Giải pháp xanh toàn diện cho chuyển đổi mô hình khu công nghiệp
Nhằm tìm kiếm các giải pháp chuyển đổi xanh, các kinh nghiệm và mô hình chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) xanh thành công, Liên chi hội Tài chính Khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) sẽ phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Diễn đàn“Giải pháp xanh toàn diện KCN và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc”.
Xu thế phát triển khu công nghiệp xanh
Thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs 2030), Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 26)... việc chuyển đổi các khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN) thông thường sang KCN xanh, KCN sinh thái là hướng phát triển tất yếu.
Các KCN ở Việt Nam đứng trước xu hướng chuyển đổi toàn diện để giữ chân khách hàng, các nhà đầu tư và thu hút các dự án đầu tư mới, nhất là những dự án công nghệ cao, quy mô lớn. Cùng với đó, để đón kịp dòng chảy của làn sóng FDI thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, xu hướng thu hút FDI trên thế giới đang thay đổi theo hướng xanh, bền vững, công nghệ cao, công nghệ mới... Sự dịch chuyển này đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn FDI chất lượng. Theo đó, các KCN cũng cần thay đổi.
Theo các chuyên gia, các KCN phát triển theo hướng bền vững đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Trên cơ sở đường lối đổi mới của Đảng, nhằm thực hiện chủ trương mở cửa, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, năm 1991, mô hình khu chế xuất (KCX), KCN xuất hiện ở Việt Nam. Từ đó đến nay, cả nước có 435 KCN được thành lập với quỹ đất công nghiệp khoảng 90,2 nghìn ha, thu hút lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng.
Hệ thống các KCN đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm, thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, và có những đóng góp rất quan trọng đối với thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của cả nước, đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, góp phần tạo việc làm, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực vẫn còn những hạn chế cần sớm khắc phục để phát triển bền vững và giữ được lợi thế cạnh tranh.
Việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hệ thống các KCN tại Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Các dịch vụ trong một số KCN chưa được cung cấp đầy đủ hoặc chất lượng chưa cao. Việc phát triển KCN, khu kinh tế gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên; năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao; chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội; các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần…
Việc thúc đẩy phát triển KCN theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững. Hệ thống KCN cần có những mô hình mới với các cơ chế chính sách phù hợp, thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn công nghệ cao, công nghệ lõi.
Giải pháp xanh cho việc chuyển đổi mô hình khu công nghiệp
Nghị quyết XIII của Đảng đã xác định tầm nhìn của đất nước đến năm 2025, 2030 và 2045 với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 50%. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp với tư duy mới, đột phá táo bạo hơn nữa và có bước đi phù hợp.
Nghị quyết số 23-NQ/TW về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia; Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế… thể hiện sự quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam. Mới đây ngày 30/10/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký Quyết định số 2517 về việc thành lập Ban chỉ đạo dự án “Nhân rộng phương pháp tiếp cận KCN sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam”.
Thực tế cho thấy mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực khi được nhân rộng trên cả nước. Và việc xây dựng KCN mới cũng như chuyển đổi KCN truyền thống theo hướng xanh, bền vững muốn thành công cần phải có tài chính, công nghệ, hợp tác và liên kết. Việc phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các KCN là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho nền kinh tế.
Diễn đàn “Giải pháp xanh toàn diện KCN và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc” sẽ diễn ra vào ngày 2 ngày 8-9/12/2024 tại tỉnh Vĩnh Phúc là cơ hội để các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tiếp cận các mô hình phát triển KCN xanh, KCN sinh thái, KCN thông minh, các giải pháp về pháp thải carbon đến từ các nước và vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản. Diễn đàn cũng là cơ hội kết nối hệ sinh thái công nghiệp và xúc tiến đầu tư vào các KCN Việt Nam.
Diễn đàn có sự tham gia của đại diện các cơ quan Trung ương: Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và các địa phương, các chuyên gia, diễn giả, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng các cơ quan thông tấn báo chí; đại diện các đại sứ quán, cơ quan tham tán thương mại, văn phòng đại diện của các nhà đầu tư nước ngoài, các hiệp hội, tổ chức Việt Nam và quốc tế nhằm tăng cường thu hút đầu tư trong nước và quốc tế thông qua việc quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc và của các địa phương trong vùng…/.