phóng thích ngay trên biển 55 tàu. Phối hợp với các lực lượng theo dõi, giám sát chặt chẽ nhiều tàu, giàn khoan nước ngoài đi qua vùng biển Việt Nam; ngăn chặn hàng chục tàu xuất, nhập cảnh trái phép bằng đường biển; kiên quyết đấu tranh với mọi hoạt động vi phạm chủ quyền biển, đảo bằng pháp luật và biện pháp hoà bình, không để bị động, bất ngờ…góp phần giữ vững hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn cho các vùng biển chủ quyền và bảo vệ tốt các hoạt động kinh tế biển.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào để công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển đạt hiệu quả?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO