Gỡ khó để ngành cao su phát triển và tăng kim ngạch xuất khẩu

HA| 08/11/2022 16:15
Theo dõi ICTVietnam trên

Mặc dù có sự tăng trưởng và nỗ lực, ngành cao su Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.

Các doanh nghiệp ngành cao su luôn nỗ lực nhằm duy trì sản xuất, bảo đảm sản lượng và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Không chỉ đóng góp vào ngân sách kinh tế, ngành cao su cũng có những đóng góp vào độ che phủ rừng, an ninh quốc phòng, giải quyết công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam có sự tăng trưởng tốt trong những năm gần đây. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt gần 1,4 triệu tấn trong 9 tháng năm 2022, giá trị đạt 2,3 tỷ USD. Như vậy, kết quả xuất khẩu này tăng 8,4% về lượng và tăng 6,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2021.

Tại Hội thảo tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy ngành cao su phát triển bền vững, ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, ngành cao su đóng góp khoảng 7-8 tỷ USD mỗi năm vào ngân sách Nhà nước. Đó là đóng góp của các sản phẩm chính làm từ cao su thiên nhiên, các sản phẩm công nghiệp cao su và gỗ cao su.

Hiện nay, nhằm tập trung tăng năng suất, ngành cao su đang sử dụng các loại giống cao sản, đồng thời chuyển biến cơ giới hóa, áp dụng khoa học, kỹ thuật để mang lại năng suất cao hơn, nghiên cứu phát triển bền vững. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành cao su cũng nỗ lực xây dựng thương hiệu để giúp ngành cao su Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Mặc dù có sự tăng trưởng và nỗ lực, ngành cao su Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức đến từ những cạnh tranh trên thị trường cũng như cơ chế chính sách. Ngành cao su đang phải cạnh tranh mạnh mẽ về giá thành sản phẩm, trong khi đó nhiều thị trường đặt ra các tiêu chuẩn về chất lượng, uy tín thương mại khắt khe hơn. Trong khi đó, bản thân các doanh nghiệp cao su lại gặp một số khó khăn như vấn đề thuế giá trị gia tăng, hay chưa được hưởng chính sách hỗ trợ như các sản phẩm trồng trọt khác.

Theo thông tin được đưa ra tại Hội thảo, doanh nghiệp xuất khẩu cao su gặp khó với việc phải nộp thuế giá trị gia tăng. Mặc dù khoản thuế này sẽ được hoàn lại cho doanh nghiệp sau khi xuất khẩu, nhưng phải mất từ 4-9 tháng chờ đợi, thậm chí có trường hợp lâu hơn, vì thế doanh nghiệp bị tồn đọng thuế hoàn số tiền lớn. Điều này khiến doanh nghiệp bị tốn kém chi phí trả lãi suất vay ngân hàng cho số vốn tạm nộp thuế giá trị gia tăng. Và khó khăn sẽ càng lớn hơn khi doanh nghiệp xuất khẩu càng nhiều. Do vậy, một số doanh nghiệp đã giảm xuất khẩu cao su hoặc chuyển sang nông sản khác.

Đứng trước những khó khăn này của ngành cao su, một số giải pháp đã được các chuyên gia tham dự Hội thảo đề xuất. Hiệp hội Cao su Việt Nam đã đề nghị xem xét áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ thu hoạch gỗ cây cao su thanh lý như với các sản phẩm trồng trọt khác.

Ngoài ra, một số đề xuất tháo gỡ khó khăn khác cũng được đưa ra như sự đồng bộ về chính sách thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng; xem xét hỗ trợ trong chính sách đất đai, miễn tiền thuê đất trong những trường hợp đáp ứng điều kiện phù hợp. Cần có giải pháp hỗ trợ ngành cao su quảng bá, xây dựng hình ảnh thương hiệu và đăng ký bảo hộ tại thị trường nước ngoài tương tự như các nông sản khác.

Đại diện lãnh đạo các đơn vị tham gia Hội thảo như Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính... đều chia sẻ khó khăn và cam kết trong thời gian tới sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp ngành cao su./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó để ngành cao su phát triển và tăng kim ngạch xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO