Hướng đi Bus "số"
Vừa qua, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai, công bố vận hành ứng dụng Go!Bus trên hai hệ điều hành di động phổ biến Android và iOS.
Theo đó, đây là phần mềm đầu tiên ở Việt Nam do công ty FPT (FPT IS) và Grab phát triển. Ứng dụng sẽ vận hành, tích hợp trên nền tảng giữa giao thông công cộng bằng xe buýt (trong tương lai gần là tàu điện ngầm, xe buýt nhanh BRT, WaterBus) và các chuyến đi bằng các dịch vụ Grab (GrabBike, GrabCar).
Go!Bus vận hành trên phương thức "lấy người dân, hành khách sử dụng giao thông công cộng làm trung tâm", người dân có nhiều quyền lựa chọn tuyến đi đa dạng, thuận lợi vào mọi khung giờ thời gian đi, sẽ có những trải nghiệm tiên tiến, tốt nhất khi sử dụng phương tiện này.
Bên cạnh đó, Go!Bus có những ưu điểm như khả năng: Thông báo giờ xe chạy đến các trạm, cung cấp thông tin tuyến xe, phản ánh, hướng dẫn hành khách, cho phép người sử dụng tìm kiếm đường đi bằng các phương tiện giao thông công cộng của thành phố…
Ngoài ra, ứng dụng còn hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành giao thông, đồng thời tăng cường chất lượng phục vụ hành khách, thu hút người dân tham gia giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân, ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Cũng theo đại diện Go!Bus, trong thời gian vận hành ứng dụng, công ty không ngừng bổ sung, hoàn thiện, tiếp thu các ý kiến đóng góp của người dùng để bổ sung các tính năng, tiện ích hơn nữa vì mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ hành, người dân ngày một tốt hơn.
Nhân dịp ra mắt ứng dụng Go!Bus, Grab thông báo tặng mã ưu đãi có giá trị giảm 10.000 đồng/chuyến, áp dụng cho khách hàng sử dụng từ ngày 10/07/2020 đến 10/08/2020 cho các chuyến xe được đặt qua Go!Bus kết hợp dịch vụ Grab
Những mong muốn, đóng góp của Grab
Có thể nói, TP. Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất Việt Nam xét về quy mô dân số và mức độ đô thị hóa (tính đến tháng 4/2019, mật độ dân số TP. Hồ Chí Minh là 8,99 triệu dân, trong đó tỷ lệ bình quân 4.363 người/km2). Chính vì điều này, giao thông giờ cao điểm tại TP. Hồ Chí Minh luôn là vấn đề "nóng" luôn được thành phố ưu tiên giải quyết nhằm giảm áp lực.
Cách đây gần 1 năm (tháng 8/2019), tại một cuộc họp hội thảo tại Singapore, đại diện Grab Việt Nam cũng đã bày tỏ những mong muốn, đề xuất được đóng góp cho thành phố được về việc sử dụng công nghệ Grab, như một công cụ hữu hiệu để nâng cao chất lượng phục vụ vận tải, giao thông cho người dân. Đến nay, đây được xem như dấu mốc ghi nhớ để triển khai, thực những mong muốn, cam kết đó.
Đến nay, Grab đã hoạt động tại thị trường Việt Nam được 6 năm, phát triển một hệ sinh thái lớn trên các lĩnh vực di chuyển gắn với giao thông, các dịch vụ đa dạng như: GrabTaxi, GrabCar, GrabCar Plus, GrabCar Doanh Nghiệp, GrabBike, GrabBike Premium…
Việc TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Grab, triển khai ứng dụng Go!Bus không chỉ thể hiện quyết tâm của thành phố trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông nội đô thành phố, đây còn là sự tích cực trong việc chấp hành, triển khai Quyết định số 923/QĐ-TTg, ngày 30/6/2020 về việc Phê duyệt Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông vận tải, tập trung đối với lĩnh vực đường bộ" do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký.
Sự kiện trên cũng được coi là một hướng đi tích cực của TP. Hồ Chí Minh trong xu thế chuyển đổi số của Chính phủ và xây dựng nền kinh tế số trong giai đoạn 2020 - 2025, đảm bảo vì mục tiêu thông suốt, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường cho tất cả các phương thức vận tải.