Cần đầu tư nguồn lực tốt cho truyền thông chính sách đối ngoại trong bối cảnh KHCN phát triển
Trong thế giới toàn cầu hóa, cách mạng khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ và tình hình thực tế tại Việt Nam, việc tăng cường nguồn lực cho truyền thông chính sách đối ngoại của Việt Nam là tất yếu.
Tăng cường nguồn lực cho truyền thông chính sách đối ngoại của Việt Nam là tất yếu
Truyền thông chính sách đối ngoại là một trong những nhiệm vụ của truyền thông chính sách. Thời gian qua, truyền thông chính sách đối ngoại đã có nhiều thành quả đáng ghi nhận và tự hào, song cũng còn có những kết quả chưa được như mong đợi. Một trong những nguyên nhân xuất phát từ nguồn lực đầu tư cho truyền thông chính sách đối ngoại. Vì thế, việc đầu tư phát triển nguồn lực để tạo điều kiện thuận lợi cho truyền thông chính sách đối ngoại là rất cần thiết.
Bên cạnh đó, bối cảnh quốc tế hiện nay đang hết sức khó lường và phức tạp. Tình hình xung đột quốc tế đang diễn ra có thể làm thay đổi quan điểm, chính sách đối ngoại của các quốc gia trong đó có Việt Nam. Sự phức tạp của bối cảnh, tình hình và quan hệ quốc tế đã buộc các quốc gia đứng trước những sự lựa chọn trong quan hệ với các quốc gia khác. Do vậy, công tác truyền thông chính sách đối ngoại được xác định là vô cùng quan trọng.
Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT về vấn đề này, TS. Lưu Thúy Hồng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: Truyền thông chính sách đối ngoại là một nội dung của truyền thông đối ngoại, đó là hoạt động có chủ đích của một quốc gia hướng tới chính phủ và nhân dân các quốc gia khác để có thông tin về chính sách đối ngoại của quốc gia mình nhằm xây dựng hình ảnh, vị thế quốc gia ở bên ngoài theo cách mà quốc gia đó muốn.
Truyền thông chính sách đối ngoại thực chất là việc truyền thông nội dung của chính sách đối ngoại từ khâu hoạch định (thông báo ý định của chính phủ, thăm dò ý kiến của dư luận quốc tế), thực hiện (thông tin về các hoạt động đối ngoại của quốc gia) đến đánh giá chính sách (thông tin và phân tích đánh giá các kết quả của hoạt động đối ngoại) góp phần xây dựng hình ảnh, vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Việt Nam luôn thực hiện quan điểm đối ngoại: Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, thế nên việc làm cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ về chính sách đối ngoại Việt Nam là vô cùng cấp bách. Thêm vào đó, cuộc cách mạng khoa học công nghệ (KHCN) đang là thách thức với nguồn lực cho truyền thông chính sách đối ngoại hiện tại Việt Nam. Thực tế này đã buộc Việt Nam phải sẵn sàng và đầu tư một nguồn lực tốt để truyền thông chính sách hiệu quả.
Ngoài ra, thực tiễn công tác truyền thông chính sách đối ngoại cũng đang đặt ra những yêu cầu mới cho sự phát triển nguồn lực.
“Trong thế giới toàn cầu hóa, cách mạng KHCN phát triển mạnh mẽ và tình hình thực tế tại Việt Nam, việc tăng cường nguồn lực cho truyền thông chính sách đối ngoại của Việt Nam là tất yếu”, TS. Lưu Thúy Hồng chia sẻ.

Kiến nghị chính sách về phát triển nguồn lực cho truyền thông chính sách đối ngoại
TS. Lưu Thúy Hồng cũng cho biết, nguồn lực cho truyền thông chính sách đối ngoại ở đây là tổng thể các lực lượng góp phần thực hiện thành công công tác truyền thông chính sách đối ngoại. Trong đó, phải kể đến các nguồn lực như: nhân lực, tài chính, thông tin, cơ sở vật chất, kỹ thuật...
Trong toàn bộ quá trình truyền thông nói chung và truyền thông chính sách đối ngoại nói riêng, nguồn lực có vai trò quan trọng quyết định. Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách thậm chí chiến lược để phát triển nguồn lực cho truyền thông chính sách nói chung và truyền thông chính sách đối ngoại nói riêng.
Để phát triển nguồn lực cho truyền thông chính sách đối ngoại, TS. Lưu Thúy Hồng đề xuất:
Về phát triển nguồn nhân lực: Nâng cao và thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa thực tiễn truyền thông chính sách đối ngoại cho cán bộ và nhân dân thực hiện truyền thông chính sách đối ngoại thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tập huấn chính thức và chính quy. Trong đó, đảm bảo trách nhiệm của người đứng đầu (lãnh đạo) về công tác truyền thông chính sách đối ngoại tại các cơ quan, đơn vị chính thức làm nhiệm vụ truyền thông từ Trung ương đến địa phương...
