GSA: Đã có 2.218 thiết bị đầu cuối LTE trên toàn cầu

03/11/2015 22:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Báo cáo mới nhất từ Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA) chính thức xác nhận đã có 2.218 thiết bị LTE của 138 nhà sản xuất được ra mắt trên trên toàn thế giới. Trong đó, smartphone vẫn chiếm thị phần lớn nhất, khoảng 45% tổng số lượng thiết bị LTE toàn cầu.

Báo cáo cập nhật những thông tin mới nhất về hệ sinh thái LTE (Status of the LTE Ecosystem report) của Hiệp hội các nhà cung cấp di động toàn cầu (GSA) xác nhận, tính đến ngày 14/10, trên toàn cầu đã có 138 nhà sản xuất và 2.218 thiết bị LTE được công bố.

Tính đến 14/10, trên toàn cầu có 2.218 thiết bị đầu cuối LTE (Nguồn GSA).

Cũng theo báo cáo, phân khúc điện thoại thông minh (smartphone) vẫn chiếm thị phần lớn nhất với 1.045 thiết bị, tương đương 45% tổng số lượng thiết bị LTE toàn cầu. Trong khi, năm 2013, smartphone chỉ chiếm 36% (455 thiết bị). Ngoài ra, có tới 98% smartphone LTE đa chế độ, sử dụng được cả công nghệ 3G và LTE. 

Loại thiết bị LTE phổ biến tiếp theo là các thiết bị định tuyến, kế đó là máy tính bảng và vị trí thứ 4 là các dongle. Riêng máy tính bảng có tính năng kết nối LTE tăng 18% trong 3 tháng qua với tổng cộng 207 sản phẩm.

Trên toàn cầu, băng tần được sử dụng nhiều nhất trong triển khai mạng LTE vẫn là 1800 MHz (3GPP băng 3) và đây cũng là băng tần có hệ sinh thái các thiết bị LTE lớn nhất với 994 thiết bị.

Ngoài ra, số liệu trong báo cáo còn bao gồm cả các thiết bị sử dụng công nghệ LTE TDD và LTE FDD. Theo đó, phần lớn các thiết bị đầu cuối hoạt động ở chế độ FDD. Chế độ TDD cũng ghi nhận có sự tăng trưởng nhanh chóng với 644 thiết bị được các nhà sản xuất đưa ra thị trường. Băng tần TDD 38 (2,6 GHz) và 40 (2,3 GHz) chiếm ưu thế và mỗi băng tần đều sở hữu gần 420 thiết bị đầu cuối LTE. Băng tần 41 (2,6 GHz) có 261 thiết bị, tiếp theo là băng tần 39 (250 thiết bị). Số lượng các thiết bị hoạt động ở băng 42 và 43 (3,5 GHz) cũng được ghi nhận có sự gia tăng đáng kể.

Alan Hadden, Chủ tịch GSA, cho biết: “Các nhà mạng trên toàn cầu đang đầu tư mạnh mẽ nhằm nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, cải thiện hiệu suất và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu. Điều này có thể nhận thấy rõ, khi thiết bị hỗ trợ chuẩn Category 4 (tốc độ đỉnh đường xuống là 150 Mb/s) chiếm tới 25% tổng số thiết bị LTE trên toàn cầu, còn chuẩn Category 6 (300Mb/s) thì có khoảng 16 thiết bị”.

Thị phần các loại thiết bị đầu cuối LTE (Nguồn GSA).

Băng tần APT700 FDD (băng 28) cũng đang ngày càng được nhiều nhà khai thác ở hầu hết các khu vực quan tâm để triển khai LTE. Báo cáo cho biết, số lượng các thiết bị đầu cuối sử dụng băng 28 có khoảng 55 thiết bị, trong đó hơn 22 thiết bị (khoảng 80%) là smartphone.

Ở phân khúc điện thoại tích hợp VoLTE, do nhiều nhà mạng đang triển khai cung cấp dịch vụ thoại chất lượng cao (HD voice) cho khách hàng LTE của mình dựa trên công nghệ VoLTE, nên nhu cầu về các thiết bị đầu cuối tích hợp VoLTE ngày càng gia tăng. GSA xác nhận, hiện có khoảng 146 điện thoại tích VoLTE đã được giới thiệu trên toàn thế giới. Đó là sản phẩm của các nhà cung cấp hàng đầu như Apple, Asus, Fujitsu, Huawei, LG, Pantech, Samsung, Sharp và Sony Mobile. 

Theo GSA, tính đến tháng 9/2014, trên toàn cầu có 331 mạng LTE đã được thương mại hóa. Dự kiến, đến cuối năm nay, con số này sẽ là 350 mạng.

(Nguồn http://www.gsacom.com)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
GSA: Đã có 2.218 thiết bị đầu cuối LTE trên toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO