Gợi mở những “đáp án” cho bài toán kinh tế và bài toán công nghệ trong chuyển đổi số

Bình Minh| 16/06/2022 15:25
Theo dõi ICTVietnam trên

"Mô hình kinh doanh báo chí: Lựa chọn nào cho báo chí Việt Nam" là Tọa đàm trực tiếp và trực tuyến do Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phối hợp với Báo điện tử VietnamPlus thuộc TTXVN tổ chức chiều ngày 15/6, tại Hà Nội. Trong đó, gợi mở một số mô hình hiệu quả về tổ chức sự kiện, mô hình Agency quảng cáo; tối ưu hóa quảng cáo kỹ thuật số trên trang điện tử…

Gợi mở những “đáp án” cho bài toán kinh tế và bài toán công nghệ trong chuyển đổi số - Ảnh 1.

Tổng Biên tập VietNamPlus Trần Tiến Duẩn gợi mở nhiều vấn đề quan trọng trong chuyển đổi số báo chí tại Tọa đàm

Tọa đàm có nhiều tham luận đáng chú ý như: Tổng quan về tình hình báo chí trong nước và thế giới do nhà báo Hoàng Nhật trình bày; Mô hình kinh doanh thành công của Washington Post do TS.Ngô Bích Ngọc giới thiệu; CEO công ty Insider Jack Nguyễn giới thiệu về các giải pháp công nghệ dành cho báo chí. Tọa đàm còn có sự tham gia của các nhà báo: Hoàng Thủy Chung; Trần Việt Hưng; Chu Minh Trường; Trương Trí Vĩnh về các chủ đề mô hình Tổ chức sự kiện, mô hình Agency quảng cáo; tối ưu hóa quảng cáo kỹ thuật số trên trang điện tử.

Theo Tổng Biên tập VietNamPlus Trần Tiến Duẩn, Tọa đàm "Mô hình kinh doanh báo chí: Lựa chọn nào cho Việt Nam" mang tính chất gợi mở, giải quyết một trong những bài toán khó nhất đối với báo chí trong giai đoạn hiện nay. Những ý tưởng, ý kiến, kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ góp phần giúp các tòa soạn tìm ra hướng đi phù hợp nhất, vừa giải được bài toán kinh tế, vừa giải được bài toán công nghệ trong giai đoạn chuyển đổi số.

Nhà báo Hoàng Nhật chia sẻ, 2 năm khó khăn dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp cắt giảm nhiều nguồn kinh phí quảng cáo trên báo chí. Từ cuối năm 2021 bắt đầu phục hồi thị trường quảng cáo trên báo chí nhưng, thời gian vừa qua, có rất nhiều biến động đời sống kinh tế xã hội khiến báo chí gặp khó khăn.

Gợi mở những “đáp án” cho bài toán kinh tế và bài toán công nghệ trong chuyển đổi số - Ảnh 2.

Nhà báo Hoàng Nhật nêu ý kiến tại Tọa đàm

Theo nhà báo Hoàng Nhật, tại Hội thảo khoa học "Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn" mới đây, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân Lê Quốc Minh có phát biểu: Chuyển đổi số tạo cơ hội cho kinh doanh, trong đó có kinh doanh từ hoạt động báo chí. 

