Giải pháp thúc đẩy mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công

Trần Cao| 11/10/2022 19:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Mua sắm công xanh có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành thị trường xanh ở Việt Nam. Vì vậy, chính sách mua sắm công xanh cần được thể chế hóa để tạo những công cụ chính sách quan trọng, thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Ban hành các chính sách về mua sắm xanh

Trước tác động ngày càng rõ rệt và nguy hiểm của biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường tăng cao trong khi tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, việc phát triển theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn đang là một giải pháp tất yếu.

Mua sắm công xanh, tiếng Anh là “Green Public Procurement - GPP”, được định nghĩa là quá trình các cơ quan nhà nước lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ ít gây tác động tới môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm so với những sản phẩm, dịch vụ có mục đích tương tự. Hoạt động mua sắm trong khu vực công là một trong những nhiệm vụ quan trọng và chiếm một phần lớn trong tổng chi ngân sách của Nhà nước. Vì vậy, thực hiện mua sắm công xanh sẽ có ý nghĩa lớn đối với việc hình thành thị trường mua sắm xanh, cũng như nền kinh tế xanh, bền vững.

Để thực hiện mua sắm công xanh, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các đơn vị, cơ quan nhà nước sẽ phải cân nhắc sự cần thiết của việc mua sắm, những tác động môi trường của sản phẩm hay dịch vụ mua sắm ở tất cả các giai đoạn, vòng đời của chúng trước khi đưa ra quyết định mua sắm.

Nỗ lực tăng trưởng xanh sẽ không thể đạt được nếu thiếu các chiến lược, kế hoạch và chính sách hướng tới nền kinh tế xanh. Chính vì thế, Việt Nam đã có nhiều hoạt động, chính sách, chương trình nhằm hiện thực hóa mục tiêu kinh tế xanh, bền vững. Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Quyết định số 888/QĐ-TTg đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 25/7/2022. 

Ngoài ra, Chiến lược và kế hoạch hành động Quốc gia tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Quyết định số 687/QĐ-TTg, ngày 07/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn đề cương sửa đổi Luật Đấu thầu 2013, theo đó sẽ bổ sung nội dung mua sắm công xanh nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

Mới đây, Hội thảo về “Giải pháp thúc đẩy mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công” đã được tổ chức. Ông Hồ Công Hòa, Phó trưởng ban, Ban nghiên cứu các vấn đề xã hội của Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, mua sắm công xanh có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành thị trường xanh của Việt Nam. Trong giai đoạn 2015-2020, tổng chi ngân sách nhà nước chiếm khoảng 25,9-30,2% GDP, trong đó chi đầu tư phát triển trung bình khoảng 19,7-30,8% tổng ngân sách nhà nước. Đối với gói thầu mua sắm công, mức chi chiếm trung bình khoảng 12,5% GDP,  giá trị mua sắm thường xuyên từ vốn nhà nước chỉ chiếm trung bình khoảng 27,4% tổng giá thầu và chi cho đầu tư phát triển chiếm tới 72,6%.

Với tầm quan trọng của mua sắm công, Việt Nam đã ban hành các chính sách về mua sắm xanh, mua sắm công xanh. Những chính sách này cũng từng bước hình thành thị trường mua sắm xanh. Trong các hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, các yêu cầu về bảo vệ môi trường đã được đề cập đến.

Đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực thi hiệu quả chính sách mua sắm công xanh

Chính sách về mua sắm công xanh đã được ban hành, tuy vậy để có thể thực thi, triển khai chính sách mua sắm công xanh hiệu quả, trong Hội thảo về “Giải pháp thúc đẩy mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công”, nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định trực tiếp điều chỉnh hoạt động mua sắm công xanh. Chẳng hạn, các tiêu chí môi trường cần được lồng ghép vào quá trình mua sắm công, trên cơ sở các tiêu chí đó, phân tích và đánh giá lựa chọn đầu tư, lựa chọn nhà thầu tốt nhất. Ngoài ra, để có kết quả tốt nhất trong lựa chọn nhà thầu, cần tổ chức điều tra, đánh giá doanh nghiệp xanh, khả năng cung ứng hàng hóa và dịch vụ xanh của thị trường, đặc biệt là khả năng của các doanh nghiệp trong nước.

