Để phát huy tốt vai trò lên án, phản ánh, phát hiện, phơi bày, định hướng xã hội… để giảm các các nỗi đau, vấn nạn trên, báo chí cần tiếp cận thế nào để phát huy hiệu quả truyền thông, định hướng dư luận xã hội nhưng vẫn đảm bảo tính nhân văn, đáp ứng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
Để trả lời cho câu hỏi này, các đại biểu là các chuyên gia, đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhà báo… đã có những chia sẻ sôi nổi tại hội thảo trực tuyến "Báo chí với vấn đề bạo lực phụ nữ và trẻ em gái" do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (SJC) thuộc Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV), ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức sáng ngày 25/11.
Các bài viết không được làm tổn thương, khơi gợi nỗi đau
Phát biểu tại tọa đàm, GS. TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV, nhấn mạnh, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phản ánh các vấn đề nhằm cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng; nâng cao nhận thức, hướng dẫn, định hướng dư luận xã hội để giảm thiểu số lượng, như hậu quả của các sự việc bạo hành, bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em.
Tuy nhiên, để báo chí hoàn thành tốt vai trò của mình, nhà báo cần được trang bị, cập nhật đầy đủ các kiến thức kỹ năng, thái độ đúng đắn khi tác nghiệp, phản ánh các bài viết về chủ đề này.
Do đó, cách tiếp cận và xử lý thông tin về các đối tượng là nạn nhân của bạo hành, bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ khi thể hiện trên các góc máy quay, lời nói, hình ảnh phản ánh… cần được thể hiện thể hiện đúng, chuẩn mực, tránh làm tổn thương, khơi gợi nỗi đau. Đây là vấn đề quan trọng, cấp thiết, tính nhân văn cần tuân thủ.
Cũng theo GS. TS. Hoàng Anh Tuấn, sự kiện hôm nay (ngày 25/11), có ý nghĩa quan trọng hơn khi tổ chức đúng vào ngày LHQ chọn là ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Trường Đại học KHXH&NV vinh dự được đồng hành cùng UNESCO tổ chức sự kiện quan trọng này và qua đây, chúng ta, các cá nhân, tổ chức bảo vệ phụ nữ và trẻ em khắp thế giới, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc… cùng quyết tâm thắp sáng ngọn lửa bảo vệ quyền: Riêng tư; không bị đối xử bất công; không chịu thêm nỗi đau… vì mục tiêu hướng đến sự bình đẳng, tiến bộ phát triển xã hội, môi trường sống bền vững.
Là người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu đối với các vấn đề về bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), cho rằng ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cầm bút, các nhà báo khi viết đối với đề tài nhạy cảm này có kiến thức và sự đồng cảm, thay vì chạy theo nhiệm vụ thời sự hay câu "view". "Nhà báo cần trang bị kiến thức về bình đẳng giới, bạo lực giới, nhạy cảm giới", bà Anh nêu quan điểm.
Cũng theo bà Anh, với các đối tượng là phụ nữ và trẻ em, vốn là người dễ bị tổn thương thì thái độ tác nghiệp và sự an toàn phải đặt lên hàng đầu. Nếu người trong cuộc chưa sẵn sàng, người viết bài cần phải kiên nhẫn. Sự kiên nhẫn cũng là một phẩm chất của sự rèn luyện tạo nên nhân cách báo chí.
Thêm công cụ nâng cao đạo đức cho các bài viết về chủ đề bạo lực giới
Tại tọa đàm, bà Lucila Carrasco, đại diện Văn Phòng UNESCO tại Hà Nội giới thiệu tài liệu sách cẩm nang dành cho nhà báo đối với vấn đề bạo hành phụ nữ & trẻ em. Theo đó, đây là tài liệu dành cho các chuyên gia truyền thông trên toàn cầu, được xây dựng theo khung hành động của UNESCO nhằm thúc đẩy sự phát triển của truyền thông, đào tạo báo chí và bình đẳng giới - một tiêu chí phát triển của báo chí & truyền thông hiện nay.
Mục tiêu tài liệu hướng đến nhằm: Khuyến khích việc đưa tin phản ánh về thực trạng; nâng cao việc đưa tin có đạo đức về bạo lực giới; cung cấp kinh nghiệm thực tiễn cho các chuyên gia truyền thông về bạo lực giới…
Cẩm nang gồm 02 Chương với 10 chủ đề, trong đó đề cập bắt nạt ảo (bắt nạt trực tuyến) và lạm dụng trực tuyến đối với các nhà báo nữ; tảo hôn hay kết hôn trẻ em; xâm hại tình dục, tấn công tình dục và hiếp dâm; bạo lực với phụ nữ khi có xung đột…
Đặc biệt tại mỗi chương sẽ có các chuyên mục cụ thể nêu các khái niệm, dẫn chứng, số liệu, giải thích, lời khuyên, phương thức nhiều kiểu bảo lực… Cùng với đó, giúp các nhà báo khi đưa tin, viết bài đưa ra các khuyến nghị đúng đắn; nêu giải quyết các vấn đề toàn diện, khách quan hơn.