Đồng thời, tăng cường nhân lực làm công tác truyền thông chính sách hướng tới xây dựng một đội ngũ truyền thông chính sách đối ngoại chuyên trách với các tiêu chí cụ thể như: Trình độ hiểu biết về chính sách đối ngoại Việt Nam tốt, khả năng sử dụng tốt các ngoại ngữ và các phương tiện truyền thông mới, khả năng sáng tạo nội dung truyền thông, cập nhật, nắm bắt xu hướng, khả năng phân tích tình hình thế giới, nội dung chính sách đối ngoại của Việt Nam để tạo ra những sản phẩm sắc nét, hấp dẫn và chuẩn xác...

Đặc biệt, phân công một đội ngũ nòng cốt trong việc truyền thông tham vấn chính sách đối ngoại, cho ý kiến tham vấn, góp ý, phản biện quá trình xây dựng và thực hiện chính sách đối ngoại tiếp cận dưới góc độ truyền thông.
Cùng với đó, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ của những người làm công tác truyền thông chính sách đối ngoại không chuyên (người dân, những người có tầm ảnh hưởng trong xã hội, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, cán bộ cấp cơ sở, cán bộ địa phương đặc biệt các tỉnh biên giới, biển đảo bao gồm cả lực lượng công an, quân đội…). Từ đó, tạo ra sự đa dạng trong truyền thông chính sách đối ngoại nhưng vẫn đảm bảo sự chính xác, đầy đủ và toàn diện về chính sách đối ngoại của Việt Nam theo đúng thực tế và lợi ích quốc gia.
Về phát triển nguồn tài chính
Cần có kế hoạch hoặc quy chế quy định rõ ràng ngân sách dành cho truyền thông chính sách đối ngoại, nhằm tạo động lực và cơ chế cho hoạt động truyền thông chính sách đối ngoại.
Bên cạnh đó, huy động nguồn lực về tài chính đến từ các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ… với các cơ chế, quy định đầy đủ, toàn diện để tạo nguồn tài chính dồi dào.
Ngoài ra, cần chỉ đạo và tạo cơ chế lồng ghép các nội dung truyền thông chính sách đối ngoại vào trong các tác phẩm giải trí như phim truyền hình, phim điện ảnh, các quảng cáo để giảm thiểu chi phí.
Về phát triển nguồn lực vật chất, thông tin
Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật có liên quan đến công nghệ để tạo tiền đề và phát triển công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ cho công tác truyền thông chính sách đối ngoại.
Thêm vào đó, phát triển quản lý số, quản trị số trong quản trị truyền thông chính sách đối ngoại theo hướng vừa chặt chẽ vừa minh bạch. Ví dụ như sử dụng công nghệ rà quét, đánh giá xu hướng thông tin về chính sách đối ngoại, quan hệ quốc tế trên báo chí, truyền thông để nắm bắt các vấn đề phát sinh trong công tác truyền thông chính sách đối ngoại.
Liền đó là nâng cao chất lượng thông tin, đặc biệt là các thông tin liên quan đến đối tượng chính sách, địa bàn truyền thông chính sách đối ngoại theo tiêu chí: chính xác, đầy đủ; Đổi mới công tác cung cấp thông tin, đặc biệt là thông tin về nội dung chính sách đối ngoại cụ thể với các đối tác...
Bên cạnh những kiến nghị cụ thể, TS. Lưu Thúy Hồng cũng kiến nghị chính sách chung, đó là nâng cao nhận thức của toàn hệ thống chính trị, toàn dân về vị trí, vai trò của truyền thông chính sách đối ngoại; Hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về truyền thông chính sách đối ngoại.
Đồng thời, hoàn thiện cơ chế phối hợp về nhân sự và cơ sở vật chất kỹ thuật, thông tin giữa các chủ thể truyền thông chính sách đối ngoại như Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và các cơ quan báo chí phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Ngoại giao, các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong công tác truyền thông chính sách đối ngoại.
Đặc biệt, chủ động định hướng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí và các phương thức truyền thông khác về những vấn đề chính sách đối ngoại mà dư luận xã hội trong nước và quốc tế quan tâm.
Bên cạnh đó, xây dựng bộ công cụ đánh giá hiệu quả truyền thông chính sách đối ngoại trong bộ công cụ đo lường chung của truyền thông chính sách hướng tới thực hiện lợi ích quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Cùng với đó, tăng cường sức mạnh quốc gia, đặc biệt là sức mạnh kinh tế, quân sự, văn hóa… để tạo nguồn lực cho các hoạt động đối ngoại nói chung và truyền thông chính sách đối ngoại nói riêng; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tận dụng nguồn lực từ nhân lực (trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao) đến việc nhận tài trợ, hỗ trợ về tài chính, vật lực (cơ sở vật chất) và sự chia sẻ thông tin đến từ các quốc gia và các tổ chức quốc tế.
“Với các kiến nghị chính sách chung liên quan đến nhận thức, cơ chế, chính sách, sức mạnh quốc gia, xây dựng bộ công cụ, hợp tác quốc tế và các kiến nghị cụ thể đối với nguồn nhân lực, nguồn tài chính và nguồn lực về cơ sở vật chất, thông tin, mong rằng truyền thông chính sách đối ngoại Việt Nam sẽ luôn đạt được kết quả tốt, hoàn thành nhiệm vụ mà quốc gia giao phó, nhằm đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia và quảng bá được hình ảnh một Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện... trên trường quốc tế”, TS. Lưu Thúy Hồng bày tỏ./.