Tối ngày 3/10, tại Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Hội Xuất bản Việt Nam, Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia tổ chức Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ V.
Tới dự Lễ trao giải có Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng; Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; cùng các đại biểu các bộ, ngành Trung ương và các tác giả, nhà nghiên cứu, dịch giả, nhà văn, các NXB, các đơn vị phát hành trên cả nước.
Phát biểu tại Lễ trao giải, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng các tác giả, dịch giả, các đơn vị xuất bản, phát hành sách đã đoạt Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ V; đánh giá cao Bộ TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam và những người làm công tác xuất bản đã chung tay tổ chức thành công giải thưởng.
Phó Thủ tướng cho hay: Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu rõ: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước". Trong phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa khi khẳng định: "Văn hóa còn thì dân tộc còn". Quan điểm đó, khẳng định đó xuất phát từ ý nghĩa văn hóa chính là con người. Một quốc gia muốn hùng cường, một dân tộc muốn phát triển không thể thiếu đi văn hoá, thiếu đi những con người hội tụ bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị văn hóa thời đại".
Từ đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: "Giải thưởng Sách Quốc gia chính là hoạt động cụ thể hóa sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội với văn hóa đọc, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách, tôn vinh giá trị của sách, người viết sách... Đến nay, Giải thưởng sách Quốc gia đã thực sự trở thành sự kiện văn hóa giàu ý nghĩa, góp phần đưa giá trị sách lan tỏa, thẩm thấu sâu vào đời sống xã hội.
Báo cáo tổng kết Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ V, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ V cho biết: Sách tham dự Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ V được in và nộp lưu chiểu trong khoảng thời gian từ ngày 1/11/2020 đến ngày 31/10/2021. Giải thưởng năm nay chỉ có một giải A duy nhất, được trao cho tác phẩm Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của tác giả Lê Quang Định, do nhà nghiên cứu Phan Đăng dịch và chú giải, nhà xuất bản (NXB) Thế Giới và Công ty CP sách Thái Hà xuất bản. Cuốn sách được coi là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn, ra đời năm 1806.
Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 9 giải B và 16 giải C cho các hạng mục: Sách chính trị - kinh tế, khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, văn hóa - văn học và nghệ thuật, sách thiếu nhi.
Tham dự giải lần này có 48/57 NXB tham gia; với 298 bộ sách và tên sách, gồm 386 cuốn. So với mùa giải lần thứ IV, mùa giải lần này nhiều hơn 1 NXB tham gia; nhiều hơn 14 tên sách và bộ sách; 21 cuốn sách. Nhìn chung, các cuốn sách được đề xuất Giải thưởng đều bảo đảm chất lượng, có nội dung phong phú, hình thức đẹp, có tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự và đang được xã hội quan tâm.
Bên cạnh báo cáo về Giải thưởng Sách Quốc gia Lần thứ V, ông Hoàng Vĩnh Bảo cũng tóm tắt kết quả Giải thưởng Sách Quốc gia qua 04 mùa giải trước. Qua đó, khẳng định Giải thưởng Sách Quốc gia đã thể hiện xứng tầm là giải thưởng cấp quốc gia, trao giải cho những cuốn sách (bộ sách) có giá trị nổi bật về nội dung tư tưởng, tri thức, thẩm mĩ; có tác động mạnh mẽ đến cộng đồng; khuyến khích, tôn vinh những người sáng tác và những người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản sách Việt Nam, góp phần phát hiện, lưu giữ, quảng bá những tác phẩm có giá trị đến với đông đảo bạn đọc, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp xuất bản phát triển theo đúng hướng và phù hợp với xu hướng hội nhập.
Giải thưởng Sách Quốc gia cũng đã trở thành giải thưởng uy tín của ngành xuất bản, tôn vinh giá trị và người làm sách trong cả nước. Đây cũng là cơ hội để các NXB nhìn lại những thành quả lao động trong suốt một năm và bạn đọc cả nước có thêm kênh thông tin để cùng tìm kiếm sự đồng cảm sâu sắc qua cách chấm giải thưởng có sự tương đồng với chính người đọc./.