"Những lời khuyên có tính chất thực tiễn về những bước hành động căn bản trong quá trình đưa tin, biên tập tin như: Đảm bảo thái độ tôn trọng, an toàn, tin cậy dành cho người được phỏng vấn, lấy ý kiến chấp thuận tham gia phỏng vấn, kỹ năng lắng nghe có phản hồi, lựa chọn địa điểm thực hiện lấy tin, bài, sự nhạy cảm văn hóa, lựa chọn phiên dịch, lựa chọn hình ảnh làm tin… Tất cả có trong cẩm nang", đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhấn mạnh.
Truyền thông cần các bài viết rõ ràng hơn về bình đẳng giới và giới tính
Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ, ông Lê Xuân Trung cho rằng vấn nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em cần vượt khỏi những câu chuyện riêng để giải quyết các vấn đề chung dựa trên giải pháp thực tế.
Do đó, thời gian qua báo Tuổi trẻ luôn hướng đến các bài viết tích cực đấu tranh cho công bằng, tiến bộ xã hội và bình đẳng giới; bảo vệ những người yếu thế; tiếp cận các giải pháp mới để giải quyết những vấn đề cộng đồng đang đương đầu.
Cũng theo nhà báo Lê Xuân Trung, giờ đây trách nhiệm của các cơ quan báo chí cần chủ động, tích cực hơn việc nhận thức rõ những vấn đề cơ bản về giới và giới tính; cần được đào tạo, tập huấn thường xuyên các kiến thức mới, quy định mới, kỹ năng mới về nghề nghiệp (ứng xử, tác nghiệp, truyền thông cần rõ ràng các bài viết về bình đẳng giới và giới tính); cần thiết phải xây dựng cẩm nang bình đẳng giới trong các cơ quan báo chí hoặc đưa vào bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của các hội nhà báo, từng cơ quan báo chí.
Đặc biệt, nhà báo cần am hiểu sâu, rõ luật pháp và xã hội, tránh nhầm lẫn giữa giới và giới tính. Cụ thể, hơn về điều này, theo nhà báo Trung, chúng ta tôn trọng sự khác biệt giới tính bởi những khác nhau về đặc tính sinh học của nam/nữ/giới tính khác. Tuy nhiên, chúng ta không đánh đồng sự khác biệt giới tính với sự định kiến về giới tính (đàn ông/đàn bà/dạng khác).
"Nếu chúng ta không làm tốt điều này sẽ tạo ra những ứng xử bất bình đẳng trong gia định, công việc, cuộc sống", nhà báo Trung nêu quan điểm
Cũng theo nhà báo Trung, tài liệu cẩm nang do UNESCO phát hành trên có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đề cập đến vấn đề bạo hành phụ nữ chính là một vấn nạn cần loại bỏ trong đời sống, đồng thời đây là vấn đề liên quan đến việc vi phạm nhân quyền là vấn đề lớn. Do đó, truyền thông cần phát huy tốt vai trò tuyên truyền, phản ánh, định hướng xã hội để góp phần thay đổi, tạo cái nhìn toàn diện về sự việc và thay đổi cả về luật pháp. Để làm tốt điều này báo chí cần thường xuyên đưa các tin, bài về các điều luật hiện hành và các biện pháp xử lý vấn nạn, tạo tác dụng răn đe, bảo vệ phụ nữ.
Cẩm nang chính là cơ chế, con đường để bảo vệ phụ nữ; kênh cung cấp số liên lạc cho nạn nhân và hướng dẫn cách để phụ nữ có thể nhận được sự bảo vệ và trợ giúp.
"Các tin, bài (sản phẩm báo chí) về chủ đề bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái cần đảm bảo tính cân bằng giới, không tiếp cận theo hướng phong trào nữ quyền mà cần đảm bảo sự bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ trên truyền thông - Cẩm nang của UNESCO chính là "báo chí tử tể"…", nhà báo Trung nhấn mạnh.
Nói về giải pháp, nhà báo Trung cho biết thêm, báo chí cần phân tích vụ việc dưới góc nhìn bình đẳng, tăng tin, bài, hình ảnh, nội dung tích cực về phụ nữ, đặc biệt là những câu truyện hay, truyền cảm hứng cho xã hội; xác định rõ hiện tượng/bản chất để hạn chế sa đà vào chi tiết, hiện tượng tiêu cực liên quan đến phụ nữ và trẻ em, không nên chú ý nhiều vào tình tiết mà nên tập trung vào tính vấn đề; cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế về cách xử lý hoặc giải quyết vụ việc một cách nhân văn./.