Giải pháp thúc đẩy mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công - Ảnh 1.

Với tầm quan trọng của mua sắm công, Việt Nam đã ban hành các chính sách về mua sắm xanh, mua sắm công xanh. Ảnh minh họa

Chính sách mua sắm công xanh cần được thể chế hóa để tạo những công cụ chính sách quan trọng, thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Chính sách phải đảm bảo công khai, minh bạch và không phân biệt đối xử. Ngoài ra, cần có các chính sách bắt buộc đồng thời có sự ưu đãi, khuyến khích, đặc biệt là tạo ra sự thay đổi cho doanh nghiệp, từ nhận thức đến hành động, về sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh. 

Hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ và đổi mới sản phẩm cũng cần được lưu ý theo hướng xanh và bền vững. Từ đó, ứng dụng các nghiên cứu đổi mới sáng tạo, công nghệ mới vào thúc đẩy sản xuất trong nước, để dần dần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.

Công tác đào tạo cũng cần được chú trọng để đạt mục đích và hiệu quả của hoạt động mua sắm công xanh. Các cơ quan, đơn vị có thể tổ chức hướng dẫn, đào tạo cho người phụ trách công tác mua sắm công.

Để mua sắm xanh cũng như mua sắm công xanh phổ biến, các phương tiện truyền thông cần phát huy vai trò, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ phụ trách công tác mua sắm công, các nhà cung cấp hàng hóa xanh, nhằm đảm bảo sự ổn định và từng bước nâng cao chất lượng hàng hóa xanh.

Ngoài ra, chỉ tiêu về tăng trưởng xanh cũng cần được các bộ, ngành và địa phương lồng ghép trong các chương trình, hoạt động. Lập chỉ tiêu chi tiêu công theo tiêu chuẩn xanh vào lập dự toán ngân sách hàng năm cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xanh. Sổ tay hướng dẫn mua sắm công xanh cũng được đề xuất ban hành.

Về phía doanh nghiệp, một số doanh nghiệp cho rằng họ đang gặp khó khăn lớn nhất hiện nay trong triển khai sản xuất các sản phẩm xanh là vốn và thị trường tiêu thụ. Vì vậy, các doanh nghiệp đều mong muốn và đề xuất Chính phủ sớm ban hành những chính sách, cơ chế nhằm hỗ trợ, khuyến khích và tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm xanh đồng thời hỗ trợ đào tạo các kiến thức liên quan đến mua sắm xanh.

Chính phủ đã ban hành một số văn bản liên quan đến mua sắm công xanh cũng như những giải pháp mua sắm tài sản từ ngân sách nhà nước mà được xem là sáng kiến trong việc cải thiện quy trình mua sắm công tại Việt Nam. 

Trong giai đoạn hiện nay, một số nhóm sản phẩm công xanh nên được ưu tiên áp dụng mua sắm tại các cơ quan nhà nước, chẳng hạn như các dịch vụ xây dựng, du lịch… đáp ứng các tiêu chuẩn kinh tế xanh, như tiêu chuẩn sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu, thiết kế thích hợp điều kiện sinh thái, tính đến các tác động của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các phương tiện giao thông cơ giới mua bằng kinh phí công phải đạt tiêu chuẩn khí thải, ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch như điện, khí hóa lỏng và xe lai (hybrid). Các loại hàng hóa, sản phẩm được dán nhãn sinh thái, dán nhãn tiết kiệm năng lượng, hàng hóa có khả năng tái chế cũng cần được ưu tiên trong hoạt động mua sắm công xanh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp thúc đẩy mua sắm công xanh trong hoạt động đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO