Giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng thích ứng trước khủng hoảng

Hải Anh| 12/11/2022 10:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo nhằm bàn bạc những giải pháp giúp các doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với khủng hoảng để tiếp tục phát triển bền vững.

Nhiều doanh nghiệp lúng túng trước khủng hoảng, khó khăn

Hai năm gần đây, doanh nghiệp phải đứng trước nhiều tình thế biến động bất lợi. Ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến nền kinh tế chung trên toàn cầu có những mức độ chững lại nhất định. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới cũng gây ra những biến động phức tạp, khó lường trong công việc kinh doanh, giao thương toàn cầu. Chuỗi cung ứng vì thế cũng gặp nhiều ảnh hưởng và đứt gãy, gây ra những xáo trộn, bị động cho nhiều doanh nghiệp. Trước tình thế này, các doanh nghiệp nếu muốn phát triển bền vững cần chuẩn bị sẵn sàng tinh thần đối phó với các cuộc khủng hoảng có thể đoán trước hoặc khủng hoảng bất ngờ như chiến tranh, dịch bệnh, hay biến động trong môi trường tài chính, nhân sự…

Mới đây, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), đã tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng COVID-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng”.

Ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước đã bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19. Vì thế, các doanh nghiệp đã gặp không ít bất lợi, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, nguy cơ phá sản. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên sức chống đỡ trước những biến động bất lợi có phần hạn chế.

Tình thế này khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, khi biến cố xảy ra, hầu hết các doanh nghiệp đề lúng túng trong việc tìm hướng đi hoặc trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Những tình thế bị động như vậy gây rất nhiều bất lợi cho doanh nghiệp. Trong năm 2020, năm đầu tiên khi đại dịch bắt đầu xuất hiện và dần bùng nổ ở nước ta, đã có hơn 100.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, tỷ lệ cao hơn 13,9% so với năm 2019. Đặc biệt, trong năm 2021, số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh, phá sản lên đến mức nhất trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh. Rõ ràng, lúng túng và chưa có giải pháp chống đỡ trước những khủng hoảng xảy ra đã khiến doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro, đình trệ và thậm chí là ngừng hoạt động.

Phát huy vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý

Kết quả khảo sát cho thấy yếu tố quan trọng nhất giúp doanh nghiệp có thể thích ứng và vượt qua khủng hoảng là năng lực quản trị doanh nghiệp, yếu tố này chiếm tới 32,9%. Ngoài ra, những yếu tố như thị trường khách hàng, quy mô vốn của doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng, với tỷ lệ trên 20%. Những yếu tố khác góp phần giúp doanh nghiệp có thể đứng vững trong khủng hoảng là ngành nghề kinh doanh, khả năng huy động vốn, thời gian hoạt động và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Một số giải pháp đã được nhóm nghiên cứu đưa ra nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng linh hoạt và phục hồi hiệu quả sau khủng hoảng. Chẳng hạn, những giải pháp ngắn hạn doanh nghiệp nên chủ động thực hiện như cân đối dòng tiền, tiết kiệm chi phí, cắt giảm các khoản chưa cần thiết, đặc biệt là phải đảm bảo hiệu quả hoạt động và dòng tiền. Nếu có những vấn đề đột xuất phát sinh, cần nhanh chóng giải quyết để đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhân sự là tài sản quan trọng của doanh nghiệp, vì thế, cần thường xuyên có những cuộc trao đổi, đối thoại với người lao động, nhất là khi xảy ra khủng hoảng xảy ra. Điều này nhằm chia sẻ và đưa ra các phương hướng hoạt động trong bối cảnh khủng hoảng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần có các giải pháp hỗ trợ người lao động trong khó khăn.

Bàn thảo giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng thích ứng trước khủng hoảng - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp cần lưu ý nâng cao sản phẩm, dịch vụ, nhanh nhạy nắm bắt xu hướng tiêu dùng

Chất lượng các sản phẩm, dịch vụ phải luôn luôn cải tiến, nâng cao đặc biệt là nhanh nhạy nắm bắt xu hướng tiêu dùng để kịp thời chuyển hướng. Trong thời đại công nghệ thông tin và cách mạng 4.0, nên áp dụng cả các hình thức kinh doanh số, thương mại điện tử, bên cạnh các hình thức, phương thức bán hàng truyền thống.

Để đảm bảo nguồn tiền, doanh nghiệp cần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn. Trong thời đại thông tin nhanh nhạy, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thị trường, tình hình kinh tế, chính trị trong nước và trên thế giới; có các giải pháp tăng cường liên kết chuỗi cung ứng và tham gia vào các mạng lưới hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và địa phương.

Về phía các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cần tổ chức các diễn đàn, hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm trước các thay đổi, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp học hỏi, gặp gỡ và giao lưu, kết nối nhằm mở rộng thị trường, hỗ trợ lẫn nhau. Các hiệp hội cũng có thể đưa ra các sáng kiến, đề xuất giải pháp với Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. 

Để giúp doanh nghiệp vững mạnh và chống đỡ tốt trước các khủng hoảng trong nước và trên thế giới, vai trò của các gói chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý, bộ, ngành và địa phương rất quan trọng. Vì thế, những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ nếu được bổ sung, gia hạn sẽ giúp doanh nghiệp trụ vững trong khủng hoảng và dần hồi phục, phát triển. Môi trường kinh doanh, đầu tư, các thủ tục hành chính được cải cách sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. 

Ngoài ra, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược, kế hoạch hoạt động dài hạn, có kế hoạch ứng phó với khủng hoảng để không bị động trước các biến cố. Hệ thống quản trị doanh nghiệp cũng như quy trình kinh doanh cần được xây dựng bền vững, chủ động. Các hiệp hội cần tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực nhận biết và quản trị khủng hoảng cho các lãnh đạo doanh nghiệp. Xây dựng các bộ cẩm nang giúp doanh nghiệp nhận biết và hướng dẫn cách vượt khủng hoảng. Các hiệp hội có thể tiến hành nghiên cứu, đánh giá thách thức, thời cơ, xu hướng kinh doanh, đặc biệt là các yêu cầu về kinh doanh bền vững, kinh doanh xanh.

Các hiệp hội, ngành nghề cần phát huy vai trò cầu nối cho doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng, kết nối giao thương, góp ý, đề xuất các vấn đề về chính sách, cơ chế hoạt động….

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, có các giải pháp dài hạn nâng cao khả năng thích ứng với khủng hoảng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cần hoàn thiện chính sách pháp luật, cải cách hành chính; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác những cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; giải quyết những khó khăn về nguồn nhân lực có kỹ năng, chất lượng./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng thích ứng trước khủng hoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO