Các doanh nghiệp, công ty lớn có các hình ảnh, video, banner gắn trong những clip trên cũng đã tạm dừng quảng cáo trên YouTube, đồng thời khẳng định sẽ không tiếp tục quảng cáo trên kênh này nữa, nếu Google và các đại lý của mình không có giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng trên.
Sự việc bắt đầu vào giữa tháng 2 vừa qua, khi Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT và TT) đã ra thông báo việc hàng chục video được phát trên kênh YouTube có nội dung sai phạm. Đặc biệt, các nội dung này lại có chèn các video, hình ảnh hoặc gắn banner quảng cáo của một số thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam như Vinamilk, FPT, Vietnam Airlines, Mead Johnson, Nutrition Việt Nam...
Ngày 24-2, Bộ VHTTDL đã gửi công văn phúc đáp Bộ TT và TT về vấn về quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Theo đó, việc quản lý nội dung thông tin đăng tải trên trang thông tin điện tử xuyên biên giới thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ TT&TT.
Theo quy định tại khoản 1, điều 14 Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo “Trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng” và các văn bản pháp luật về quản lý, cung cấp của dịch vụ Internet thông tin trên mạng hiện hành. Vì vậy, các nội dung nói xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các clip đăng tải trên trang Youtube như phản ảnh cần được Bộ TT&TT ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời.
Tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 2, Bộ trưởng TT và TT Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp cung cấp nội dung xuyên biên giới như Google, YouTube để yêu cầu thực hiện nghiêm Thông tư 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới cũng như buộc các doanh nghiệp này gỡ bỏ những clip có nội dung độc hại được phát tán trên mạng.