Hà Nội bước đầu đạt được những kết quả trong phát triển đô thị số
Với những bước tiến trong việc áp dụng thanh toán thông minh và những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, Hà Nội đã và đang nỗ lực phấn đấu trở thành một thành phố hiện đại, nơi các hoạt động kinh tế-xã hội đều được số hóa, từ đó mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
"Hà Nội - Thành phố thông minh và Hệ sinh thái ngân hàng mở" là chủ đề của Hội thảo do UBND thành phố Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng chỉ đạo, Báo Tiền Phong và công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, việc xây dựng thành phố thông minh với hệ thống thanh toán thông minh đóng vai trò then chốt đã và đang giúp Hà Nội từng bước chuyển mình và có những đột phá trong quá trình phát triển. Từ việc triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công, giao thông, an sinh xã hội đến hóa đơn điện tử và tuyến phố thanh toán thông minh, Hà Nội bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng trong quá trình phát triển đô thị số.
“Việc tiếp tục mở rộng và hoàn thiện hệ thống thanh toán thông minh sẽ không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần xây dựng một xã hội số công bằng, minh bạch và hiệu quả, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại”, ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Hiện nay, mối quan hệ mật thiết giữa thành phố thông minh và chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng là vô cùng quan trọng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết: Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang dần chuyển đổi từ mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình ngân hàng mở. Sự chuyển đổi này gắn liền với việc kết nối và tích hợp các nền tảng công nghệ, giải pháp thanh toán, chia sẻ dữ liệu, nhằm phát triển một hệ sinh thái số và hệ sinh thái ngân hàng mở.
Tuy nhiên, dù có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, song việc phát triển hệ sinh thái ngành ngân hàng hướng tới mô hình ngân hàng mở còn đối mặt với một số khó khăn, thách thức về an toàn bảo mật, công tác quản trị dữ liệu, tiêu chuẩn chung.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh thêm: Với vai trò là cơ quan quản lý trong lĩnh vực ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý quản lý hoạt động ngân hàng mở để giúp các tổ chức tín dụng triển khai một cách có hệ thống, phục vụ khách hàng tốt hơn, qua đó giúp các tổ chức tín dụng giải quyết nhiều bài toán dịch vụ tài chính và tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn.
Cũng tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) Nguyễn Quang Hưng cũng cho biết, mô hình đô thị thông minh/thành phố thông minh hiện đang là xu hướng của nhiều nước trên thế giới với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp cũng như chất lượng sống của cư dân đô thị.
“Hướng tới mô hình xây dựng thành phố thông minh của Thủ đô Hà Nội, các giải pháp thanh toán điện tử được tích hợp, ứng dụng trong các lĩnh vực sẽ góp phần gia tăng tiện ích cũng như đem lại hiệu quả trong triển khai các hoạt động nói chung. Theo đó, NAPAS và các ngân hàng thành viên đã sẵn sàng về hạ tầng, kỹ thuật để triển khai kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực như giao thông, y tế, giáo dục, dịch vụ công, thông qua hạ tầng kỹ thuật ngân hàng mở. Nhưng bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng cần tăng cường triển khai, kết nối với hệ thống ngân hàng để người dân có thể thụ hưởng các dịch vụ chất lượng”, ông Nguyễn Quang Hưng chia sẻ thêm.