Giải pháp trong công tác quản lý bán hàng đa cấp trong giai đoạn năm 2021 – 2025
Bán hàng đa cấp xuất hiện tại Việt Nam từ đầu những năm 2000, khi gia nhập chính thức Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, một trong những điều khoản mà các nước yêu cầu Việt Nam phải thực hiện là việc chấp thuận hoạt động kinh doanh đa cấp, chính điều này đã tạo ra một làn gió mới thu hút nhiều người tham gia vào lĩnh vực bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên trong giai đoạn ban đầu, cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp chân chính, nhiều loại hình đa cấp biến tướng cũng núp bóng và phát triển trên thị trường. Rất nhiều vụ việc liên quan đến các doanh nghiệp đa cấp hoạt động trong giai đoạn từ trước 2016 đã khiến dư luận rúng động khi gây thiệt hại cho hàng trăm nghìn người tham gia, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, công tác chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được Bộ Công Thương đẩy mạnh, qua đó giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp từ Trung ương đến địa phương, tăng cường quan hệ phối hợp giữa Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng liên quan.
Bộ Công Thương đã ban hành Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong giai đoạn năm 2021 – 2025 (kèm theo Quyết định 2837/QĐ-BCT ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương). Theo đó, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh, triển khai các biện pháp quản lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bán hàng đa cấp trong giai đoạn năm 2021 – 2025.
Thứ nhất, tiếp tục rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phù hợp với yêu cầu thực tế và sự phát triển của ngành, đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp đặc biệt là hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép (trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp và các văn bản pháp luật về xử lý vi phạm trong lĩnh vực bán hàng đa cấp theo hướng minh bạch, phù hợp hơn với yêu cầu của công tác quản lý ngành).
Thứ hai, nâng cao toàn diện nhận thức của cộng đồng về pháp luật kinh doanh theo phương thức đa cấp và các hình thức lợi dụng bán hàng đa cấp kinh doanh trái phép, hướng đến một số đối tượng người dân như người cao tuổi, sinh viên, phụ nữ.
Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ và triệt để trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, hướng đến tối đa hóa việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đặc biệt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở các địa phương cần được triển khai đồng bộ và bao quát toàn bộ các địa bàn của từng địa phương.
Thứ năm, nâng cao năng lực của cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, đảm bảo đảm bảo năng lực quản lý, giám sát của các cán bộ tại địa phương từ cấp tỉnh tới các cấp hành chính thấp hơn.
Thứ sáu, nâng cao trách nhiệm và vai trò của cơ quan quản lý tại mỗi địa phương đặc biệt là Sở Công Thương trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên phạm vi địa bàn.
Việc ban hành Đề án đóng vai trò định hướng và xây dựng mục tiêu tổng thể cho các hoạt động của công tác quản lý bán hàng đa cấp tại Việt Nam trong giai đoạn từ 2021 – 2025. Trên cơ sở đó, từng địa phương cũng đã ban hành Đề án ở cấp địa phương để thực hiện các biện pháp hỗ trợ thực thi pháp luật bán hàng đa cấp trên phạm vi địa bàn, đặc biệt là biện pháp tuyên truyền, phát hiện và xử lý các trường hợp kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép tại địa phương.