Lệnh phong tỏa để phòng chống virus corona tại Vũ Hán, Trung Quốc sẽ kết thúc vào ngày 8/4, nhưng thành phố này có thể đứng trước nguy cơ tái bùng phát dịch.
Italy đã áp dụng những biện pháp tương tự - hiện tại số ca lây nhiễm ở Italy đã gần bằng Trung Quốc, và số cả tử vong vì dịch cao hơn Trung Quốc rất nhiều.
Từ khi Vũ Hán có đợt phong tỏa lịch sử vào ngày 23/1, số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đã giảm mạnh. Quốc gia này báo cáo không có trường hợp nhiễm mới nội địa lần đầu tiên vào ngày 19/3. Ngày 25/3, Trung Quốc bắt đầu cho phép người dân ở tỉnh Hồ Bắc - bên ngoài thủ phủ Vũ Hán - rời khỏi nhà với một số điều kiện nhất định. Tại nhiều vùng ở Trung Quốc, các lớp học bắt đầu quay trở lại và nhiều doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sau nhiều ngày đóng cửa.
Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế lo ngại rằng việc gỡ bỏ phong tỏa có thể khiến công cuộc chống dịch "bắt đầu lại từ đầu".
Trả lời Business Insider, Tiến sĩ Ben Cowling - nhà dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, chuyên nghiên cứu về lây nhiễm và các biện pháp phòng dịch - cho biết việc phong tỏa đã trì hoãn đỉnh dịch khoảng 3 tháng.
Ông Cowling cho rằng: "Điều đang xảy ra ở Vũ Hán và tại miền bắc Italy không phải là đỉnh của đại dịch. Có khả năng đợt dịch thứ 2 sẽ bùng phát trở lại. Vậy họ sẽ lại phong tỏa thành phố một lần nữa hay sao?"
Sân bay Quốc tế Hong Kong. Ảnh: Tyrone Siu/Reuters
Mối nguy từ du khách và người không có triệu chứng bệnh
Có hai hình thức virus corona có thể quay trở lại khi người dân bắt đầu rời nhà, tới cơ quan, đưa con cái quay trở lại trường học hoặc đi mua sắm.
Hình thức đầu tiên, một số người dân vẫn có thể mang trên mình virus nhưng không biết điều này. Họ có thể lây lan dịch và gây ra đợt bùng phát thứ 2 của COVID-19.
Hình thức thứ hai, những du khách quốc tế có thể đem virus từ nước ngoài trở lại.
Theo Business Insider, hình thức lây truyền thứ hai đã dẫn tới số ca lây nhiễm mới tăng mạnh ở Hong Kong.
Hong Kong chỉ có 100 ca dương tính từ đầu tháng 3. Khu vực này đã khuyến nghị người dân thực hiện giữ khoảng cách xã hội, làm việc tại nhà, thực hiện chiến dịch cung cấp thông tin cho cộng đồng, lập bản đồ khu vực có dịch. Ngày 2/3, người dân bắt đầu quay trở lại các công ty. Hai tuần sau đó, Hong Kong ghi nhận thêm 160 ca dương tính mới với COVID-19.
Tuần trước, khi người dân từ nước ngoài bắt đầu quay trở về nhà, số ca nhiễm bệnh ở Hong Kong tăng gần gấp đôi. Tới ngày 25/3, Hong Kong có 410 ca dương tính với virus corona.
Nhà phân tích của CNN James Griffith đánh giá: "Đây là xu hướng đang xảy ra ở các nước châu Á - ví dụ như Trung Quốc, Singapore. Các nước này đang đặt ra các hạn chế mới trước nguy cơ số ca lây nhiễm mới tăng trở lại".
Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam cho biết thành phố này đã đứng vững trước hai đợt dịch đầu tiên.
"Đợt dịch đầu tiên là khi virus từ Trung Quốc đại lục lây lan sang, vậy nên chúng tôi đã áp dụng nhiều biện pháp chặt chẽ. Đợt dịch thứ hai là lây nhiễm trong cộng đồng, với những ổ dịch xuất phát từ các hoạt động tập trung đông người, ăn uống. Hiện tại, Hong Kong đang đối diện với đợt dịch thứ 3," bà nói.
Trong thông báo mới nhất vào ngày 23/3, Hong Kong đã cấm người sống ngoài thành phố vào khu vực, đưa các công dân nước ngoài về nước và thực hiện xét nghiệm bắt buộc đối với tất cả những người vào Hong Kong. Bà Lam yêu cầu tất cả các quán bar và nhà hàng dừng bán rượu.
Singapore và Đài Loan cũng đưa ra những chính sách mới để hạn chế "nhập khẩu" virus.
Đợt dịch mới
Hiện tại, gần như tất cả các trường hợp nhiễm virus corona mới ở Trung Quốc đều tới từ nước ngoài, bao gồm sinh viên Trung Quốc trở về nhà.
"Những trường hợp này là nguy cơ cho đợt dịch bùng phát lần hai. Trung Quốc cần quyết định liệu có nên tiếp tục phong tỏa hay không," ông Cowling nói.
Ngăn ngừa "nhập khẩu" virus có thể là chìa khóa để kiểm soát đợt dịch tiếp theo.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science cho thấy hạn chế di chuyển sẽ có hiệu quả một khi quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đã chặn được dịch trong khu vực cộng đồng.
Một số chuyên gia y tế và nhà khoa học Trung Quốc cho rằng đợt bùng phát dịch tiếp theo sẽ không quá nguy hiểm.
Cao Wei, phó giám đốc tại Khoa Bệnh Truyền nhiễm ở Đại học Y Bắc Kinh, cho biết: "Theo tôi, đợt bùng phát dịch lần hai tại Trung Quốc sẽ không đáng lo ngại".
Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã khiến hơn 50 triệu người tử vong trong ba đợt dịch. Đợt thứ hai là nguy hiểm nhất.
Do đó, một khi các ca nhiễm COVID-19 bắt đầu tăng trở lại, chính quyền các nước cần phải thực hiện phong tỏa lần thứ hai.
"Những gì xảy ra ở Vũ Hán có thể xuất hiện đi xuất hiện lại," ông Cowling nói.