Nhà báo Hoàng Nhật cũng đưa ra phân tích, từ năm 2021, một số tổ chức nghiên cứu cũng đưa ra khảo sát cho thấy một số cơ quan báo chí đang đạt các bước tiến quan trọng trong việc chuyển đổi số. Thế nhưng, cũng có một tỷ lệ nhất định cơ quan báo chí thừa nhận mình đang tụt lại ở phía sau. "Từ đó, chúng ta cũng hình dung được báo chí đang ở đâu trong hành trình chuyển đổi số và cần có cách làm, hướng đi, định hướng như thế nào trong công cuộc chuyển đổi số báo chí", nhà báo Hoàng Nhật chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm trên, có ý kiến chuyên gia cho rằng, đợt dịch Covid-19 bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh, có tờ báo lần đầu tiên trong lịch sử đã phải dừng xuất bản khoảng 2 tuần. Đại dịch cộng với xu hướng chuyển đổi số khiến cho sự "dịch chuyển" trong doanh thu từ hoạt động báo chí sang điện tử ngày càng mạnh hơn. Một tổ chức quốc tế cũng đưa ra các số liệu báo cáo cho thấy, năm 2022 quy mô quảng cáo kỹ thuật số tạo ra doanh thu rất lớn, hiện nay đạt khoảng 1 tỷ USD. Có ý kiến cho rằng doanh số này rơi vào tay các hãng công nghệ lớn là chính. Song tiềm năng của các cơ quan báo chí vẫn còn rất lớn nếu chúng ta đi đúng hướng, chuyển đổi số thành công.

Gợi mở những “đáp án” cho bài toán kinh tế và bài toán công nghệ trong chuyển đổi số - Ảnh 3.

Toàn cảnh cuộc Tọa đàm

TS.Ngô Bích Ngọc chia sẻ, chuyển đổi số báo chí truyền thông, và đa dạng hóa trong lĩnh vực kinh doanh báo chí là chủ đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm trong thời gian qua. Kết quả nghiên cứu 3 năm nay liên quan đến các vấn đề dang dạng hóa nội dung trong quá trình chuyển đổi số báo chí cho thấy, một số mô hình của Mỹ, Anh, Singapo và Việt Nam thì câu chuyện tại Washington Post và những thành công của họ rất đáng được các cơ quan báo chí quan tâm.

Theo chia sẻ của chuyên gia tại Tọa đàm, có nghiên cứu về báo chí truyền thông trên thế giới cho thấy, truyền thông đang ở giai đoạn web 3.0, khi người dùng internet cũng có thể tự tạo ra nội dung và tự kiếm tiền, còn những nền tảng báo chí truyền thống lại đang mất dần độc giả. Do vậy, trong bối cảnh này, các cơ quan báo chí đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, trực tiếp đi tìm độc giả ở các nền tảng số, phát triển các mô hình kinh doanh mới mẻ.

Trong khi đó, tại Việt Nam, một số tòa soạn báo chí đã đẩy mạnh mô hình tổ chức sự kiện, tối ưu hóa quảng cáo kỹ thuật số trên báo điện tử, thực hiện các gói dịch vụ thông tin cho các doanh nghiệp, đăng ký trả phí (như: VietnamPlus, VietnamNet hay tạp chí Ngày Nay)... để tăng nguồn thu.

Thực tế, hoạt động gia tăng nguồn thu này cũng được nêu tại các mô hình như tổ chức sự kiện, spin-off, thương mại điện tử, kinh doanh dữ liệu… đây là những cách làm, thực tiễn đã được kiểm chứng hiệu quả. Do đó, các cơ quan báo chí cần nghiêm túc nhìn nhận và tham khảo.

Trong khi đó, Báo cáo tổng kết năm 2021 của WAN-IFRA cho thấy, những cuốn sách sáng tạo báo chí do Mạng lưới truyền thông quốc tế FIPP phát hành thường niên (được TTXVN xuất bản tại Việt Nam) đã giới thiệu những mô hình kinh doanh mới, phân tích ưu thế cũng như trở ngại mà các tòa soạn gặp phải khi áp dụng.

Nhiều nhà báo cũng chia sẻ tại Tọa đàm về giải pháp gia tăng nguồn thu khác như: tổ chức sự kiện, quảng cáo kỹ thuật số, báo chí dữ liệu là những tiềm năng màu mỡ, còn nhiều dư địa để phát triển và mang tính bền vững mà các cơ quan báo chí cần nghiên cứu, tìm cho mình hướng đi phù hợp với tôn chỉ mục đích và cách làm riêng…

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Gợi mở những “đáp án” cho bài toán kinh tế và bài toán công nghệ trong chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO